MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Thời điểm này nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là không cần thiết

20-03-2020 - 09:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp đang lao đao vì dịch Covid-19, sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt trong sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần thiết, đảm bảo hiệu quả chính sách sau khi cân đối phù hợp với nền tảng kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính trong và ngoài nước.

Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, NHNN ngày 17/3 vừa qua đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay, đồng thời tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm, đồng thời vẫn giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%. 

Quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành của NHNN được các chuyên gia đánh giá là kịp thời, chủ động, phù hợp với tình hình thị trường trong nước và thế giới, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, từng bước tháo gỡ khó khăn để vượt qua đại dịch. Đặc biệt, việc giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được cho là phù hợp trong bối cảnh và thời điểm hiện tại.

Công cụ dự trữ bắt buộc được sử dụng hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ

Liên quan đến lãi suất của tiền gửi dự trữ bắt buộc, theo TS. Bùi Quang Tín, dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, do đó, mục tiêu lớn nhất của việc sử dụng các công cụ này vẫn là nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát trong mức mục tiêu, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, cân đối và linh hoạt để nhằm đạt được nhiều mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra: cán cân thương mại, GDP… 

Do đó, trong thời gian vừa qua, công cụ dự trữ bắt buộc đã được sử dụng cùng với các công cụ khác: lãi suất, tỷ giá, OMO và hạn mức tín dụng đã giúp NHNN điều hành và đạt được các mục tiêu trên một cách hiệu quả nhất. Việc tăng lãi suất này thêm 0,2% là cũng để giúp hệ thống ngân hàng thương mại có thêm nguồn thu từ việc dự trữ nguồn vốn huy động của mình tại NHNN, từ đó giúp ngân hàng thương mại có điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp vượt qua được cơn đại dịch lần này.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với việc tăng lãi suất cho dự trữ bắt buộc, các ngân hàng thương mại có dư thanh khoản có thể gửi tại NHNN và hưởng lãi suất 1%/năm, từ đó tạo cơ sở để giảm chi phí vốn và đồng thời có thể giảm lãi suất cho vay hổ trợ các doanh nghiệp. Trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lao đao để duy trì sự tồn tại vì thanh khoản mỗi ngày một cạn dần. Chình vì thế việc bơm tiền cho ngân hàng qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là không cần thiết thời điểm này,

Trong báo cáo nhận định tác động của việc NHNN điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành từ ngày 17/3, Bộ phận phân tích chứng khoán KB Securities (KBSV) nhấn mạnh, điểm đáng chú ý trong động thái lần này là NHNN đã tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm (từ mức 0,8% trước đó) nhằm hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh thu nhập các ngân hàng thương mại bị ảnh hưởng khi triển khai các gói tín dụng ưu đãi (trị giá khoảng 285.000 tỉ đồng), dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.

Về việc NHNN giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, tại thời điểm này giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là không cần thiết, khi mà hệ thông ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế xuống thấp. "Đẩy thêm một lương tiền vào lưu thông qua việc giảm dự trữ băt buộc sẽ làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay và giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Nhưng hiện nay các ngân hàng thì dư thừa vốn trong khi các doanh nghiệp thì đang chật vật với thanh khoản" – ông nói.

Tương tự, TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, thực tế, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp thời điểm này còn yếu, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, do đó, việc giữ nguyên tỷ lệ dự trữ lần này còn giúp NHNN có dư địa trong điều hành chính sách trong thời gian tới khi mà NHNN vừa qua đã ban hành một loạt các chính sách về giảm lãi suất điều hành, trong điều kiện nền kinh tế trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp sắp tới.

TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá về sự thận trọng của cơ quan quản lý trong động thái hạ lãi suất lần này, bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển sang giai đoạn dịch qua đi.

Cần thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính tổng thể

Mặt khác, theo các chuyên gia, hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn thời dịch bệnh không chỉ là lãi suất hay các gói ưu đãi tín dụng mà cần các chính sách khác mang tính tổng thể hơn. "Với việc lạm phát vẫn đang ở mức cao, dư địa để NHNN tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới là không lớn. Thay vào đó, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm... có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát" đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm... có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát" – báo cáo ủa KBSV nhận định.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời điểm này cần thêm các giải pháp hỗ trợ khác liên quan đến thanh khoản cho doanh nghiệp "sống sót" sẽ tốt hơn là việc tính toán giảm lãi suất các khoản vay mới, vốn không có nhiều ý nghĩa khi nhu cầu mở rộng thị trường, đầu tư mới hiện nay hầu như không có.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cơ quan quản lý đã cân nhắc kỹ lưỡng khi điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, đảm bảo hiệu quả chính sách sau khi cân đối phù hợp với nền tảng kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính trong và ngoài nước. Các chính sách về lãi suất và các biện pháp mà NHNN đã và đang triển khai đều hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho các TCTD cân đối vốn tốt hơn, kịp thời, thiết thực hỗ trợ với doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Những ngày qua, bên cạnh động thái giảm đồng loạt lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng đã chủ động, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể như, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 01). Thông tư 01 đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng đã 2 lần công bố giảm phí dịch vụ, làm cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Đây là cơ sở để các TCTD giảm phí dịch vụ cho khách hàng.

Hưởng ứng tích cực chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các ngân hàng thương mại đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cam kết cho vay với lãi suất giảm từ 0,5-1 %/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhiều gói giải pháp được các NHTM đưa ra như: xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng, trong đó có gói tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0,5% đến 1,5%/năm; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng.

 Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19" của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 15 NHTM đã ủng hộ 140 tỷ đồng, qua đó cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Phương Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên