Chuyên gia kinh tế: Thế giới đối mặt với "đại suy thoái", các cuộc khủng hoảng trước đây không là gì so với hiện tại
Đó là nhận định mới được đưa ra bởi nhà kinh tế học David Rosenberg, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ quản lý tài sản Gluskin Sheff.
- 27-04-2020Dubai có thể rơi vào khủng hoảng nợ nếu dịch Covid-19 kéo dài
- 25-04-2020Cuộc khủng hoảng thiếu thịt đe dọa toàn cầu sau đại dịch Covid-19
- 23-04-20208.000 tỷ USD không đủ để kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19, thậm chí còn thúc đẩy phân hóa giàu nghèo
Những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tồi tệ đến nỗi thường được so sánh ngang tầm với thời kỳ Đại khủng hoảng. Nhưng giờ đây nhà đầu tư cần phải chuẩn bị cho thời kỳ Đại suy thoái, vì đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hệ lụy tồi tệ hơn cả cách đây 1 thập kỷ.
Đó là nhận định mới được đưa ra bởi nhà kinh tế học David Rosenberg, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ quản lý tài sản Gluskin Sheff.
Theo ông, trong kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào tháng 5, với tốc độ chậm chạp trên tất cả các ngành và các địa phương. Người dân sẽ cảm thấy ít thoải mái và ít tự tin hơn khi đi mua sắm, chi tiêu so với thời điểm trước dịch. Thế giới vẫn chưa thể tìm ra vaccine, nhưng trong 6 tháng tới sẽ tìm được phương pháp điều trị làm dịu đi những triệu chứng viêm đường hô hấp tồi tệ nhất.
Điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế và thị trường tài chính?
GDP thực sẽ giảm 30% trong quý II, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm (so với cùng kỳ năm trước) trong 5 năm quý tiếp theo, và đến cuối năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp là 14,2%. Năm 2021 trung bình tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, vào khoảng 13%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục giảm theo từng quý, đến quý IV giảm xuống còn 0,31% và mức trung bình trong cả năm 2021 chỉ là 0,18%. Lợi suất giảm vì giá trái phiếu tăng mạnh nhờ nhu cầu về tài sản an toàn tăng lên.
Rosenberg dự đoán TTCK sẽ chạm đáy trong quý II, với chỉ số S&P 500 xuống mốc 2.000 điểm rồi sau đó "hồi phục một cách chậm chạp", năm 2021 trung bình S&P 500 sẽ chỉ ở ngưỡng 2.600 điểm (hiện chỉ số này ở mức hơn 2.800 điểm). Nói cách khác, thị trường sẽ giảm 30% trong tháng tới và 18 tháng tiếp theo hồi phục nhẹ, sẽ ở mức thấp hơn khoảng 10% so với hiện tại.
Rosenberg cũng đưa ra "kịch bản lạc quan nhất", khi vaccine hoặc thuốc chữa xuất hiện trong 6-12 tháng tới. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ ở mức 9% trong 2 năm tới và S&P 500 lập đáy ở 2.500 điểm trong quý II.
Ngược lại, trong kịch bản tồi tệ nhất, tức không có vaccine và thuốc chữa, đồng thời làn sóng thứ hai ập đến với nước Mỹ vào mùa đông này và khiến niềm tin kinh doanh cũng như niềm tin tiêu dùng lao dốc mạnh. Trong kịch bản này, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 20% và ở mức 17,5% trong suốt năm 2021.
Kinh tế Mỹ sẽ ngập chìm trong giảm phát. Kể cả các biện pháp kích thích mạnh mẽ của chính phủ cũng không thể vực dậy lực cầu. Nhật Bản chính là ví dụ cho kịch bản này.
Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản tồi tệ nhất, Rosenberg cũng không cho rằng Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ áp dụng chính sách lãi suất âm. Dẫu vậy thị trường chứng khoán sẽ bị tổn thất nặng nề, với chỉ số S&P 500 lập đáy ở 1.800 điểm trong quý II và năm 2021 chỉ có thể ở quanh mức 2.200 điểm.