MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Rất khó phát triển công nghệ cao ở các đặc khu kinh tế như kỳ vọng của Việt Nam

"Tôi cứ trăn trở mãi về dự thảo ba đặc khu kinh tế đang trình Quốc hội", bà Phạm Chi Lan cho biết tại một hội thảo mới đây tổ chức tại Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Những suy tư của bà Lan xuất phát từ hơn 120 ngành nghề được ưu tiên, trong đó có bất động sản. "Bất động sản đang rất gần thời điểm bong bóng rồi, giờ lại có đặc khu để ưu tiên cho bất động sản để làm gì?", bà nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn đề cập đến vấn đề kinh doanh casino. Bà nhấn mạnh casino không phải là ngành mang lại giá trị gia tăng cao, không giúp tăng năng suất lao động. Do vậy, nếu dành quyền cho bất động sản, casino sẽ là "đánh bạt" tất cả những công nghệ cao mà Việt Nam nhắm tới.

Dẫn lại ý kiến của GS. Nguyễn Mại, bà Lan cho biết câu chuyện 20 năm khu công nghệ cao Hoà Lạc vẫn chật vật đủ để minh chứng cơ chế phát triển là không hề dễ dàng, huống gì, nay lại kỳ vọng vào những nơi mà chưa biết sẽ tạo dựng được gì mới.

"Tạo đặc thù cho những dự án đang có hoặc có khả năng cao thực hiện còn hơn cung cấp đặc thù cho ba nơi chưa biết bao giờ mang lại lợi ích hoặc lợi ích chưa chắc như mong muốn. Phải đặt lên bàn cân tính toán thật kỹ", bà Lan nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng bày tỏ "Tôi không tin những khu đấy tạo được công nghệ cao" vì ngay cả hai thành phố đầu tàu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nay còn chưa làm được điều đó. Trong khi, tư duy hiện nay, đặc thù còn là làm casino.

Kể câu chuyện của Samsung, GS. Nguyễn Mại cho biết tập đoàn này đã từ chối nhận đất tại Đông Anh hay Hoà Lạc để xây dựng trung tâm R&D lớn nhất khu vực. Nguyên nhân họ chỉ thích khu vực quanh trung tâm Hà Nội, không muốn đi quá xa để tiện cho thu hút nhân tài.

TS. Huỳnh Thế Du đến từ ĐH FulBright hồi cuối năm ngoái cũng bày tỏ quan điểm đầu tư cho ba đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều không bằng đầu tư cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Lý lẽ ông đưa ra là các đặc khu có thể thành công ở một số mặt, nhưng khó có thể tạo được thành cú huých cho Việt Nam phát triển vượt bậc như nhiều kỳ vọng trước đó.

Đặc biệt, với Bắc Vân Phong, ông Du nhận xét "chưa thấy tiềm năng ở đâu cả" do không hội được các yếu tố: doanh nghiệp, người giỏi, người giàu.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng nếu nguồn lực đã có hạn, thay vì đầu tư vào những thứ mà chưa biết tương lai nó như thế nào thì có thể tập trung vào những thứ tiềm năng sẵn có, để phát triển.

Bộ Xây dựng phải ký công văn khẩn vì giá đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Kiên Giang tăng mạnh

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mới đây đã ký công văn gửi 3 tỉnh sẽ có các đặc khu kinh tế là Quảng Ninh (đặc khu Vân Đồn), Khánh Hoà (đặc khu Bắc Vân Phong), Kiên Giang (đặc khu Phú Quốc) về việc kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Nguyên nhân đã có tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại các khu vực trên, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng yêu cầu tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về Đất đai, pháp luật về Kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.

Bộ Xây dựng cũng gợi ý các địa phương đề xuất các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và dẫn đến hiện tượng bong bóng bất động sản.

Thời hạn để các tỉnh gửi văn bản về kết quả thực hiện về Bộ là trước ngày 7/5/2018.


Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên