Chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng: Giảm lãi suất giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm một bước mạnh (0,5%-1%/năm) ở các loại lãi suất chính, cũng như toàn diện ở các kênh hỗ trợ.
- 17-03-2020Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Doanh nghiệp còn cần thêm gì?
- 17-03-2020Lãi suất giảm, NIM các ngân hàng bị ảnh hưởng
- 17-03-2020Không chỉ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất kỳ hạn dài cũng đồng loạt giảm mạnh tại nhiều ngân hàng từ 17/3
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Quyết định giảm lãi suất của NHNN phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, NHNN giảm 0,5%/năm đối với lãi suất thị trường mở (OMO) từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống còn 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Cùng đó, trần lãi suất huy động VND của TCTD đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm (từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm); loại có kỳ hạn từ 1 tháng-6 tháng giảm 0,25%/năm (từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm). Giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD đối với khách hàng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên (từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm). Và NHNN tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của TCTD tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.
Giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp
Có thể nói, đây là lần giảm mang tính chất toàn diện các loại lãi suất điều hành. Cụ thể, một mặt nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi - chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) qua các kênh như OMO và tái cấp vốn...;cắt trực tiếp chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND nhóm ưu tiên. Nhà điều hành cũng hỗ trợ luôn chi phí cho các TCTD qua nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trước đó, NHNN từng chia ra các lần giảm các loại trong năm 2019 (tháng 9 và tháng 11) với các bước giảm như 0,25%/năm ở các loại lãi suất chủ chốt.
Quyết định giảm lãi suất của NHNN lần này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 02 tuần, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã có các động thái tương tự.
Theo ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), quyết định của NHNN cũng trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm bớt đi do giá dầu giảm mạnh. Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMO phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn. Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ TCTD trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó, TCTD thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.
Cùng với động thái giảm lãi suất, trước đó, ngành Ngân hàng đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẵn sàng giảm lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Đây là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kinh doanh gặp khó khăn do suy giảm doanh thu, rất cần được tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng đã 2 lần công bố giảm phí dịch vụ, làm cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ cho khách hàng.
Bước đi cần thiết, phù hợp và thận trọng
Các chuyên gia tài chính đánh giá cao điều hành lãi suất của NHNN. Các mức lãi suất giảm đều được cân nhắc kỹ và phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông điệp của NHNN rất rõ ràng, mạnh mẽ về việc sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD nếu cần thiết bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác. Điều này sẽ củng cố niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư, người dân vào hệ thống ngân hàng.
TS. Võ Trí Thành nhận định, NHNN đã rất kịp thời, chủ động hạ lãi suất cùng các biện pháp khác, đây là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tai, thể hiện sự cẩn trọng của NHNN, bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch qua đi. Còn TS. Bùi Quang tín nhận xét, NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành trong tương quan với lạm phát (lạm phát 2 tháng đầu năm ở mức 5,91% cao hơn mức 4% - mục tiêu lạm phát cả năm), với mức lạm phát cao đó, việc giảm lãi suất phù hợp các chỉ tiêu vĩ mô khác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo TS. Võ Trí Thành, mức giảm lãi suất huy động vẫn đủ hấp dẫn, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín nhận định, gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư phù hợp, trong bối cảnh, chứng khoán thì đang rủi ro, trong khi đó thanh khoản thị trường BĐS còn kém, trên thị trường hàng hóa đầu tư khác thì nhiều doanh nghiệp phải cầm cự vượt qua đại dịch. Hơn nữa, mức lãi suất tiền gửi vẫn cao hơn mức lạm phát thì vẫn đủ hấp dẫn người dân.
Nói về diễn biến tỷ giá thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, sau khi hạ lãi suất, nếu nhìn vào nguồn lực của NHNN và điều hành linh hoạt của NHNN trong việc bơm hút tiền đồng, mua vào bán ra ngoại tệ, có thể đảm bảo tỷ giá không tăng quá mức. "Chưa kể lãi suất USD 0% cộng với việc nhà điều hành Mỹ không muốn một đồng đôla mạnh , điều đó ít nhiều tao thuận lợi cho điều hành của NHNN trong việc ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô" – TS. Thành nhìn nhận.
Phía ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Hồng Vân – Phó Tổng Giám đốc VietinBank - chia sẻ: "Xác định đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế, ngân hàng chúng tôi cam kết sẽ chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, ủng hộ các giải pháp của NHNN. Ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng vì sự sống còn của doanh nghiệp cũng là nguồn sống của ngân hàng. Quyết định của NHNN đưa ra rất kịp thời, tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp".
Ông Lê Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc HDBank cho hay, việc NHNN giảm lãi suất giúp ngân hàng có điều kiện cân đối nguồn vốn huy động với kỳ hạn dài hơn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn tốt hơn cho khách hàng một cách đồng bộ và bền vững. Ngân hàng này cũng đã tiến hành giảm lãi suất huy động ngay trong ngày 17/3. "Ngân hàng sẽ xem xét các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng" – ông Trung nói.