Chuyên gia LifeTech 9x chi 8 tỷ đồng làm nhà phố công nghệ "độc nhất vô nhị", cuộc sống tiện lợi chỉ bằng cái "vẫy tay"
Mạnh dạn đem công nghệ vào từng ngóc ngách trong căn nhà 7 tầng để giải quyết những nhu cầu thiết yếu đã giúp gia chủ có những trải nghiệm sống chất lượng có 1-0-2.
- 24-12-2023Đối với họ hàng, khi đối đãi phải nhớ: Biết giấu giàu, tránh than nghèo, hạn chế cho vay tiền!
- 24-12-2023Đáng nể: Lương 10 triệu, biếu bố mẹ 4 triệu/tháng mà cuối năm vẫn dư gần 70 triệu!
- 24-12-2023Tìm thấy bức tranh khảm 2.300 năm tuổi quý hiếm dưới lòng thành Rome
Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, thạc sĩ Khoa học thông tin, chuyên gia Lifetech tại Hà Nội) từng thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội bởi loạt giải pháp công nghệ ấn tượng. Nhà thông minh (smarthome) đang ngày càng phổ biến nhưng nếu có dịp tận mắt chứng kiến cách chủ nhà đọc những câu “thần chú” để rèm tự động đóng, đèn tự động tắt mở, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa bằng giọng nói, bạn sẽ không khỏi kinh ngạc trước sự tối tân của các thiết bị công nghệ hiện đại này.
Đam mê và làm việc trong lĩnh vực công nghệ, có cơ hội tiếp xúc với những thiết bị tự động tại Nhật Bản đã thôi thúc anh Khánh mang công nghệ chỉ thấy trên tivi và trải nghiệm ở nước ngoài vào căn nhà để có trải nghiệm sống tiện nghi nhất.
Nhà này đẹp thế! X Khánh LifeTech
“Nhà phố công nghệ” của anh Khánh có 7 tầng, 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 3 phòng ngủ, 1 sân thượng được xây dựng trên diện tích 60m2 với chi phí nội thất khoảng 8 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt trong nhà anh Khánh là những công nghệ hiện đại được ứng dụng để tạo ra không gian sống chất lượng. Dù nhiều đồ công nghệ, căn nhà này vẫn rất gọn gàng, ít lộ dây điện và phích cắm nhờ “bí quyết” đặc biệt trong quá trình thiết kế và thi công của gia chủ.
Để có được cơ ngơi khang trang ở tuổi 29, Khánh LifeTech đã có thời gian dài học tập và làm việc tại Nhật Bản theo diện Học bổng Thạc sĩ ngành Khoa học Thông tin tại Viện Khoa học và Công nghệ Nara. Anh Khánh vẫn nhớ quãng thời gian sinh viên nhận làm các dự án công nghệ với mức thù lao khiêm tốn để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ trong ngành.
Không ít lần chàng trai này còn muốn từ bỏ tất cả để về nước vì quá trình học gặp nhiều khó khăn. Vượt qua giai đoạn nhiều thử thách đó, anh Khánh vẫn quyết tâm theo đuổi con đường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hiện anh đang đầu tư vào nhiều dự án cho startup công nghệ ở các quốc gia khác nhau.
Khát khao có căn nhà đầu tiên hoàn thiện nhất sau khi trở về Việt Nam anh Khánh dày công trong quá trình tìm đội KTS và phải mất đến 6 tháng mới có được thiết kế ưng ý cho smarthome của mình.
Anh kể bản thân đã phải đổi đến 3 đội thiết kế, sẵn sàng mất tiền cọc để tìm ra đơn vị có “bản vẽ như thế nào thì thi công ở ngoài giống y như vậy”. Ngay từ lúc lên ý tưởng bản vẽ, anh Khánh và KTS cũng tính toán rất kỹ kích thước và vị trí đặt các thiết bị để đảm bảo nhà nhiều đồ công nghệ nhưng vẫn gọn gàng, không lộ ra nhiều dây điện hay phích cắm.
“Tôi không đặt nặng vấn đề tài chính vì không muốn sau khi hoàn thiện lại nuối tiếc không làm cái này không lắp cái kia. Vậy nên có công nghệ nào hiện đại, ưng ý là tôi đem về nhà luôn. Chi phí cho nội thất cho ‘nhà phố công nghệ’ rơi vào khoảng 8 tỷ đồng”, chuyên gia Lifetech 29 tuổi nói.
Trong đó, anh Khánh đầu tư “mạnh tay” nhất cho các thiết bị ánh sáng, hệ thống lọc không khí và lọc nước với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng cho 1 hạng mục. Với anh Khánh, đây là khoản đầu tư xứng đáng để có không gian sống chất lượng, tốt cho sức khỏe của cả gia đình.
Ngay khi bước vào tầng 1 cũng là gara, nhiều khách đến chơi nhà sẽ có phần ngạc nhiên trước cách anh Khánh đầu tư cho không gian vốn bị nhiều gia chủ “lãng quên” này. Theo anh Khánh, gara là nơi đầu tiên đón mình về nhà, đón khách đến chơi nên anh muốn đây sẽ trở thành một nơi thoải mái, không có mùi ẩm mốc hay bụi bặm.
Anh Khánh trang bị cửa cuốn tự động có thể điều khiển từ xa, tủ giày có chức năng sưởi sấy, khử khuẩn và đèn thông minh. Điều đặc biệt là anh Khánh còn có thể trồng cây trong gara nhờ đèn UV quang hợp, mô phỏng ánh sáng mặt trời và hệ thống tưới tự động tạo nên một khu vực xanh mát làm điểm nhấn.
Phòng khách của nhà anh Khánh đặt trên tầng 5 thay vì tầng 1, tầng 2 như nhiều ngôi nhà khác. Chàng trai 29 tuổi lý giải điều này là do anh muốn không gian sinh hoạt chung có view thoáng nhất còn phòng nghỉ ngơi ở tầng dưới cho yên tĩnh, cửa sổ nhìn ra cây xanh tạo cảm giác thư giãn.
Thay vì tìm công tắc để bật đèn thông thường, anh Khánh chỉ cần giơ ký hiệu 2 tay để toàn bộ hệ thống chiếu sáng thông minh, rèm cửa và điều hoà tại phòng khách sẽ hoạt động. Anh bật mí một tính năng vô cùng tâm đắc của điều hoà, đó là có thể tự động điều chỉnh chế độ phù hợp dựa trên chính nhiệt độ và độ ẩm của môi trường bên ngoài.
Phòng khách ở tầng 5 kết nối với bếp ở tầng 6 bằng một chiếc thang xoắn. Với một câu lệnh “Kitchen Time”, đèn và điều hoà trong khu vực bếp sẽ được kích hoạt. Tương tự như phòng khách, căn bếp của nhà anh Khánh cũng được sắp xếp gọn nhất có thể với giá bát, giá để gia vị nâng hạ thông minh, máy hút mùi bật tắt bằng cử chỉ gạt tay.
“Điều cần lưu ý khi thiết kế bếp chính là việc trao đổi với vợ để hiểu rõ nhu cầu và tìm giải pháp giải quyết các vấn đề của “người chủ căn bếp”. Ví dụ như để vợ không cần dọn thức ăn thừa sau mỗi bữa cơm, tôi lắp đặt máy xay rác hữu cơ thành nước, tránh cả vấn đề rác gây mùi và nấm mốc cho bếp. Bên cạnh đó, vợ tôi rất quan tâm vấn đề đảm bảo an toàn cho sức khỏe nên tôi lắp đặt hệ thống lọc nước, có thể uống nước trực tiếp từ vòi”, anh Khánh chia sẻ.
Không gian chủ nhà yêu thích và dành nhiều thời gian nhất trong nhà chính là phòng làm việc ở tầng 4. Căn phòng này có thiết kế tối giản, trang bị bàn công thái học và màn hình nghiêng góc 10 độ để ngồi trong tư thế chuẩn, không gây mệt mỏi cho gia chủ dù làm việc liên tục 8-10 tiếng. Anh thường bắt đầu một ngày làm việc bằng “thần chú” “Office Time” để khởi động các thiết bị trong phòng và kết thúc bằng câu lệnh “Leave Office” khi rời đi.
Tầng 3 gồm phòng ngủ và phòng tắm là nơi vợ chồng anh Khánh nghỉ ngơi sau một ngày dài, vậy nên anh cũng lắp đặt nội thất hướng đến mục đích thư giãn. Anh Khánh hào hứng giới thiệu về điều hòa thông minh trong phòng tắm, tự động sưởi hoặc làm mát tuỳ theo mùa, tự động hút ẩm để không gian luôn khô ráo.
Chuyên gia Lifetech 29 tuổi đặc biệt dành tặng vợ một bồn sục Jacuzzi vì biết sở thích tắm bồn từ khi làm việc bên Nhật của “nửa kia”. Một thiết bị đem đến trải nghiệm khác biệt mà anh gợi ý mọi người nên sử dụng đó là giá sưởi khăn tắm, khi tắm xong có sẵn khăn 37 độ không lo bị lạnh, nhất là trong mùa đông miền Bắc.
“Riêng phòng ngủ tôi không sử dụng quá nhiều công nghệ ngoài máy lọc không khí, cấp khí tươi. Ngoài ra khi tôi muốn chìm vào giấc ngủ nhanh thì chỉ cần hô câu lệnh “Master Sleep” để có nhiệt độ phù hợp cho giấc ngủ, đèn tự động tắt và rèm tự động kéo. Thao tác này giúp vợ chồng tôi có trải nghiệm nghỉ ngơi thoải mái nhất”, anh Khánh cho biết.
Từ khi đăng tải hình ảnh nhà phố công nghệ lên các nền tảng mạng xã hội, những câu hỏi Khánh LifeTech nhận được nhiều nhất xoay quanh… tiền điện và tình huống smarthome mất điện. Không ít người cho rằng với số lượng thiết bị công nghệ lớn như vậy, chắc hẳn mỗi tháng gia đình anh Khánh sẽ phải đóng cả chục triệu đồng tiền điện.
Trên thực tế, anh Khánh cho biết: “Các thiết bị càng hiện đại thì càng tốn ít điện, ví dụ như đèn led, điều hòa và tủ lạnh sử dụng công nghệ Inverter. Điều hòa trong nhà có thể tự điều chỉnh phù hợp với nhiệt độ môi trường bên ngoài nên không cần hoạt động với công suất quá cao. Bên cạnh đó là hệ thống đèn cảm biến tự động đến gần mới bật, đi xa là tắt rất tiết kiệm điện. Vậy nên nhà tôi chỉ chi dưới 5 triệu/tháng cho tiền điện thôi”.
Với vấn đề mất điện, chuyên gia Lifetech lý giải nhà anh nằm ở khu vực ít xảy ra tình trạng cắt điện. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra, anh đã chuẩn bị sẵn bằng cách cho một số thiết bị trong nhà hoạt động bằng pin, 6 tháng - 1 năm mới cần thay pin. Dù mất điện thì hệ thống cảm biến hay cửa thông minh vẫn hoạt động bình thường. Tính năng này phòng trừ xảy ra tình huống khẩn cấp thì người trong nhà vẫn có thể thoát ra ngoài nhanh chóng.
Trước ý kiến cho rằng sống trong smarthome khiến con người phụ thuộc vào công nghệ, chàng trai 29 tuổi bày tỏ quan điểm rằng sử dụng công nghệ trong đời sống hàng ngày là cách anh để giải phóng sức lao động, dành thời gian cho những việc quan trọng hơn như chăm sóc con cái, nghỉ ngơi giải trí. Vậy nên anh vẫn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn các thiết bị công nghệ để nếu có cơ hội tiếp tục xây căn nhà thứ 2, thứ 3 thì đó sẽ là những smarthome phiên bản hoàn thiện và ấn tượng hơn.