MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia lo ngại nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng nóng

Mức tăng trưởng 5,52% sẽ định hình cho tăng trưởng năm nay là khá thấp và đạt mức 6-6,2% trong năm nay đã là rất tốt. Còn mục tiêu 6,7% cố đạt sẽ chứa đựng rủi ro không nhỏ.

Thông tin được TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2016.

Sang quý II, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục suy giảm với mức tăng trưởng 7,09%, thấp hơn nhiều so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành công nghiệp chỉ tăng 6,82% do suy giảm trong ngành khai khoáng. Điều này dẫn đến, tăng trưởng quý II đạt 5,52%, gần như không đổi so với mức 5,48% quý I.

Nhiều yếu tố tăng trưởng thấp

"Điều này là hoàn toàn bất thường, khi tăng trưởng quý II luôn cao hơn quý I từ 0,25 đến 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2010 - 2015", ông Thành phân tích.

Khu vực nông nghiệp và dịch vụ đã có sự cải thiện đáng kể so với quý I. Dù vẫn thấp hơn giai đoạn trước, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã tăng trưởng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức -1,31% trong quý I. Mức tăng trưởng cao của quý II của khu vực dịch vụ đã giúp tăng trưởng nửa đầu năm 2016 tăng cao nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, xét riêng lĩnh vực công nghiệp thì ngành khai khoáng tiếp tục có xu hướng suy giảm từ quý I. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dù đã được cải thiện vẫn không thể đưa mức tăng chỉ số công nghiệp lên hai chữ số. Ngành khai khoáng thì giảm trung bình từ 6,21% trong quý II, thấp nhất từ trước tới nay.

Bức tranh về tình hình hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá là có nhiều khởi sắc, khi có 54,5 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký bình quân là 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. Việc Chính phủ có nhiều nỗ lực trong việc giảm hành chính phiền hà và cải thiện môi trường kinh doanh đặt ra nhiều kỳ vọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Song theo TS. Thành lạm phát là nguy cơ rất cần được cân nhắc, khi mà lạm phát toàn phần đã tăng lên rất nhanh, cao hơn lạm phát lõi, với sự gia tăng mạnh của nhóm nguyên liệu và nhiên liệu phục hồi. Do đó, nếu không kiểm soát lạm phát tốt thì sẽ tạo bất ổn vĩ mô và khó quản lý được, đặc biệt thận trọng trong điều chỉnh dịch vụ công vào cuối năm.

Đối với hoạt động xuất khẩu, sau hai quý thặng dư thì cán cân thương mại bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều. Xuất khẩu tăng trưởng mức thấp nhưng nhập khẩu tăng trở lại, đẩy cán cân thương mại về mức cân bằng. VEPR nhận định rằng việc giá hàng hóa cơ bản và năng lượng phục hồi sẽ khiến cho tình trạng cán cân thương mại diễn biến xấu hơn. Nhiều khả năng thương mại sẽ trở lại thâm hụt giai đoạn trước năm 2012.

Điểm đáng chú ý được Viện trưởng Viện VEPR đưa ra là vấn đề ngân sách, khi cơ cấu thu chi ngân sách mất cân đối lớn, nguồn thu bị hụt và đang tăng cường chuyển nguồn thu khác như thuế bảo vệ môi trường, sử dụng đất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dấu hỏi về tính bền vững, hợp lý của các khoản thu này, phải đến từ thuế VAT và tiêu dùng sản xuất.

Tăng đầu tư - dấu hiệu nới lỏng tài khóa

Đồng quan điểm, ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm xấu như vậy, bên cạnh yếu tố khách quan thì vấn đề chủ quan, mà trọng tâm là chi tiêu ngân sách là yếu tố cơ bản.

"Bội chi liên quan điều hành về tài chính ngân sách, mấy năm nay chưa bao giờ căng thẳng như vậy, đó là lý do cần nhấn mạnh. Bối cảnh như vậy đầu tư không tăng, nợ vẫn thế, nợ công tăng, thanh toán được ít. Đây là lý do quan trọng cho tăng trưởng, chứa đựng nguy cơ đưa dần vào tình trạng bất ổn định" - chuyên gia Hồ lo ngại.

Trước những tác động của sự kiện Brexit và FED điều chỉnh lãi suất, TS. Thành cho rằng: "Cần phải khiêm tốn trong tăng trưởng kinh tế để tạo ra nền tảng, đó là nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp. Nếu không có điều chỉnh phù hợp cho tăng trưởng kinh tế, thì không thực tế lắm".

Trong khi đó, TS. Hồ thì lo ngại rằng tư duy điều hành tăng trưởng hiện nay hình như không thay đổi, khi đang cố gắng bơm vốn, tăng tín dụng và cố gắng đạt số lượng tăng trưởng mà không chú ý đến hiệu quả và chất lượng thì sẽ là nguy cơ mà phải trả giá đắt.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế việc kiến nghị kích thích tăng trưởng dựa vào đẩy mạnh vốn đầu tư, tăng giải ngân vốn nhà nước, thực chất là biện pháp nới lỏng tài khóa thông qua tăng đầu tư.

"Lựa chọn cách thức sai tăng trưởng thì phải trả giá, tăng trưởng sẽ không đạt như mong muốn và hệ lụy lớn hơn. Mục tiêu 6,7% đạt hay không đạt, quan trọng là nhìn vào phía cung chứ đừng nhìn vào vấn đề kích cầu, tăng đầu tư và tăng xuất khẩu" - ông Ánh khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên