MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh

Trao đổi với Trí thức trẻ tại Hội thảo khoa học: "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phục hồi chữ V trong năm 2021, cũng như có nhiều cơ hội để đón nhà đầu tư nhưng không chỉ bằng các ưu đãi tài chính.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 1.

Thưa ông, Covid-19 xảy ra đã tác động ra sao đến luân chuyển vốn đầu tư quốc tế và vào Việt Nam?

Thực ra sự dịch chuyển dòng vốn, như nhiều nhà kinh tế khác đã nói, xuất hiện trước cả khi có Covid-19. Sự dịch chuyển dòng vốn diễn ra có nhiều lý do: tái cấu trúc kinh tế, những cú sốc kinh tế, biến động chính trị xã hội… ví dụ như năm 1997, cú sốc kinh tế đến từ khủng hoảng tài chính châu Á, hay sóng thần 2005 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thậm chí là dịch bệnh như Covid-19 mới đây.

Dòng vốn rất nhạy cảm. Khi có những biến động về chính trị, xã hội, kinh tế xảy ra, hoặc là nó dừng lại, hoặc là tìm chỗ trú ẩn. Cả dòng vốn dài hạn và ngắn hạn đều có tính chất như vậy. Covid-19 là cú hích để dòng vốn có sự chuyển động, tìm những thị trường an toàn hơn hoặc sinh lợi nhiều hơn.

Điều này ngay lập tức sẽ gây ra biến động trên thị trường tài chính tiền tệ, thể hiện trước hết qua biến động về tỉ giá và lãi xuất. Ngay khi Covid-19 xuất hiện, một loạt các đồng tiền của các quốc gia trên thế giới mất giá. Có một số đồng tiền đã phục hồi nhưng nhìn chung là đến tháng 5 đều rơi vào trạng thái giống nhau. Nếu so sánh với các quốc gia khác, tỷ giá của Việt Nam so với các đồng tiền khác là tương đối ổn định, biến động ít hơn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 2.

Đến tháng 6, thị trường tiền tệ bắt đầu bình ổn lại vì nhiều lý do. Một trong những lý do là FED tiến hành thỏa thuận hoán đổi, tái cấp vốn với một số nước. Đồng thời, phục hồi về mặt kinh tế cũng khiến cho sự biến động tiền tệ ban đầu nguội dần đi.

Về chính sách tiền tệ, phản ứng của các quốc gia về mặt chính sách tiền tệ cũng rất nhanh. Ngay lập tức các nước đều hạ lãi suất. Biến động tỷ giá và ứng phó về lãi suất ngay lập tức tác động đến luân chuyển vốn, vì hai yếu tố này là hai chiếc "van" để điều chỉnh dòng vốn.

Ngay khi có Covid-19, tâm lý đầu tiên của nhà đầu tư là tìm nơi trú ẩn, thoái vốn ra khỏi thị trường. Cộng với những biến động tỷ giá, các dòng vốn vào thị trường chứng khoán sụt giảm rất mạnh vào đầu năm 2020. Dù có xu hướng phục hồi tạm thời nhưng nếu so sánh, mức độ sụt giảm của thị trường cổ phiếu còn mạnh hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc thị trường chứng khoán năm 2012.

Cho dù dòng vốn FDI thì mang tính dài hạn và dịch chuyển dòng vốn FDI thực ra đã xuất hiện từ trước, COVID19 vẫn có những tác động tiêu cực đến FDI. Theo dự báo của OECD, trong cả 3 kịch bản lạc quan, cơ sở và bi quan thì FDI tiếp tục sụt giảm, có thể tới 30%, điều này có tác động trực tiếp đến Việt Nam.

Nhìn chung, FDI giảm mạnh ở công nghiệp chế biến chế tạo, cũng là lĩnh vực FDI đầu tư nhiều ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 3.

Việc tỷ giá Việt Nam đồng tương đối ổn định sẽ đem lại thuận lợi gì trong thời điểm hiện tại?

Chắc chắn một nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào bất cứ thị trường nào, một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của họ về ổn định kinh tế vĩ mô là tỷ giá, sự ổn định của đồng nội tệ. Đây sẽ là điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài có thể quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Tỉ giá ổn định cũng tạo điều kiện cho đầu tư và thương mại. Tuy nhiên về trung và dài hạn, cũng cần cân nhắc chính sách tỉ giá linh hoạt hơn để hạn chế sức ép lên dự trữ ngoại hối và ngăn chặn các rủi ro về đầu cơ trục lợi.

Kết quả kinh tế quý III đã cho thấy nền kinh tế đã có sự phục hồi. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã đi qua đáy. Nhưng liệu Việt Nam có thể phục hồi hình V hay không, hay sẽ chậm hơn và theo hình thoải như logo Nike?

Theo đánh giá của ADB, khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh.

Có nhiều yếu tố tạo nên sự phục hồi đó. Thứ nhất là khả năng kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Kiểm soát dịch nếu như tiếp tục ổn định trong năm 2021 sẽ tạo đà cho nhu cầu nội địa trong nước – một trong những động lực rất quan trọng của tăng trưởng Việt Nam – sẽ phát triển mạnh.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 4.

Thứ hai là sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu. Với hiệu lực của EVFTA cũng như khả năng tiếp cận các thị trường khác, Việt Nam có thể duy trì được tặng dư thương mại và thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ ba là việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh trong năm 2021.

Ngoài ra, cần phải cân nhắc tới các thị trường quan trọng, như kinh tế Trung Quốc cũng được nhiều tổ chức dự báo sẽ phục hồi. Đó sẽ là một động lực hỗ trợ Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 5.

Trong một bài phỏng vấn trước đây, anh từng nói khi thu hút FDI thì không chỉ thu hút đại bàng mà phải đón cả "chim sẻ". Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có điểm mạnh gì?

Trước hết, dù là những đại bàng hay chim sẻ thì đều phải đạt được các tiêu chuẩn của Việt Nam: tiêu chuẩn về chuyển giao công nghệ, công ăn việc làm, môi trường, tiêu chuẩn về kết nối với doanh nghiệp trong nước…

Doanh nghiệp nào đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì nên tăng kiện cho họ đầu tư vào Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho dù công nghệ của họ chưa phải là công nghệ tiên tiến nhất, nhưng họ rất linh hoạt, từ khâu tìm hiểu thị trường, đặt nền móng sản xuất cho tới khi thực sự tiến hành sản xuất tại Việt Nam.

Điểm thứ hai là "chim sẻ" đôi khi lại kết nối tốt hơn với doanh nghiệp trong nước, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng sẽ không đòi hỏi quá cao như các doanh nghiệp lớn.

Thứ ba, mục tiêu tiếp cận thị trường của họ cũng khác hơn. Có thể họ không chỉ kết hợp với doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu nước ngoài mà có thể kết hợp với doanh nghiệp nội địa để sản xuất và tiêu thụ ngay tại Việt Nam.

Với các nhà đầu tư theo hình thức M&A, từ giờ đến cuối năm và sang năm tới, đầu tư vào Việt Nam liệu có sự khởi sắc từ nhóm này?

Đối với các nhà đầu tư theo hình thức mua bán - sáp nhập, thời điểm này chưa phải thời điểm mà họ sẽ tăng cường đầu tư Việt Nam. Bây giờ cũng có thể thấy một xu hướng rất rõ, thực ra các thương vụ mua bán sáp nhập vừa rồi chủ yếu là các công ty trong nước. Một số nhà đầu tư nước ngoài, kể cả từ Trung Quốc, cũng có động thái rút vốn ra khỏi Việt Nam. Trong thời điểm này, chủ yếu là thoái vốn.

Đến năm 2021, khi điều kiện vĩ mô của thị trường rõ ràng hơn, tình hình dịch bệnh, tình hình nhu cầu quốc tế, vấn đề địa chính trị, kể cả vấn đề bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng hơn, nhà đầu tư lúc đó họ sẽ quyết định. Việc mua bán, sáp nhập tự nhiên sẽ tăng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2021 sẽ theo hình chữ V và có khả năng sẽ rất mạnh - Ảnh 6.

Trong bối cảnh có sự cạnh tranh rất gay gắt đến từ các quốc gia khác như Indonesia và Ấn Độ với hàng loạt các ưu đãi tài chính, sự hấp dẫn của Việt Nam liệu có giảm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài?

Việt Nam đã qua giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi tài chính. Các kết quả vừa rồi cũng có thể chứng minh rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài bằng các ưu đãi tài chính có thể dẫn đến những hệ lụy nhất định, đặc biệt là vấn đề chuyển giá. Đây là vấn đề đến tận bây giờ Việt Nam vẫn chưa giải quyết được, thực ra cũng đến từ việc các nước cạnh tranh nhau về ưu đãi.

Cũng có những ví dụ cho thấy, đã có những tập đoàn nước ngoài cân nhắc đến những điểm đến khác, nhưng sau đó cuối cùng họ lại quay lại Việt Nam. Điều này cho thấy rằng đối với bản thân nhà đầu tư, việc có rót vốn hay không không còn phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề ưu đãi nữa.

Bất cứ nhà đầu tư nào khi đầu tư cũng nhìn vào tổng chi phí. Ngoài vấn đề ưu đãi ra, còn chi phí logistics, chi phí lao động. Mà những yếu tố đó ở Việt Nam, chẳng hạn như chi phí logistics, đến bây giờ đang là gần 20 % GDP – một con số rất lớn. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, ưu đãi tài chính nhiều khi không bù đắp được chi phí logistics.

Việt Nam ở thời điểm này, bên cạnh ưu đãi tài chính, phải tập trung chủ yếu vào chất lượng. Để đón nhà đầu tư chất lượng, chắc chắn Việt Nam phải có nền kinh tế chất lượng: chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng về nhân lực, chất lượng về hệ thống quản trị. Tất cả những yếu tố đó, nếu không có thì không cách nào thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Cảm ơn ông!


Hoàng An / Ảnh: Kiên Trần / Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên