MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia tim mạch chỉ ra 6 nguyên nhân khiến bạn bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công

30-05-2018 - 08:51 AM | Sống

Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, tăng huyết áp (THA) được xem là kẻ giết người thầm lặng bởi dấu hiệu của THA không rõ ràng và không có triệu chứng đặc hiệu. Có khi chỉ chóng mặt, nhức đầu cũng có thể là dấu hiệu cần kiểm tra huyết áp nhưng nhiều người thường chủ quan bỏ qua.

Đặc biệt, GS. Tuấn cũng chia sẻ, ông đã gặp nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh thì huyết áp lúc đo cao nhất lên đến trên 200.

Đáng nói là có người mang bệnh lý này cả chục năm không biết. THA gây ra nhiều ca “đột tử”.

Cũng theo GS. Tuấn, thực tế thì tăng huyết áp không phải bệnh lý diễn ra 1 ngày mà bệnh âm thầm từ nhiều năm trước nhưng người mang bệnh không biết.

Do đó, để biết và dự phòng được THA chỉ có cách đưa ra các biện pháp can thiệp lối sống ngay từ hôm nay.

GS, Tuấn nhấn mạnh: nhiều người quan niệm nếu chẳng may bị THA thì có thể dùng thuốc, nhưng dù là thuốc tốt vẫn có tác dụng phụ, theo đó, điều quan trọng nhất vẫn là phòng tiên phát (phòng để tránh mắc THA), mặc dù vậy việc phòng tiên phát hiện nay cũng chưa được người dân quan tâm và chú trọng.

Vì thế, nhiều người chủ quan, không thăm khám sáng lọc, chỉ đến khi có biến chứng tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, mới biết mình bị tăng huyết áp.

Theo thống kê tại nước ta có 25,1 % dân số tuổi từ 25 trở lên bị bệnh lý cao huyết áp, như thế cứ 4 người trưởng thành có 1 người cao huyết áp và con số này đã cách đây nhiều năm.

Đặc biệt là theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai 3 năm trước bệnh nhân trưởng thành tới khám bị bệnh lý tăng huyết áp còn lên tới trên 40 %.

“Rõ ràng cao huyết áp đang gia tăng nhanh dù ta có tuyên truyền, và có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh tăng huyết áp nhưng bệnh vẫn tăng lên.

Tăng huyết áp ảnh hưởng tới cả cộng đồng chứ không riêng gì sức khoẻ người mang bệnh lý này bởi những khoản chi tiêu cho y tế như tiêu tốn tiền điều trị, tốn tiền điều trị biến chứng rồi người ốm không đi làm được”, GS. Tuấn cảnh báo.

Chuyên gia tim mạch chỉ ra 6 nguyên nhân khiến bạn bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công - Ảnh 1.

GS. Nguyễn Quang Tuấn Giám đốc BV Tim Hà Nội

Về điều trị tăng huyết áp, GS Tuấn cho biết, các chuyên gia đưa ra chỉ số huyết áp mục tiêu cụ thể với người từ 60 tuổi trở lên: < 150/90 mmHg, người dưới 60 tuổi: < 140/90 mmHg, người có bệnh đái tháo đường và/hoặc bệnh thận mạn với bất kỳ tuổi tác: < 140/90 mmHg.

GS. Tuấn cũng khuyến cáo các yếu tố gây tăng huyết áp:

Thứ nhất: Thực tế hiện nay tuổi thọ người Việt cao, tuy nhiên thời gian sống khỏe lại không nhiều. Phần đa người lớn tuổi đều kèm theo 6-8 bệnh, và không thể thiếu bệnh tăng huyết áp.

Thứ hai: lười vận động, ít vận động thể lực. Tình trạng này đang gia tăng ở khắp nơi. Nếu trước đây mọi người thường đi xe đạp, đi bộ còn bây giờ thì xe máy, ô tô.

Thứ ba: Thừa cân béo phì, nếu trước đây quan niệm ai bụng to thì có tướng làm quan, nhưng thực chất bụng to là biểu hiện của rối loạn chuyển hoá và là một trong các yếu tố gây ra tăng huyết áp và các bệnh tim mạch , tăng đường máu, tăng mỡ máu.

Thứ tư: Việc hút thuốc lá cũng là một trong những nguy cơ gây THA. Mặc dù chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhưng thực sự ở Việt Nam người hút thuốc lá còn cao đặc biệt người trẻ.

Thứ năm: là bia rượu. Việt Nam đang là “thủ khoa” về bia rượu của khu vực. Uống bia rượu dẫn đến giãn mạch, ảnh hưởng đến huyết áp, lâu ngày gây nên tăng huyết áp.

Và cuối cùng, ít người ngờ tới đó là Stress. Nếu 30 năm trước người ta sống chậm, dù không được ăn ngon, mặc đẹp nhưng ít stress còn bây giờ thì ngược lại cuộc sống luôn áp lực, luôn vội vàng và con người bị stress nhiều hơn. Stress là một trong những nguyên nhân gây THA.

Theo H.Nguyên

Sức khỏe đời sống

Trở lên trên