Chuyên gia VDSC: “Chi phí gia tăng, tăng trưởng lợi nhuận ngành bảo hiểm 2022 sẽ khó bứt phá như năm trước”
Cũng theo VDSC, việc gỡ nút thắt giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ thu hút dòng vốn ngoại giúp nâng cao năng lực kinh doanh và định giá cổ phiếu ngành bảo hiểm.
Trong báo cáo mới được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những đánh giá về ngành bảo hiểm. Theo VDSC, thu nhập của các công ty bảo hiểm đã tăng mạnh trong năm 2021 và đây là kết quả tạm thời do các yếu tố kỹ thuật và việc hoãn bồi thường.
VDSC đánh giá đà tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó duy trì như năm 2021 khi chi phí sẽ gia tăng trở lại. Dù vậy, về dài hạn sẽ có những thay đổi mang tính cấu trúc được thúc đẩy bởi luật kinh doanh bảo hiểm mới sắp được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Đà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao vẫn duy trì trong năm 2022 nhưng kỳ vọng tăng trưởng thu nhập có thể không còn khả quan như năm 2021
VDSC đánh giá nhu cầu bảo hiểm Việt Nam hiện khá dồi dào. Với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp của thị trường Việt Nam (2,3% GDP) so với các thị trường phát triển hơn trong khu vực và thế giới (Singapore 9,5%, Thái Lan 5,3%, Indonesia 5,4%, Trung Quốc 4,5% và thế giới 7,4%), tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Trải nghiệm mất mát trong đại dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm trong cuộc sống, tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành bảo hiểm.
Cũng theo VDSC, lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ cản trở việc bán các sản phẩm có cam kết chia lãi (như bảo hiểm hỗn hợp) do các nhà bảo hiểm nhân thọ phải hạn chế sự bất cân xứng giữa lợi tức đầu tư nhận được trong tương lai và lợi nhuận cam kết với khách hàng khi ký hợp đồng.
Trong khi đó, bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ hưởng lợi khi chính sách thay đổi. Chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe ô tô. Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ tháng 12/2021) được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức rủi ro của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ và giảm tỷ lệ bồi thường của sản phẩm này.
Tiếp tục điều chỉnh danh mục đầu tư vào các tài sản có rủi ro cao hơn để duy trì tỷ suất sinh lợi tổng thể và đảm bảo khả năng thanh toán
Lãi suất tiền gửi và trái phiếu Chính phủ đã giảm trong hai năm liên tiếp và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp vào năm 2022.
Vì những khoản đầu tư này chiếm tỷ trọng lớn (trung bình 81,6% năm 2020) trong danh mục đầu tư của các nhà bảo hiểm, VDSC kỳ vọng việc tái cơ cấu danh mục sẽ tiếp tục, như trong năm 2019 và năm 2020, chuyển từ tiền gửi và trái phiếu Chính phủ sang trái phiếu doanh nghiệp nhằm ổn định lợi suất đầu tư và đảm bảo bồi thường.
Luật kinh doanh bảo hiểm mới năm 2022 khuyến khích những thay đổi về cấu trúc quan trọng trên quy mô toàn ngành
Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2022 dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 5/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Đã được trình lên Quốc hội, dự thảo luật mới cho thấy những thay đổi cơ bản trong việc xây dựng thị trường và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp của các bên tham gia thị trường. Các thay đổi quan trọng bao gồm:
+ Thay đổi trong quản lý tài chính bảo hiểm: (1) Chuyển đổi từ mô hình Khả năng thanh toán sang mô hình dựa trên rủi ro với ba trụ cột và (2) từ can thiệp muộn sang can thiệp sớm trên cơ sở rủi ro. Việc áp dụng các mô hình này sẽ giúp công ty bảo hiểm chủ động xác định quy mô kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, lượng hóa mức độ rủi ro, kịp thời có các biện pháp đảm bảo an toàn tài chính. Luật mới cho phép thời gian chuyển đổi sang mô hình tài chính dựa trên rủi ro là 5 năm, kể từ ngày luật có hiệu lực. Hiện tại, các yêu cầu về vốn và khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm được xác định một cách cứng nhắc bằng số tuyệt đối và được áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm, bất kể rủi ro cụ thể của từng doanh nghiệp bảo hiểm. VDSC kỳ vọng sẽ có các đợt tăng vốn điều lệ lớn tại các công ty bảo hiểm có hoạt động kinh doanh phức tạp và/hoặc rủi ro cao.
+ Hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng tăng tính minh bạch về sản phẩm và đối tượng bảo hiểm, nhằm giảm tranh chấp và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hay nói cách khác là mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu.
+ Hình thành cơ sở dữ liệu toàn thị trường nhằm tính toán phí bảo hiểm phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và giải quyết khiếu nại nhanh chóng, chính xác, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Những điều đó sẽ giúp hạn chế gian lận và hỗ trợ các cơ quan quản lý hoạch định chính sách. Với cơ sở dữ liệu này các nhà bảo hiểm sẽ phải công khai thông tin về sản phẩm, hoạt động...một cách thường xuyên.
Gỡ nút thắt giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ thu hút dòng vốn ngoại giúp nâng cao năng lực kinh doanh và định giá cổ phiếu
Ngày 31/8/2021, Bộ Kế hoach và Đâu tư đã thông báo rõ rằng ngành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Điều này đã mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành.
VDSC cho rằng đây là nguyên nhân hỗ trợ định giá các cổ phiếu bảo hiểm trong nửa cuối năm 2021 và vẫn là chất xúc tác đáng kể trong năm 2022 đối với các cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của Chính phủ như BMI và BVH.
Về dài hạn, việc cổ đông nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam về phát triển năng lực chuyên môn về bảo hiểm, nâng cao năng lực thương lượng với các nhà tái bảo hiểm và nâng cao xếp hạng tín nhiệm để mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.