Chuyên gia MBS: "Thị trường đang tạo lập nền giá cho nhịp phục hồi ngắn và trung hạn trước kỳ đại hội cổ đông"
Chuyên gia MBS cho rằng không cần quá lo ngại về dòng tiền quốc tế, quan trọng là chúng ta nhìn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có đạt được kỳ vọng hay doanh nghiệp có phục hồi được lợi nhuận tốt như nhà đầu tư kỳ vọng hay không.
Thông tin về mùa đại hội cổ đông với những kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn…đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. Tại Talk show Phố tài chính trên VTV8 mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MB (MBS) đã có những chia sẻ về xu hướng đầu tư mùa đại hội cổ đông cũng như đánh giá tác động của việc FED tăng lãi suất tới chứng khoán Việt Nam.
Đầu tư cổ phiếu ra sao trong mùa đại hội cổ đông?
Theo ông Trần Hoàng Sơn, mùa đại hội cổ đông năm nay được dự báo diễn ra tương đối sôi động khi Việt Nam vừa qua đại dịch và kinh tế đang được khởi động lại mạnh mẽ và chắc chắn hơn. Vì vậy, những nhóm ngành liên quan đến mở cửa kinh tế như dịch vụ hàng không, du lịch sẽ được hưởng lợi rất rõ. Ngoài ra có những nhóm ngành được hưởng lợi trong thời gian qua khi giá dầu neo ở mức rất cao như nhóm dầu khí, phân bón, hóa chất, tài nguyên thiên nhiên có được sự quan tâm, chú ý của nhà đầu tư.
Thêm vào đó nhóm thủy sản, dệt may, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và hàng tiêu dùng, bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trở lại và tăng đặc biệt mạnh mẽ khi bị nén trong hai năm vừa qua.
Đặc biệt, theo dữ liệu ở các kỳ đại hội cổ đông hàng năm cho thấy, nhà đầu tư luôn dành sự quan tâm lớn đến những nhóm ngành có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến chỉ số hay hút được nhiều dòng tiền như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dầu khí. Kỳ đại hội cổ đông năm nay sẽ là thời điểm để nhà đầu tư đánh giá lại kết quả kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp, liệu có tiếp tục bứt phá sau dịch và nhờ đà tăng giá hàng hóa như thời gian vừa qua hay không.
Cũng theo ông Sơn, trong mùa đại hội cổ đông, nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm và có thể sẽ có niềm vui đối với nhóm ngân hàng. Hai năm vừa qua khi nền kinh tế khó khăn, nhà đầu tư rất quan ngại về việc nợ xấu gia tăng, chính vì vậy cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm giữa năm 2021 trở về cuối đã có giai đoạn điều chỉnh rất rõ. Tuy nhiên trải qua năm 2021, rất nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, chính vì vậy áp lực trích lập năm nay sẽ giảm đi rất nhiều, cộng với việc nền kinh tế phục hồi thì tăng trưởng của các ngân hàng sẽ được cao hơn.
Thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, một số ngân hàng đã đưa ra kế hoạch chia cổ tức tăng vốn rất mạnh như Vietcombank lên hơn 25%, BIDV khoảng 25%, VIB khoảng 35%...Ngoài ra, nhóm cổ đông của công ty chứng khoán sẽ đón nhận những thông tin tích cực khi thời gian vừa qua đã có rất nhiều công ty đưa ra kế hoạch tăng vốn. Năm nay khi nền thanh khoản đang ở mức cao so với mặt bằng chung của hai năm vừa rồi sẽ là động lực tích cực tới cấc cổ phiếu chứng khoán nói chung và các mã chứng khoán hàng đầu nói riêng. Các công ty chứng khoán có thể sẽ trả cổ tức trung bình từ 10% -15%, trong đó MBS có thể trả cổ tức trên 16%. Với một chiến lược dài hơi từ năm 2022 - 2025, công ty sẽ dự kiến tăng vốn lên khoảng 10.000 tỷ đồng.
Những nhóm có thể có những thông tin tích cực sẽ liên quan đến cảng biển, logistic. Những nhóm liên quan đến hàng hóa ví dụ như thép, phân bón, cao su, thời gian vừa rồi giá neo lên rất cao, qua đó tác động tích cực đối với doanh thu lợi nhuận của công ty này và cổ đông cũng đang rất kỳ vọng. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu liên quan đến dịch vụ hàng không, du lịch cũng sẽ có sự bứt phá rất tốt về giá.
Còn giá dầu hiện tại đang neo ở mức cao có thể sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh nhưng cũng không tác động quá lớn đến giá cổ phiếu như thời gian vừa qua phản ánh. Còn riêng nhóm dầu khí, ông Sơn đánh giá giá cổ phiếu đã tăng tương đối mạnh, đây cũng là thông tin mà nhà đầu tư nên chú ý trong thời điểm này.
Về những nhóm kém sôi động hơn có thể sẽ liên quan đến những nhóm chịu tác động bởi giá đầu vào. Điển hình như một số doanh nghiệp liên quan đến ngành sản xuất nhựa hoặc ống nhựa. Nhóm ngành liên quan đến sản xuất săm lốp đang chịu áp lực như những doanh nghiệp liên quan nhiều đến xăng dầu như vận tải, giá xăng vừa qua vừa được điều chỉnh đến mức gần như là cao nhất trong 10 năm nay, gần 30.000 đồng/lít. Đây sẽ là một góc nhìn kém tích cực hơn trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Về việc giá cổ phiếu một số nhóm như ngân hàng, chứng khoán không có "sóng" thời gian qua, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng điều này liên quan đến sự xoay vòng theo xu hướng dòng tiền. Nhà đầu tư nước ngoài trong những thời gian trước họ cũng bán ròng rất nhiều và tập trung vào VN30, đặc biệt là những cổ phiếu liên quan đến ngân hàng, bất động sản. Chính vì vậy đã có một nhịp điều chỉnh và dòng tiền sau khi chốt lời ở những nhóm đó xong thì quay trở lại những nhóm cổ phiếu đang được hưởng lợi về giá hàng hóa như thép, dầu khí, phân bón rồi đến thuỷ sản dệt may và những sự luân chuyển đó diễn ra rất nhanh. Khoảng một, hai tuần thì dòng tiền lại chốt lời và tiếp tục luân chuyển, đó là một sự nhanh nhạy của nhà đầu tư và đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước để ứng phó với những thông tin biến động trong suốt tháng vừa qua.
Gần đây, khi mùa đại hội cổ đông đến gần, có vẻ dòng tiền bắt đầu quay trở lại nhóm ngân hàng. Một số cổ phiếu ngân hàng đã tạo đáy rất rõ như BID, CTG, hay VCB là những ngân hàng nhà nước bắt đầu có sức bật từ đáy đi lên rất tốt. Ngoài ra một số cổ phiếu ở nhóm tài chính chứng khoán cũng lên rất tốt và nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng tích cực khi thanh khoản thị trường vẫn đang duy trì ở mức cao. Hay nhóm vật liệu xây dựng khi kỳ vọng gói giải ngân đầu tư công.
Thị trường đang tạo lập một nền giá cho nhịp phục hồi ngắn và trung hạn trước kỳ đại hội cổ đông tháng 3 và tháng 4
Đánh giá về tác động chính sách của FED, ông Trần Hoàng Sơn cho biết mặt bằng lãi suất mới chỉ nhích lên và FED cũng đang cố gắng giảm bớt dòng tiền vào nền kinh tế. Mặc dù tổng tài sản của FED vẫn chưa có tín hiệu giảm nhưng rõ ràng điều kiện tài chính ở trạng thái siêu nới lỏng như trước đã gần như kết thúc và điều kiện tài chính bắt đầu dần trở về trạng thái bình thường trước dịch.
Như vậy, dòng tiền đầu cơ ở những thị trường nóng, thị trường mới nổi cũng sẽ giảm nhiệt và rút bớt đi và tập trung quay trở lại đầu tư an toàn hơn, đầu tư trực tiếp vào sản xuất. Đây sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến các nước quốc tế trong đó có cả Việt Nam.
Ngoài ra, khi theo dõi căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga trong thời gian vừa qua, sự lo ngại của nhà đầu tư đã tạo ra một nhịp bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam từ 07/03 cho đến nay. Tuy nhiên áp lực bán ròng đó có vẻ đã tạm chấm dứt, nhất là tại Việt Nam trong hai năm vừa qua mặc dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất lớn nhưng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam thì gần như là đối ứng và cân lại được hết.
Ông Sơn cho rằng không cần quá lo ngại về dòng tiền quốc tế, quan trọng là chúng ta nhìn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có đạt được kỳ vọng hay không, doanh nghiệp có phục hồi được lợi nhuận tốt như nhà đầu tư kỳ vọng hay không.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia MBS cho biết trong 3 tháng đầu năm nay thanh khoản đã cao hơn so với cùng kỳ của năm 2021. Trong khi nhiều thị trường khác điều chỉnh 15% thậm chí đến 20% thì tại Việt Nam, VN-Index gần như chỉ điều chỉnh nhẹ khoảng 6%, đấy là một diễn biến rất tích cực.
Ông Sơn đánh giá thị trường đang tạo lập một nền giá cho nhịp phục hồi ngắn và trung hạn trước kỳ đại hội cổ đông tháng 3 và tháng 4. Mặc dù thị trường đầu năm tương đối thận trọng tuy nhiên tốc độ tăng trưởng margin của thị trường đang ở mức rất cao, tăng trung bình theo quý từ 15% - 19% trong nửa cuối năm 2021 cho đến nay.
Thống kê của MBS cho biết có khoảng 8/10 công ty chứng khoán có lượng margin trên vốn chủ sở hữu đã chạm mốc trên 150%. Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư ở trong bối cảnh hiện tại, vì vậy nhu cầu tăng vốn không chỉ ở những công ty chứng khoán trên thị trường nói chung mà ngay cả MBS nói riêng cũng đang cố gắng để tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn trong các kỳ họp đại hội cổ đông tháng 4 tới để đảm bảo nhu cầu dịch vụ tài chính của khách hàng.
Ngoài ra, về mối quan tâm của nhà đầu tư về lạm phát có ảnh hưởng đến thị trường như thế nào, có một thống kê từ năm 1802 đến nay, trong cả giai đoạn dài như vậy thì có rất nhiều giai đoạn lạm phát lên từ 10%-15%, nhưng kênh đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn là kênh sinh ra lợi suất cao nhất, khoảng 6,7%, là lợi suất thực đã trừ đi lạm phát, và cao hơn các kênh đầu tư khác như vàng hay trái phiếu.
Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng so với diễn biến căng thẳng chính trị, lạm phát cao trong thời gian vừa qua thì về mặt trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư rất hấp dẫn với nhà đầu tư.