MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia mách cách chế biến thực phẩm hạn chế sinh các chất gây ung thư: Nhiều người Việt 'lệch chuẩn'

22-12-2020 - 11:50 AM | Sống

Chuyên gia mách cách chế biến thực phẩm hạn chế sinh các chất gây ung thư: Nhiều người Việt 'lệch chuẩn'

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với lối sống khoa học sẽ giúp cho chúng ta ngăn ngừa được rất nhiều bệnh tật trong đó có các bệnh ung thư.

Theo chuyên gia cách chế biến thức ăn không chỉ quyết định hương vị của món ăn mà nó còn có liên quan tới chế độ ăn có lành mạnh.

Hiện nay, mâm cơm của nhiều gia đình Việt có thiên hướng "lệch chuẩn" so với lối sống cân bằng khoa học, đó là các món ăn luộc, hấp ngày càng "thưa vắng" hơn thay vào đó là các món ăn được chế biến cầu kỳ, đậm vị như: nướng, chiên, quay… ở nhiệt độ cao.

Về mặt dinh dưỡng và sắc khỏe, việc thường xuyên ăn các món ăn chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao sẽ ít nhiều gây tác động xấu tới cơ thể.

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khuyến cáo, cách chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao (nướng, chiên, quay...) có thể hình thành các chất như: amin dị vòng, hydrocarbon thơm đa vòng, các sản phẩm glycate hóa tiến triển, các hợp chất acrylamide... Đây là những chất được xem có nguy cơ gây ung thư.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đồ chiên, rán sẽ có nhiều chất béo làm tăng nguy cơ gây ra thừa cân béo phì, mỡ máu, các bệnh lý rối loạn chuyển hoá…

 Chuyên gia mách cách chế biến thực phẩm hạn chế sinh các chất gây ung thư: Nhiều người Việt lệch chuẩn - Ảnh 1.

Ăn nhiều đồ chiên rán không tốt cho sức khoẻ.

Trả lời câu hỏi ăn đồ luộc, hấp có tránh được ung thư hay không, PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên cho hay, ung thư do nhiều nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi gây ra. Việc sử dụng kỹ thuật chế biến thức ăn phù hợp có thể góp phần làm giảm nguy cơ ung thư, chứ không có nghĩa giúp ngăn ngừa ung thư nếu có nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi khác.

Luộc hoặc hấp thực phẩm thường chỉ đưa nhiệt độ chế biến thức ăn lên điểm sôi của nước, nên nguy cơ hình thành các chất có hại nêu trên sẽ ít hơn hẳn, thậm chí là không hình thành một số chất có hại cho cơ thể như trên.

Rau nếu được luộc hoặc hấp sẽ giữa lại được các vitamin và khoáng chất hơn khi chiên xào ở nhiệt độ cao.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu hấp/ luộc sẽ vẫn đảm bảo được các vitamin như vitamin B, riboflavin, thiamin, niacin, biotin, B12, axit pantothenic và vitamin C cũng như các khoáng chất như canxi, phốt pho, kali, kẽm vẫn được giữ lại.

Thịt nếu luộc và hấp sẽ giảm được chất béo thêm vào so với rang, xào

"Chế biến thức ăn hấp, luộc có thể xem là các phương pháp chế biến thức ăn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các các chế biến như nướng, chiên, quay... lại có thể mang lại độ ngon, kết cấu thức ăn hấp dẫn hơn", PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên nói.

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên cũng lưu ý thêm, khi luộc đồ ăn cần lưu ý đủ nước để đồ ăn chín đều. Đồ ăn hấp cũng cần được tiếp xúc đầy đủ với hơn nước trong quá trình chế biến.

Để món hấp không bị đơn điệu có thể thêm các gia vị như gừng, hạt tiêu, hành lá, hành tây… thích hợp với từng món ăn.

Muốn có một sức khỏe tốt phòng chống lại bệnh tật chuyên gia lưu ý cần ăn uống đa dạng, cân bằng 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế ăn đồ chế biến sẵn, thịt muối, đồ ăn vỉ hè, ăn thịt đỏ… Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi...

Khi chế biến món ăn nên ưu tiên cách chế biến hấp, luộc thay cho các món chiên xào nhiều dầu, mỡ và gia vị.

Bên cạnh đó cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để có sức khỏe dẻo dai và sức đề kháng cho cơ thể.

Theo Ngọc Minh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên