Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đừng xem Trung Quốc là thị trường giá rẻ nữa!
Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta phải nhìn Trung Quốc (TQ) khác đi, không còn là nền kinh tế giá rẻ, hay thị trường dễ tính để chúng ta đẩy những mặt hàng kém chất lượng...
-
Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...
Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019 - 2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới" hôm nay 17.1 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: "Chúng ta phải nhìn TQ khác đi, TQ không còn là nền kinh tế giá rẻ, hay thị trường dễ tính".
Toàn cảnh hội thảo hôm nay. Ảnh: TTXVN.
Cụ thể, theo bà Chi Lan, chúng ta đừng nghĩ TQ là thị trường giá rẻ để đẩy những mặt hàng xấu, kém chất lượng của chúng ta sang, mặc dù bản thân họ cũng đang xem chúng ta như một thị trường giá rẻ.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo này, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nên nâng cao chất lượng hàng hoá Việt Nam.
Ông nói: "Bây giờ đã qua rồi thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang TQ qua đường tiểu ngạch, bởi vì TQ bây giờ họ trở thành nền kinh tế đứng trong top đầu thế giới, do đó họ sẽ siết chặt các điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là một cơ hội đồng thời gắn liền với thách thức mà các doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để xuất khẩu sang thị trường TQ với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh...".
Trước đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, con số thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và TQ khá cao.
Đối với mặt hàng nông sản, 1/3 sản lượng xuất khẩu thông qua con đường tiểu ngạch.
Đối với mặt hàng gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ước tính, xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang TQ năm 2013 lên tới 1,5 triệu tấn, chiếm hơn 20% tổng lượng xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam và hơn 51% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, có đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Lý do chính khiến rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân chọn hình thức buôn bán tiểu ngạch là do yêu cầu chất lượng từ thị trường Trung Quốc không cao, hình thức buôn bán “dễ tính”.
Lợi ích của xuất khẩu tiểu ngạch là thủ tục đơn giản, không cần qua hợp đồng bằng văn bản và không cần thanh toán qua ngân hàng, vì thế thích hợp với khối lượng trao đổi nhỏ, hoặc cần thời gian gấp.
Bất lợi lớn của hình thức buôn bán tiểu ngạch là thiếu ổn định, dẫn đến thiệt hại cho phía Việt Nam. Theo nghiên cứu mới công bố của CIEM, có hai lý do chính dẫn đến sự thiếu ổn định này:
Thứ nhất, nguồn cung (sản xuất) từ phía Việt Nam không được điều phối phù hợp, sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ.
Thứ hai, tính mùa vụ cao của các sản phẩm trao đổi. Nhiều sản phẩm, như: rau quả, thủy sản vào mùa khai thác hoặc thu hoạch buộc phải tiêu thụ nhanh dẫn đến hiện tượng bị ép giá, làm giá trong nước giảm nhanh, gây thiệt hại cho nông dân.
Một lý do khác nữa xuất phát từ các chính sách của TQ. Ví dụ đối với mặt hàng gạo, TQ có chính sách cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu. Nhập khẩu gạo trong hạn ngạch sẽ có mức thuế nhập khẩu 1%.
Khi vượt hạn ngạch, thuế nhập khẩu sẽ lên đến 65%. Nhập khẩu gạo không theo hình thức này sẽ bị coi là không chính thức và trái pháp luật.
Lao động