MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia ung thư: Nếu bỏ thói quen này bạn tránh được "sát thủ ung thư" mạnh tay nhất

08-08-2017 - 21:54 PM | Sống

Ung thư phổi là sát thủ mạnh tay nhất toàn cầu gây ra tỷ lệ tử vong về ung thư rất cao. Tuy nhiên, bệnh ung thư này hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Bệnh khó phát hiện

Theo các chuyên gia, ung thư phổi khó phát hiện khi có biểu hiện ho, sụt cân thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và bệnh nhân thường tử vong nhiều hơn các bệnh ung thư khác.

TS. Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt chia sẻ, với ung thư phổi , do bệnh nhân phát hiện đa số ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ sống khi điều trị không cao. Có lẽ vì thế, nếu ai mắc phải ung thư phổi, họ đều xác định đây là căn bệnh "vô phương", nhất là bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ.

Tế bào ung thư phổi nằm sâu trong phổi và có cả thời gian dài hàng chục năm để phát triển tạo thành khối u. Khi có các dấu hiệu thì bệnh đã muộn.

Theo Hội ung thư học Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Theo Globocan 2012, ung thư phổi trên thế giới có khoảng 1,825 triệu ca, chiếm 12,9% tổng số ca mới mắc và có 1,59 triệu ca tử vong chiếm 19,4%.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với 21.865 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.

Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet

Trong ung thư phổi, ung thư phổi tế bào nhỏ rất nguy hiểm. Đa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ không sống được quá 9 tháng. Còn với các thể ung thư phổi không tế bào nhỏ thì tỷ lệ điều trị cho bệnh nhân sống trên 3 năm cao hơn.

Những triệu chứng thường gặp

Theo Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch hội Ung thư học Việt Nam, bệnh ung thư phổi là bệnh ung thư thường gặp nhất và là "sát thủ" mạnh tay nhất trên toàn cầu.

Theo GS Hùng: Ung thư phổi được chia làm hai nhóm: Tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% các ca ung thư phổi nhưng có diễn tiến ác hơn, lan tràn nhanh hơn ung thư phổi không thế bào nhỏ.

Ung thư phổi tế bào nhỏ hay gặp ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, hầu như đều do hút thuốc, rất hiếm gặp ở người không hút thuốc.

Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại lan tràn nhanh nhất thường bắt đầu mọc từ các cuống phổi ở vùng trung tâm của phổi. Các tế bào thì nhỏ nhưng lại lớn rất nhanh thành khối u to. Các u bướu này lan tràn nhanh đến các phần khác của cơ thể như não, gan, và xương. Các triệu chứng thường gặp như khạc đàm máu, tức ngực, ho, biếng ăn, hơi thở ngắn, sụt cân, khò khè.

Khi có các triệu chứng trên, bệnh nhân đi khám bác sĩ làm các xét nghiệm. Những câu hỏi thường gặp nhất là bệnh nhân có hút thuốc không, hút nhiều hay ít, hút trong bao lâu. Bác sĩ nghe phổi có thể thấy nước trong phổi hay còn gọi tràn dịch màng phổi hoặc xẹp một phần phổi. Với bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ khi xác định được bệnh, thường bệnh đã di căn đến phủ tạng khác.

Bác sĩ có thể cho làm các xét nghiệm rà xương, Xquang phổi, huyết đồ, CT scan chức năng gan, cộng hưởng từ, PET scan, thử đờm tìm tế bào ung thư thậm chí có thể lấy mô trong phổi để xem trên kính hiển vi.

Cách phòng tránh duy nhất

Với bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, GS Chấn Hùng cho biết bệnh không mổ được vì đã lan tràn xa, phải điều trị bệnh bằng các loại thuốc hóa trị đi khắp cơ thể. Mọi biện pháp chỉ điều trị triệu chứng chứ không thể điều trị hết bệnh được.

Hiện nay, kết quả điều trị bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ khi bệnh còn khu trú chưa di căn tỷ lệ sống trên 2 năm cũng chỉ đạt 40%, còn khi bệnh đã lan rộng thì tỷ lệ này chỉ còn dưới 5 %.

Với mức độ nguy hiểm, ác tính cao của ung thư phổi tế bào nhỏ, Giáo sư Chấn Hùng cho biết cách phòng ngừa ung thư phổi tế bào nhỏ duy nhất đó là không hút thuốc lá, hãy ngưng hút thuốc lá bởi điều này không bao giờ là muộn. Với phụ nữ và trẻ em, cách tốt nhất phòng bệnh ung thư này là tránh xa khói thuốc không biến mình thành người hút thuốc lá thụ động.

Theo Bảo Thy

Trí thức trẻ

Trở lên trên