MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đáng nể: Lương 10 triệu, biếu bố mẹ 4 triệu/tháng mà cuối năm vẫn dư gần 70 triệu!

24-12-2023 - 14:56 PM | Lifestyle

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là châm ngôn sống của Phương Thảo.

Với mức lương 10 triệu/tháng, chắc hẳn sẽ có không ít bạn trẻ ngoài kia cảm thấy "chẳng đủ sống". Tính sơ sơ tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền đi lại thôi cũng đã gần hết 10 triệu rồi, không "âm lương" là may, nói gì tới chuyện có dư.

Cũng đang ở nhà thuê, đi làm và nhận lương 10 triệu/tháng nhưng Phương Thảo - Cô bạn 27 tuổi ở Hà Nội không những không âm lương mà còn làm được khối việc. Mỗi tháng, ngay sau khi nhận lương, Phương Thảo sẽ chuyển biếu bố mẹ 4 triệu, rồi chuyển 1 triệu vào tài khoản tiết kiệm.

Đáng nể: Lương 10 triệu, biếu bố mẹ 4 triệu/tháng mà cuối năm vẫn dư gần 70 triệu! - Ảnh 1.

Phương Thảo

Vậy là cô bạn này chỉ có 5 triệu để trang trải toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn uống trong tháng. Chuyện này nghe có vẻ khó khả thi, nhưng Phương Thảo đã làm được và làm rất tốt. Và đây là 3 cách giúp cô bạn này sinh tồn với khoản tiền 5 triệu cho chi phí thuê nhà, ăn uống và di chuyển.

1 - Đi xe bus, nói không với xe máy hoặc xe công nghệ

Ngay từ thời mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội học Đại học, Phương Thảo đã kết thân với xe bus. Thói quen này được cô bạn duy trì tới tận bây giờ. Hiện tại, 200k là khoản tiền mà Phương Thảo dùng để mua vé bus liên tuyến, cũng là khoản tiền duy nhất mà cô bạn này chi cho việc di chuyển.

"Mình đi xe bus quen rồi nên thấy không có gì bất tiện. Từ chỗ mình ở tới chỗ mình làm không cần chuyển tuyến, nhưng mình vẫn đăng ký vé liên tuyến để phòng khi muốn đi chơi hoặc đi đâu đó thôi" - Phương Thảo chia sẻ.

Cô bạn này cho biết bất tiện duy nhất khi chọn xe bus làm phương tiện di chuyển chính là vào những ngày trời mưa hoặc giờ cao điểm tắc đường, việc đi lại khá tốn thời gian. Tuy nhiên đổi lại là mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nên Phương Thảo thấy "vẫn ok".

2 - Thuê chung nhà với bạn "cũng nghèo giống mình" để san sẻ chi phí sinh hoạt

Sau khi mua vé xe bus, Phương Thảo chỉ còn 4,8 triệu để trang trải cuộc sống. Trong đó, tiền thuê nhà cùng tiền dịch vụ (điện, nước, mạng) mất khoảng 2 triệu/tháng.

"Mình và một đứa em thuê một phòng khép kín rộng khoảng 18m2, hết 3,2 triệu. Thêm cả tiền dịch vụ vào nữa, chắc khoảng 4 triệu/tháng. Đây là phòng chúng mình thuê từ cách đây 5 năm nên chủ nhà không tăng giá. Chúng mình cũng không dám chuyển đi đâu, cũng không có ý định thuê nhà ở 1 mình vì giá thuê nhà bây giờ đắt quá. Tiền điện chỗ nào cũng tính 4k/số rồi, ở 1 mình thì thực sự không gánh nổi" .

Phương Thảo cho biết tiền điện chính là khoản tốn kém nhất, vì đi thuê nhà nên tiền điện không được tính theo giá dân. Mùa hè, thường những hôm nào 39 độ, Phương Thảo và em mới bật điều hòa, mà cũng chỉ dám bật khoảng 15-20 phút cho phòng mát hơn rồi lại tắt, không dám bật nguyên cả đêm. Còn ban ngày, cả Thảo và em đều đi làm nên "dễ thở" hơn.

Đáng nể: Lương 10 triệu, biếu bố mẹ 4 triệu/tháng mà cuối năm vẫn dư gần 70 triệu! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Ai cũng bảo thuê trọ cùng bạn sẽ tiết kiệm hơn nhưng mình nghĩ phải tìm được người có cùng hoàn cảnh, mục tiêu với mình thì mới có thể ở cùng nhau lâu dài. Nếu không sẽ rất khó sống hòa thuận với nhau.

Như mình chẳng hạn, mình không có nhiều tiền để trang trải cuộc sống nên nếu ở cùng với người không muốn tiết kiệm sẽ rất khó. Chúng mình ở được với nhau gần 5 năm là vì cả hai đứa đều nghèo đó" - Phương Thảo vừa cười vừa kể.

3 - Dùng bếp gas, tự nấu ăn thay vì đặt đồ ăn qua app

2,8 triệu là khoản tiền mà Phương Thảo còn để lo tiền ăn hàng tháng, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt và đi lại.

Với số tiền ít ỏi này, phải 3-4 tháng, Phương Thảo và người em cùng phòng trọ mới dám đi ăn ngoài 1 bữa còn thường ngày, hai chị em sẽ tự nấu ăn.

Vì tiền điện bị tính giá cao nên Phương Thảo và em dùng bếp gas chứ không dám dùng bếp từ hay các loại bếp điện. Kể cả bình đun nước siêu tốc cũng không.

"1 bình gas 470k (12kg), chắc phải 4-5 tháng mới hết. Tính ra rẻ hơn nhiều so với dùng bếp từ hoặc bếp điện. Chị em mình cũng luôn khóa van gas sau khi nấu nướng để hạn chế những việc không mong muốn" - Phương Thảo chia sẻ.

Cô bạn này còn cho biết vì cả hai chị em đều ăn ít nên 2,8 triệu để lo chuyện ăn uống là con số cũng khá thoải mái, không quá khó khăn.

4 - Đi dạy gia sư để có thêm tiền tiết kiệm

Ngoài công việc chính, Phương Thảo còn tranh thủ đi dạy gia sư Tiếng Anh vào buổi tối. Vì đã sở hữu tấm bằng Ielts 7.0 nên việc tìm lớp dạy gia sư với Phương Thảo không quá khó khăn.

Hiện tại, Phương Thảo đang đi dạy 4 buổi tối/tuần với hình thức gia sư 1-1. 300k là học phí 1 buổi. Như vậy tính ra mỗi tháng, Phương Thảo sẽ có thêm khoản tiền 4,8 triệu, ngoài mức lương 10 triệu từ công việc chính. Tuy nhiên, cô bạn 27 tuổi này lại quyết tâm không "động" vào số tiền kiếm được từ việc đi dạy gia sư này.

Đáng nể: Lương 10 triệu, biếu bố mẹ 4 triệu/tháng mà cuối năm vẫn dư gần 70 triệu! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Tiền đi dạy gia sư, mình dùng để tiết kiệm chứ không tiêu. Mình thấy mình vẫn sống được ngay cả khi không đi dạy gia sư nên tìm được học sinh, có thêm tiền hàng tháng, mình cũng không tiêu vào khoản đó. Năm nay trộm vía may mắn, mình dạy được 2 em học sinh suốt cả năm mà không có em nào nghỉ nên mình tiết kiệm được 57,6 triệu từ tiền lương gia sư" - Phương Thảo kể với một nụ cười.

Ngoài tiền lương gia sư, Phương Thảo còn tiết kiệm được thêm 1 triệu/tháng từ tiền lương của công việc chính. Như vậy năm nay, cô bạn 27 tuổi này đã tiết kiệm được 69,6 triệu đồng.

Khi được hỏi động lực nào khiến Phương Thảo có thể chi tiêu ít như vậy, cô bạn trả lời một cách đầy tự hào: "Vì bố mẹ mình đều làm nông, ở quê, người ta gọi là làm ruộng đấy nên nếu mình không tiết kiệm thì không có tiền lấy chồng hoặc đi học cao lên nữa. Bố mẹ mình nuôi hai chị em mình học hết Đại học là đã cố gắng lắm rồi" .

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ mới

Trở lên trên