MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia MBS: “VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”

Theo chuyên gia MBS, cơ hội đầu tư trong năm 2018 sẽ hướng đến (1) Nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết; (2) Nhóm cổ phiếu DNNN cổ phần hóa; (3) Nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước; (4) Các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng lợi nhuận cao.

“VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm trong năm 2018, các nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu” là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường CTCK MBS tại buổi hội thảo MBS’s Talk 12 với chủ đề “TTCK 2018 gọi tên Việt Nam”.

Theo ông Sơn, TTCK Việt Nam hiện đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng với các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, tỷ giá, lạm phát, lãi suất…đều ở mức ổn định. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển thị trường thúc đẩy quy mô vốn hóa (nới room, đẩy mạnh IPO, niêm yết mới…) đã tạo động lực thu hút dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, Việt Nam đang nổi lên như một trong những ứng cử viên được nâng hạng thị trường lên Emerging Markets. Hiện tại, Việt Nam đã cơ bản thỏa mãn các tiêu chí định lượng của MSCI về vốn hóa, vốn hóa tự do lưu hành, thanh khoản. Về tiêu chí định tính, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí như mức độ sở hữu nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiệu quả của hệ thống vận hành (mở tài khoản, luồng thông tin). Dù vậy, nếu nhìn sang trường hợp Pakistan thì quốc gia này đã thu hút được dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ trước khi được nâng hạng và chỉ bị “chốt lời” khi chính thức ra tin. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ lặp lại điều tương tự khi Việt Nam đang nỗ lực để được nâng hạng thị trường.

Trong thời gian gần đây, các quỹ nước ngoài đã ồ ạt rót vốn vào Việt Nam đón đầu cơ hội, tiêu biểu là trường hợp Pyn Elite Fund khi quỹ này rút toàn bộ vốn đầu tư khỏi Thái Lan để tập trung vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại kỷ lục hơn 27.000 tỷ đồng cho thấy niềm tin của họ vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, sự phục hồi của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, tiêu biểu là giá dầu đã hỗ trợ tích cực tới diễn biến các cổ phiếu liên quan. Có thể thấy, mặc dù KQKD ngành dầu khí chưa được cải thiện nhưng thị trường đã phản ứng trước và trong năm 2018, khi giá dầu thực sự hồi phục ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm việc làm, từ đó dẫn tới sự khởi sắc về KQKD. Những yếu tố trên đã giúp TTCK Việt Nam bùng nổ trong năm 2017 và trở thành một trong ba thị trường tăng trưởng tốt nhất Thế giới.

Về triển vọng TTCK năm 2018, ông Sơn cho rằng kinh tế Thế giới tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng sẽ hỗ trợ cho các thị trường tài sản, đặc biệt là dòng vốn vào TTCK. Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2018 sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường. Mặc dù định giá thị trường không còn quá rẻ nhưng khả năng tăng trưởng vẫn sẽ tiếp diễn nhờ động lực về nguồn vốn dồi dào.

Theo chuyên gia MBS, cơ hội đầu tư trong năm 2018 sẽ hướng đến (1) Nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết; (2) Nhóm cổ phiếu DNNN cổ phần hóa; (3) Nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước; (4) Các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng lợi nhuận cao.

Về diễn biến thị trường, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2018 được dự báo là 30%, ông Sơn cho rằng VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm và đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhịp điều chỉnh diễn ra trong năm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên