Chuyện lên đảo Phú Quý mở homestay: Đầu tư 2 tỷ nhưng không hoàn vốn sau 5 năm và nhiều “kiếp nạn” khác
Ngày càng nhiều người trẻ chọn kinh doanh homestay trên đảo Phú Quý vì nhìn thấy tiềm năng của du lịch biển. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của họ chưa bao giờ chỉ toàn màu hồng.
- 08-09-2023Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao?
- 02-09-2023Người đàn ông “giàu thần tốc", sở hữu 10 mỏ vàng: Chưa được hưởng vinh hoa phú quý thì phải chịu cảnh vào tù ra tội
- 30-08-2023Kiếm 20 triệu trong 3 ngày lễ, “người cá dẫn tour” đảo Phú Quý đắt sô
Tại sao người trẻ cầm tiền ra đảo Phú Quý mở homestay?
Trước khi ra đảo Phú Quý khởi nghiệp, Thanh Ngân (23 tuổi, TP.HCM) từng là một dân văn phòng điển hình: sáng đi tối về, làm đủ 9 tiếng. Tuy nhiên, vì tính cách yêu tự do, cộng thêm khoảng thời gian trước gặp rắc rối với một vài mối quan hệ, Ngân chuyển sang làm nhà sáng tạo nội dung và freelancer toàn thời gian. Từ đó, Ngân cải thiện được nguồn thu nhập và tích góp được số vốn nhỏ.
Thanh Ngân
Không lâu sau, Thanh Ngân nảy sinh ý định ra đảo Phú Quý sống. Quyết định này khiến gia đình Ngân bất ngờ và xuất hiện những lời bàn tán, nhìn cô bạn với ánh mắt đầy hoài nghi: "Liệu bé này có đang bị tự kỷ không?". Nhưng với Ngân, lựa chọn này hiểu đơn giản thì chỉ là trốn phố thị, ra đảo ở ẩn tìm lại cảm giác bình yên.
Và quả thật, Ngân tìm được năng lượng tích cực nhờ gần gũi với thiên nhiên. "Không còn nhộn nhịp như thành phố nhưng vui lắm. Đây là một trong những trải nghiệm đúng đắn của đời mình", Ngân chia sẻ.
Dĩ nhiên, những ngày tháng chỉ có chơi và thư giãn rồi cũng trở nên nhàm chán. Để không phí hoài nhiệt huyết tuổi trẻ, cô bạn chọn gom hết tiền đem ra đảo mở homestay. Một phần vì nhìn thấy tiềm năng ở đảo, khi chưa quá phát triển thì đây là lúc để những người trẻ như Ngân tận dụng cơ hội. Phần còn lại, Ngân muốn xây cho mình một góc nhỏ, để không cần lông bông khi từ đảo trở về.
Một trường hợp khác cũng chọn khởi nghiệp bằng kinh doanh homestay trên đảo Phú Quý là Phương Đông (27 tuổi, Bình Thuận). Cách đây 5 năm, khi còn là sinh viên năm 3 chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại Đại học Phan Thiết, Đông đã tìm thấy tiềm năng của du lịch trên đảo nhờ sự tư vấn của người trong nghề.
Khi đó, cậu tâm sự với ba mẹ vào 30 Tết về ý định về Phú Quý mở hometay. Ấy thế mà người dân ở đảo lại khiến giấc mơ vừa le lói của Phương Đông phải thực tế lại: "Xây lên làm gì cho tốn tiền, ai đâu mà ở rồi biết khi nào mới lấy lại vốn?".
Đông tạm gác lại ước mơ khởi nghiệp, cho đến khoảng 1 năm sau khi đang đi thực tập, cha cậu gọi điện ngỏ lời lại về quyết định lên đảo mở homestay. Kết thúc chuyến thực tập, Phương Đông về đảo và bắt đầu chặng đường gian nan này.
Câu chuyện chưa kể về lần đầu mở homestay: Chi 2 tỷ nhưng sau 5 năm chưa hoàn vốn
Phương Đông về đảo Phú Quý lập nghiệp là năm 2015. Bấy giờ, ngoài những khách sạn, resort cao cấp thì mô hình homestay gần gũi thiên nhiên chưa quá phổ biến tại đây.
Sau khi khảo sát thị trường và tìm được ngách đi cho mình, Phương Đông và người thân quay về tính toán số tiền xây dựng. Được biết, tổng kinh phí xây dựng homestay là hơn 2 tỷ đồng - một số tiền khá lớn với gia đình chàng trai.
"Cha mẹ làm lụng cả đời được bao nhiêu thì đổ vào đây hết. Nhưng số tiền đó cũng chẳng được nhiều. Mình vay mượn thêm bạn bè, số còn lại gần 70% thì vay thêm ngân hàng", Phương Đông nhớ lại cách huy động vốn khởi nghiệp.
Còn về kinh nghiệm khởi nghiệp, Đông nói bản thân bắt đầu với con số không tròn trĩnh. "Bản thân mình thì lấy đâu ra kinh nghiệm, gia đình cũng thuần công việc tay chân nên không truyền đạt bài học gì cả. Thời điểm đó tất cả điều mình có là sự ủng hộ của cha mẹ, bạn bè và niềm đam mê với du lịch biển đảo", Đông kể.
Sau khoảng 9 tháng, khung cơ bản của hometay đã hoàn thiện. Vì có nguồn vốn hạn chế nên chàng trai chọn mô hình kinh doanh đơn giản nhất: Dịch vụ lưu trú cơ bản, tối giản hóa mọi thứ và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, sự thân thiện trong tiếp đón là chính.
Cũng trong 9 tháng đầu mở homestay, Phương Đông và người thân gặp nhiều khó khăn như:
- Thứ nhất là tài chính. Do nhiều thứ tính toán sai nên kinh phí làm homestay vượt quá dự kiến của gia đình. "Năm ấy giá vật tư leo thang, thêm khoản chi phí vận chuyển ra đảo cũng độn lên rất cao do thời tiết lẫn giá thành. Có những hàng hóa đặc biệt như kính, vì trúng mùa biển động nên rất dễ vỡ kính, thời gian chờ đợi kính về cũng hết cả thanh xuân", Đông giải thích.
- Tiếp theo là thời tiết. Kinh doanh homestay trên đảo Phú Quý chỉ ra tiền khi biển êm (tháng 3 - 9), còn lại 6 tháng biển gió (tháng 9 - 2) thì khó kiếm.
- Sau cùng, bảo trì theo quý và năm cho kinh doanh homestay cũng phải tính toán kỹ. Theo Phương Đông, do ảnh hưởng của độ ẩm cao và thời tiết mưa nắng đan xen thì nếu không biết cách bảo dưỡng, cơ sở vật chất của homestay sẽ nhanh chóng đi xuống.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phương Đông đã kinh doanh homestay được gần 5 năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi hết vốn. Tuy nhiên, vì du lịch biển đảo phát triển đúng như những gì Đông kỳ vọng nên cuộc sống gia đình cũng đỡ vất hơn nhiều.
Một điều Đông cho rằng cần phải duy trì sau khoảng thời gian kinh doanh 5 năm là "chữ tín": Trung thực về mọi thứ, giá cả, chất lượng, treo như nào bán thế ấy, không thêm không bớt và phải biết cho đi. Vì tuân thủ nguyên tắc này, mà hiện tại lượng khách về homestay của Đông tương đối ổn định.
Còn với Ngân, cô nàng 23 tuổi đã bỏ 200 triệu đồng để mở homestay. Ban đầu, Ngân tìm được căn nhà ưng ý ở trên đảo Phú Quý, giá thuê 30 triệu đồng/năm.
Để có được mức giá "mềm" thế này, Ngân nhận về một căn nhà khá cũ và xuống cấp. Phần ký hợp đồng và xin giấy phép kinh doanh cũng đem lại nhiều rắc rối cho cô. Bởi cô bạn có hộ khẩu một nơi khác nhưng kinh doanh một chỗ khác.
Kế đến, Ngân bắt tay vào sửa chữa căn nhà cũ. Ban đầu, Ngân chọn tự sơn lại để tiết kiệm chi phí, nhưng không đảm đương nổi nên phải thuê thợ. Thêm nữa, quá trình sửa chữa căn nhà cũng gặp phải nhiều khó khăn. Chẳng hạn như có dùng sơn chống thấm nhưng tường của homestay thi thoảng vẫn ẩm ướt vì mưa nhiều. Có tháng, cả căn homestay bị dột, mốc gương, hư giường... khiến Ngân không thể sinh lời được đồng nào.
Và còn những chuyện Ngân không ngờ tới vì chưa có kinh nghiệm khởi nghiệp. Nhưng cuối cùng, sau khoảng 3 tháng vật lộn với rủi ro, căn homestay cũng được hoàn thiện và mở cửa đón những vị khách đầu tiên. Đến hiện tại, homestay của Ngân đã hoạt động được 3 tháng.
Khép lại câu chuyện của mình, Ngân cho rằng một năm này là khoảng thời gian khiến cuộc sống của cô bạn thay đổi nhiều nhất. Từ tinh thần cho đến tiền bạc, và cả khả năng phát triển trong tương lai. Sau cùng, cô nàng gửi lời nhắn nhủ tới những bạn trẻ:
"Nếu ở thành phố lớn cho bạn phát triển về trí tuệ, học thức và văn minh thì ở những nơi yên bình như Phú Quý sẽ cho bạn phát triển về mặt tâm hồn, sáng tạo và thẩm mỹ. Vậy nên, chỉ cần biết tận dụng cơ hội và sống với đam mê, thì ở dù ở đâu cũng sẽ có chỗ riêng cho mình!", Ngân nói.
Phụ nữ số