MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chuyện lạ" Quảng Ninh, Hải Phòng

Hải Phòng, Quảng Ninh có những bước phát triển mạnh mẽ, mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, tạo ra đợt khủng hoảng mới với kinh tế thế giới, gây áp lực lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với nhiều quyết sách chỉ đạo, điều hành quyết liệt, Hải Phòng đã trở thành điểm sáng của cả nước, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép", vừa phòng ngừa thành công dịch bệnh vừa duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế với thành tựu ấn tượng, cao nhất cả nước.

Trọng trách tiên phong

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho rằng sáng tạo, đột phá về cải cách hành chính đã đưa TP bứt phá mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu vẫn tăng trưởng đáng chú ý: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 89.111 tỉ đồng, so cùng kỳ năm 2019 tăng 10,87%, là mức tăng trưởng cao nhất nước; cùng đó là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,7 tỉ USD (tăng 19,85%) và sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 58,46 triệu tấn (tăng 2,74%)...

Chính vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm và cũng là giao trách nhiệm cho TP Hải Phòng: "Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Hải Phòng là trong 3 quý phải mang trọng trách tiên phong, một cực tăng trưởng quan trọng cho phát triển đất nước".

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng. Trong 3 năm liên tiếp từ 2017-2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở vị trí dẫn đầu các tỉnh, TP cả nước. Bảy năm liên tiếp, Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, TP có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo đang bứt phá vươn lên và một cộng đồng doanh nghiệp tự tin hơn trong hội nhập những năm gần đây là minh chứng sinh động của sự chuyển mình, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Những chuyển động này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với tỉ lệ 12,1%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 45.900 tỉ đồng… Sáu tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Quảng Ninh vẫn thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,7%, thuộc các địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước. Những kết quả này chính là thông điệp của Quảng Ninh trong việc thực hiện nhiệm vụ "kép", vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, TP đã lường được sự ảnh hưởng lớn tới các ngành sản xuất chủ đạo của nước ta bởi đây là nơi cung ứng tới 80% nguồn nguyên vật liệu và linh kiện phục vụ cho sản xuất trong nước. Nhờ chủ động trong dự báo cũng như sự vào cuộc kịp thời trong hoạt động tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên dù có một số phân ngành bị giảm sút nhưng nhìn chung, công nghiệp của TP Hải Phòng vẫn duy trì sản xuất tốt với kết thúc quý II chỉ số tăng trưởng đạt 14,02.

"Hiện đa số doanh nghiệp của Hải Phòng đã trở lại hoạt động bình thường. Một số ngành có chỉ số tăng cao như: sản xuất xe có động cơ tăng 535%; sản xuất môtô, xe máy tăng 116,71%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 108,73%..." - ông Tùng chia sẻ và khẳng định Hải Phòng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh thông qua việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp, chi phí, nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện với ngân sách nhà nước.

Hải Phòng miễn, giảm một số loại phí như: phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của tỉnh; các loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí cấp phép xây dựng… Đặc biệt, quan tâm đến việc giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất - kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh này luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, tỉnh không ngừng nỗ lực tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn, duy trì, cải thiện sức cạnh tranh. Để luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, Quảng Ninh không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm, chủ động thiết lập nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, sở, ban ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện hiệu quả "xúc tiến đầu tư tại chỗ", "đồng hành cùng doanh nghiệp" với nhiều giải pháp thiết thực.

Để đẩy mạnh thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tái cơ cấu chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi; thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để giúp giảm chi phí sản xuất; đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hợp tác. Qua đó, đã tạo bệ đỡ vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, tạo lực hấp dẫn để nguồn vốn tư nhân được đưa vào sử dụng hiệu quả, đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo Trọng Đức

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên