MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia ung thư hàng đầu tư vấn cách tầm soát và phát hiện ung thư dạ dày sớm: Căn bệnh 80% do yếu tố từ ngoài cơ thể

25-07-2017 - 16:00 PM | Sống

Ung thư dạ dày là căn bệnh rất thường gặp ở nước ta. Chiếm tới 40% trong tổng số ca ung thư tiêu hóa. Nhưng nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Vậy làm thế nào để có thể chẩn đoán sớm ung thư dạ dày và những tiến bộ y học trong điều trị căn bệnh này ở nước ta như thế nào? Trong chương trình Cùng bạn sống khỏe phát sóng trên kênh VOV FM89, PGS. TS Phạm Duy Hiển, nguyên phó giám đốc bệnh viện K đã tư vấn, giải đáp về những điều này.

Ung thư dạ dày bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt

Theo PGS. TS Phạm Suy Hiển, trong y học, người ta thường dùng từ yếu tố nguy cơ - những tác động có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Đối với bệnh ung thư dạ dày, các yếu tố nguy cơ gây ung thư ngoại sinh đến từ ngoài cơ thế chiếm 80%, còn 20% là do yếu tố nội sinh bao gồm sự di truyền, đột biến gen phát sinh từ bên trong cơ thể.

Trong 20 năm gần đây, giới khoa học quy kết cho vi khuẩn helicobacter pylori (HP) là một trong những yếu tố ngoại sinh gây ung thư dạ dày. Vi khuẩn này có thể sống trong môi trường axit rất đậm đặc của dạ dày, gây viêm nhiễm tại chỗ dẫn đến ung thư hoặc biến đổi các chất tiền gây ung thư trong thức ăn thành chất gây ung thư. Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua tiếp xúc cơ thể, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân, răng miệng, dùng chung bát đũa, muỗng, hôn trực tiếp...


Vi Khuẩn HP là một yếu tố ngoại sinh gây ung thư dạ dày.

Vi Khuẩn HP là một yếu tố ngoại sinh gây ung thư dạ dày.

Ngoài ra, rất nhiều thực nghiệm, bằng chứng cho thấy hút thuốc lá có thể gây ung thư dạ dày. Đặc biệt, ung thư dạ dày ở phần trên. Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn có liên quan đến ung thư dạ dày và nhiều bệnh khác. Người ta tính rằng, người lớn chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày. Nhưng theo thống kê không chính thức, 80% người Việt Nam đang ăn hơn 8g muối/ngày.

Ung thư dạ dày được coi là 1 bệnh nằm trong nhóm có đột biến gen di truyền. Những người có bố mẹ bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Nội soi để phát hiện ung thư dạ dày sớm

Các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày thường không rõ ràng và khó phân biệt với bệnh tiêu hóa thông thường. Theo PGS. TS Phạm Duy Hiển khuyên rằng, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon thường chỉ xuất hiện trong một vài ngày. Nhưng nếu triệu chứng này kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần thì bạn phải đến thầy thuốc để được nội soi dạ dày ống mềm và chẩn đoán bệnh sớm.


Nội soi dạ dày là biện pháp tốt nhất để phát hiện bệnh ung thư dạ dày.

Nội soi dạ dày là biện pháp tốt nhất để phát hiện bệnh ung thư dạ dày.

Nếu ung thư dạ dày được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì kết quả rất khả quan. Thông thường, ung thư dạ dày chia làm 4 giai đoạn. Nếu ung thư chỉ xâm nhập lớp đầu tiên trong 5 lớp của thành dạ dày thì 90-95% có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật đơn giản. Khi bệnh ở giai đoạn 1, 2 thì khả năng chữa khỏi bệnh có thể lên tới 80%. Tuy nhiên, đây là một bệnh ác tính, nếu bệnh đã phát triển đến giai đoạn 3, 4 thì xác suất sống hơn 5 năm không quá 20%.

Phương pháp nội soi dạ dày là một trong những ứng dụng của camera trong y học. Các bác sĩ dùng hình ảnh nội soi dạ dày để phân tích và chẩn đoán bệnh với tỷ lệ chính xác rất cao. Mặt bằng chẩn đoán ung thư dạ dày của Việt Nam không thua thế giới, có thể sánh ngang với Singapore. Nhưng kết quả chưa tốt vì bệnh nhân thường đến bệnh viện khá muộn, vì thế bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng và rất khó điều trị.

Theo bác sĩ Phạm Duy Hiển, hiện nay các bệnh viện tuyến huyện cũng đã có thiết bị nội soi để chẩn đoán các bệnh về tiêu hóa, ung thư dạ dày. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Thu Hoài

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên