MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại những lựa chọn 'xuất ngoại' ở nước ngoài của các 'ông lớn' Việt: Vingroup, Viettel và FPT có gì khác nhau?

23-04-2023 - 08:50 AM | Kinh tế số

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup từng nói: "Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không 'oai' lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó kinh".

Mới đây, FPT thông báo vừa mở Trung tâm chiến lược phần mềm tại Lương Khánh, thành phố Nam Ninh nhằm đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ đẳng cấp cho thị trường tỷ dân này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại.

Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị của FPT đã chia sẻ trên trang cá nhân về sự kiện này và giải thích lý do FPT chọn Nam Ninh là địa điểm thứ 2 tại Trung Quốc để mở rộng chi nhánh.

Ông Bảo viết: “Tại sao lại là Nam Ninh, tại sao lại chọn một thành phố ở khu vực kinh tế kém phát triển nhất Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản: Nam Ninh là thành phố gần Hà Nội nhất, đi đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Nam Ninh (qua Lạng Sơn) chỉ hết có 5h30 phút (cho quãng đường 380 km), trong khi đó đi đường hàng không phải transit qua Quảng Châu với tổng thời gian lên đến 8h00.

Thêm nữa, Quảng Tây là một trong 3 tỉnh có GDP đầu người thấp nhất Trung Quốc, có nghĩa là chi phí cho một kỹ sư phần mềm biết tiếng Trung ở Nam Ninh là thấp nhất thế giới”.

Nhìn lại những lần ‘cắm cờ’ ở nước ngoài, có thể thấy, Vingroup và Viettel có những hướng đi khác nhau. Tại buổi nói chuyện giữa Chủ tịch Vingroup và cán bộ quản lý của Viettel vào năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng từng đề cập đến cách tập đoàn này định hướng đầu tư ở nước ngoài.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống khách sạn Vinpearl ra nước ngoài hay không, ông Vượng chia sẻ: "Chúng tôi cũng 'thắt lưng buộc bụng', 'bỏ ống' mỗi nơi một cái vài trăm triệu (USD) và sau đó về lâu dài sẽ xây dựng được hệ thống khách sạn với thương hiệu không phải nội địa nữa, mà là thương hiệu quốc tế, đẳng cấp".

Tỷ phú số 1 Việt Nam cũng khẳng định, các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Singapore, các nước châu Âu là những nơi mà Vingroup quyết liệt tìm kiếm cơ hội. Ông Lê Đăng Dũng, thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đã đưa cho ông Vượng một lời khuyên.

Ông Dũng nói: "Nếu anh có chiến lược đi đầu tư nước ngoài, tôi khuyên anh đừng làm ở Mỹ, châu Âu vội".

Ông Dũng cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng nên đầu tư vào các nước đang phát triển trước: "Tôi nghĩ những nước như thế hiện nay đang rất cần dịch vụ, rất cần khách sạn, hơn là Mỹ. Anh bây giờ sang đánh nhau với công ty Mỹ luôn thì không ăn thua nhưng chắc chắn làm ở Myanmar, Lào, Campuchia hay Nepal thì thành công trước, rồi sau đó hãy tấn công sang Mỹ”.

Trả lời ông Dũng, chủ tịch HĐQT Vingroup nói: "Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không 'oai' lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó kinh".

Và thế rồi, 5 năm sau buổi nói chuyện đó, ông Phạm Nhật Vượng đã "cắm cờ" trên đất Mỹ thật nhưng không phải với Vinpearl mà là VinFast. Không chỉ Mỹ, VinFast cũng chào sân hàng loạt thị trường lớn khác gồm Canada, Anh, Pháp và Hà Lan.

Về các nước Viettel đầu tư, hầu hết các nước này có đều có đặc điểm chung là có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân vào dạng thấp của thế giới. Bên cạnh đó, những nước này là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi, nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị.

Trả lời lý do lựa chọn những quốc gia này để đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi đó còn là Phó Tổng giám đốc Viettel trả lời: “Đơn giản vì những nơi dễ đi thì đã không còn nữa”.

Theo ông Hùng, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty đã đi đầu tư được hơn 20 chục năm nên còn lại chỉ là những nơi khó và nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, ông Hùng phân tích, dù là những đất nước có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu. Ông chia sẻ: “Nó như là cơm là gạo, vì thế đất nước nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, viễn thông cũng là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế…”.

Chính vì thế mà Viettel không ngần ngại khi đầu tư vào những thị trường trên. Trên thực tế, Viettel hiện là công ty Việt Nam thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.

Số liệu năm 2021 chỉ ra, trong 10 thị trường quốc tế mà Viettel đầu tư vào viễn thông, 5 thị trường Viettel đứng vị trí số 1 về thị phần (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Burundi), với 3 thị trường có thị phần gần 60%. Dòng tiền lũy kế mà các công ty con của Viettel ở nước ngoài đã chuyển về Việt Nam lên tới hàng tỷ USD.

Anh Tuấn

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên