Chuyên gia lý giải vì sao 70-90% doanh nghiệp thất bại với chuyển đổi số và đưa ra 5 từ khóa quan trọng cần nắm bắt
Ngày 23/4, Cộng đồng Digital Transformation (Chuyển đổi số Việt Nam) đã tổ chức sự kiện DX Talk chủ đề "Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp".
Sự kiện nhằm nhận biết rõ hơn các điểm nghẽn trong quá trình thực thi chuyển đổi số, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn áp dụng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia tư vấn và đào tạo chuyển đổi số đã chia sẻ 5 từ khóa năm từ khóa quan trọng về chuyển đổi số.
Thứ nhất là định nghĩa về khái niệm chuyển đổi số, ông Hòa cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều đang hiểu sai định nghĩa này.
Ông nói: “Digital Transformation không có nghĩa là chuyển đổi số, chúng ta không chỉ chuyển đổi những thứ có số mà cả những thứ phi số không đếm được như sự tiện dụng, chất lượng, quy trình thay đổi, mô hình tổ chức thay đổi, tư duy, môi trường làm việc thay đổi. Những thứ này không phải ‘số’, không đo đếm được”.
Từ khóa thứ hai liên quan đến tiêu chuẩn. Ông Hòa cho biết, mặc dù Bộ Thông tin Truyền thông đã cố gắng đưa ra tiêu chuẩn về chuyển đổi số nhưng thực tế tại mỗi công ty lại khác nhau. Chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số đưa ra các ví dụ so sánh các tiêu chuẩn khác nhau của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT hay FPT.
“Transformation” (chuyển đổi) là từ khóa thứ ba được chuyên gia đưa ra. Ông Hòa nhận định hiện nay rất nhiều công ty chỉ đang tìm cách số hóa hệ thống của mình chứ không được gọi là chuyển đổi số.
“Những việc chúng ta làm chủ yếu là số hóa hệ thống, chuyển một trang dữ liệu thành một file excel rồi tiếp tục đưa file này lên Google Drive hoặc một ứng dụng nào khác. Đấy không phải chuyển đổi số vì chưa đem lại lợi ích, giá trị nào khác”, chuyên gia tư vấn và đạo tạo chuyển đổi số cho biết.
Từ khóa thứ tư theo ông Hòa là ngân sách. Theo ông, hiện nay nhiều lãnh đạo của các công ty khi nhắc đến chuyển đổi số thì không dám ký ngân sách lớn, thường đưa chúng dưới dạng chi phí mua sắm của các phòng ban nhằm đỡ trách nhiệm. Điều này khiến việc chuyển đổi khó được đồng bộ, các khoản chi bị chia ra nhỏ lẻ.
Ông Hòa cho biết “hành động” là từ khóa cuối cùng. Ông Hòa cho biết, sở dĩ từ khóa này quan trọng vì nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo tổ chức ra nhiều cuộc hội thảo, nói rất nhiều về chuyển đổi số nhưng lại không hành động, khiến việc chuyển đổi số chỉ nằm trên giấy tờ, chưa đi vào thực tiễn.
Từ những kinh nghiệm thực thi của mình, TS. Phạm Anh Tuấn - Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, Rạng Đông, PC1 cũng có những chia sẻ về các điểm nghẽn trong chuyển đổi số trong sự kiện.
Ông Tuấn cho biết, lý do 70-90% dự án chuyển đổi số thất bại do còn rất nhiều vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đang gặp phải như tầm nhìn hoặc qua ngắn hạn hoặc quá dài hạn.
Theo Khảo sát toàn cầu của Deloitte đã tìm hiểu và phân tích cách các doanh nghiệp dự định đầu tư vào chuyển đổi số cho thấy các điểm bất cập giữa chiến lược và quá trình triển khai.
Các doanh nghiệp tiếp tục tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ vị thế của họ thay vì đầu tư táo bạo để thúc đẩy đột phá.
Tại hội thảo, ông Đỗ Danh Thanh - Phó TGĐ phụ trách CĐS Deloitte Việt Nam chia sẻ: “94% tổng số doanh nghiệp được khảo sát cho biết chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược hàng đầu của họ. Nhưng chỉ 68% tổng số người được khảo sát và chỉ 50% CEO nghĩ rằng những chuyển đổi này là vô cùng quan trọng đối với việc duy trì lợi nhuận.
Trung bình, các công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 30% ngân sách hoạt động / CNTT của họ cho các sáng kiến chuyển đổi số. Hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy chuyển đổi số, được chỉ ra bởi những người trả lời khảo sát, chính là Cải thiện năng suất và Mục tiêu hoạt động - chủ yếu liên quan khả năng tối ưu hóa các công việc hiện tại - giúp tăng tỷ suất hoàn vốn (ROI).
Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát cho thấy rằng ROI dương cũng có thể được hiện thực hóa khi các tổ chức được thúc đẩy bởi mong muốn đổi mới ngày càng tăng”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp xác định trạng thái mục tiêu của quá trình chuyển đổi số, ông Đỗ Danh Thanh chia sẻ phương pháp tiếp cận của Deloitte được chia thành 3 giai đoạn: Xác định trạng thái tương lai, chiến lược và lộ trình chuyển đổi số và triển khai các Quick wins.
Nhịp sống thị trường