Chuyên gia nói gì về đề xuất 9 bước xử lý các ngân hàng yếu kém?
NHNN đang lấy ý kiến đóng góp váo Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu. Đáng chú ý là 9 bước xử lý ngân hàng yếu kém mà NHNN đưa ra.
- 11-02-2017Đang lên kế hoạch tránh sa lầy cho ngân hàng yếu kém
- 10-02-2017Khuyến khích sáp nhập ngân hàng yếu kém
- 09-02-2017Vietcombank trình Thống đốc phương án hỗ trợ 1 ngân hàng yếu kém
Trao đổi với PV báo Lao Động chiều 16.2, TS. Luật sư Bùi Quang Tín – Chuyên gia Kinh tế - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng dự án này là khả thi. Theo đó, các cách để xử lý ngân hàng yếu kém như sau: Thứ nhất, thông qua con đường cho phép phá sản; Thứ hai, mua bán và sáp nhập (M&A); Thứ ba là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài; Thứ tư, ngân hàng Big 4 vào cuộc giúp đỡ ngân hàng yếu kém.
Theo TS. Bùi Quang Tín, M & A là xu hướng tất yếu trên thế giới. Thực tế, Việt Nam áp dụng việc mua bán – sáp nhập các ngân hàng hơi chậm. Giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng năm 2011 – 2015 giống như giai đoạn người vừa đi vừa mò đường. “Trong thời gian tới, tôi tin rằng M&A ở Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong năm 2017”, TS. Bùi Quang Tín cho biết.
Thứ hai, việc cho phép phá sản các ngân hàng yếu kém. Trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nên mạnh dạn nghiên cứu thí điểm cho phép phá sản một ngân hàng nào đó trên nguyên tắc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra hiệu ứng "donimo". Hiện nay, luật phá sản đã có, cho phép phá sản trong góc độ tài chính, ngân hàng đã có quy định cụ thể. TS. Bùi Quang Tín cho biết “Việc phá sản ngân hàng yếu kém chỉ mới ở VN thôi. Ở nước ngoài cho phép phá sản lâu rồi. Theo tôi, việc cho phép phá sản ngân hàng yếu kém cần có lộ trình và phương pháp cụ thể”.
Thứ ba, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng yếu kém. Tại Hội nghị “NH Châu Á: Hướng tới Hội nhập toàn cầu”, trong khuôn khổ Đại hội đồng và hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH Châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các NH trong nước. Tôi tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả chúng ta”. Theo TS. Bùi Quang Tín, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ thu lại lợi ích cho cả hai bên. Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, vốn…
Thứ tư, thúc đẩy các NHTM Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV hỗ trợ các ngân hàng yếu kém. Theo TS Bùi Quang Tín, ngoài việc hỗ trợ về công nghệ, quản trị và vốn, các ngân hàng Big 4 hiện đang chiếm gần 50% thị trường huy động vốn, chưa tính mảng cho vay hiện các ngân hàng Big 4 đang “ôm” toàn các “con cá lớn”. Vì vậy việc hỗ trợ của các ngân hàng lớn sẽ có ý nghĩa lớn.
Trước đó, sáng 4.1, tại họp báo của NHNN, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2017 là năm bản lề xử lý dứt điểm các NHTM yếu kém, tiến tới xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo của các TCTD.
Cụ thể, NHNN đặt mục tiêu xử lý dứt điểm 5 ngân hàng yếu kém trong năm 2017 gồm 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng là VNCB, OceanBank, GPBank và hai NHTM nữa. Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị để xử lý 5 trường hợp này.
“Đến nay, tình hình của các ngân hàng này đã được cải thiện, đặc biệt là thanh khoản, không gây ra ảnh hưởng nhưng vẫn có rủi ro. Sau khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt sẽ tiến hành xử lý vào đầu năm 2017”, ông Hưng nói.
Theo Phó Chánh thanh tra NHNN, trong năm 2016, hệ thống TCTD đã cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra, các tổ chức yếu kém được thu hẹp dần thông qua hình thức sáp nhập tự nguyện. Năng lực tài chính của các NHTM NN đã được nâng lên 1 bước. Các TCTD yếu kém về cơ bản được nhận diện, quản trị, kiểm soát rủi ro, sở hữu, xử lý tín dụng. Tỉ lệ nợ xấu giảm, các TCTD đã tập trung nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo cho VACM và thu hồi nợ của khách hàng.
Liên quan đến quy định trình tự các bước để xử lý TCTD yếu kém, NHNN dự kiến gồm 9 bước như sau:
Bước 1: Phát hiện TCTD yếu kém và xem xét đặt TCTD này vào kiểm soát đặc biệt
Bước 2: Đặt TCTD yếu kém vào tình trạng kiểm soát đặc biệt
Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo TCTD thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Bước 4: NHNN (hoặc cấp có thẩm quyền...) lựa chọn phương án xử lý TCTD yếu kém (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân).
Bước 5A: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn nếu có)
Bước 5B: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể)
Trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án trong thời hạn quy định thì thực hiện theo bước 8
Bước 6: NHNN thông qua phương án 5A (5B) theo đề nghị của Ban Kiểm soát đặc biệt
Bước 7A: Thực hiện phương án 5A.
Hết thời hạn (bao gồm thời gian gia hạn nếu có) thực hiện phương án 5A mà không phục hồi được thì NHNN có quyết định chấm dứt thực hiện phương án củng cố, phục hồi 5A và yêu cầu TCTD xây dựng PA xử lý pháp nhân 5B (Việc xây dựng và thông qua Phương án 5B thực hiện theo Bước 5 quy trình này) hoặc chuyển sang thực hiện bước 8.
Bước 7B: Thực hiện phương án 5B. Hết thời hạn không thực hiện được chuyển sang bước 8.
Bước 8: NHNN trình cấp có thẩm quyền quyết định việc NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) TCTD không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5A; (ii) Không thực hiện được 5A, 5B trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của NHNN.
Bước 9A: Thực hiện phương án mua bắt buộc bao gồm các quy định về: Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi TCTD trong giai đoạn NHNN mua TCTD; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán ....)
Bước 9B: Thực hiện phương án phá sản.
Lao động