MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới

Những hành động năng động của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ cho thấy sự chuyển biến khá rõ nét...

Thiên tai suốt năm 2016 trải khắp cả nước là khó khăn gần như có thể nhận biết ở mọi địa phương. Điều đó không chỉ tác động đến sản xuất kinh doanh, mà còn tác động đến đời sống của người dân. Kinh tế năm nay bị thiệt hại, dù rằng về mặt lý thuyết, khắc phục hậu quả thiên tai cũng mang lại một lượng “GDP” gia tăng nào đó, nhưng những mất mát là rất lớn (thậm chí gây thiệt hại, mất hẳn), hậu quả lâu dài.

Đặc biệt, tình trạng nước biển dâng và tác động xấu do có các công trình thượng lưu sông Cửu Long, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển bền vững dài hạn mới cho vùng đồng bằng trải trên 4 triệu ha đất và gần 18 triệu dân.

Sự cố môi trường chưa từng có tại 4 tỉnh Bắc miền Trung cũng coi là thách thức rất lớn, có thể coi là “nhân tai” chưa từng có. Các diễn biến về thời tiết, khí hậu và sự cố môi trường đã tác động xấu với nông nghiệp bị sụt giảm so cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách quyết liệt, tình hình sản xuất kinh doanh hoa quả, tôm, cá tra... tăng lên, trong khi xuất khẩu gạo giảm bớt, nhưng xuất khẩu hoa quả tăng cao, làm cho nông sản xuất khẩu vượt 32 tỷ USD. Kết quả là nông nghiệp cả năm tăng 1,39%

Các ngành dịch vụ đã có sự phát triển cao đạt 6,98%, trong đó các ngành thương mại, du lịch, ngân hàng tài chính... đều tăng trưởng khá, tạo thế dẫn dắt.

Các ngành công nghiệp đã có điều chỉnh thành công, cả năm tăng 7,57%, dù ngành khai khoáng giảm 4%, nhưng ngành chế biến chế tạo tăng 11,9%.

Xuất khẩu tăng 8,6% vì thị trường thế giới khôi phục chậm, giá xuất giảm, thị trường trong nước được đẩy mạnh với tiêu dùng nội địa tăng 10,2%. Đầu tư trong nước tăng 8,7% góp phần làm cho GDP tăng 6,21% là một nỗ lực lớn.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm trong khó khăn cũng có tác động mạnh tới lượng cầu của thế giới với mức giá cả hạ thấp. Do đó, giá trị xuất khẩu đã không tăng cao như dự kiến một năm trước, và những nỗ lực trong năm cũng chỉ làm cho giá trị xuất khẩu tăng 8,6%. Dung lượng cầu giảm sút đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất công nghiệp.

Nợ công tăng cao do chi tiêu ngân sách quá lớn và hiệu quả còn thấp, các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước có mức nợ xấu rất lớn... là sự kiện đã được các đại biểu Quốc Hội phê phán rất mạnh trong 2 kỳ họp trong năm.

Trong điều kiện đó, dù lạm phát đã được khống chế về mức dưới 5%, nhưng các vấn đề ổn định vĩ mô của nền kinh tế vẫn còn các yếu tố bất ổn, đặc biệt là bộ máy quá cồng kềnh. Vấn đề xã hội và môi trường cũng đang đặt ra các câu hỏi lớn.

Dù tỷ lệ đói nghèo đã giảm mạnh, nhưng khu vực “nổi cộm” chính là tỷ lệ nghèo quá lớn và các dịch vụ cơ bản (như y tế, giáo dục) được hưởng quá thấp lại bị tập trung vào vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, rất khó cải thiện hiện nay.

Bên cạnh nguy cơ bất ổn này, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã trở nên đòi hỏi cấp bách để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các Nghị quyết 19-CP các năm 2014, 2015 và 2016 đã tạo ra các cải thiện bước đầu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Nghị quyết 35-CP cũng đã giúp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh ba đầu tầu là nông nghiệp, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế FDI, thì đầu tầu khu vực kinh tế tư nhân còn rất khó khăn, thiếu liên kết với các khu vực sở hữu khác, gặp sức ỳ lớn khi phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ bé, công nghệ thấp, khó gắn kết và khó tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi toàn cầu.

Đó là chưa kể tới hàng triệu hộ kinh doanh cá thể cũng khó có đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế cả nước. Sự phát triển kinh tế bị chia cắt thành 63 tỉnh thành, nhưng thiếu gắn kết với nhau cũng đang gây hậu quả xấu khi các thách thức hội nhập quốc tế đang trở thành hiện thức, đặc biệt Cộng đồng ASEAN đã được chính thức hoạt động từ năm 2016.

Đẩy mạnh cải cách để làm cơ sở cho chủ động vượt khó, coi trọng khu vực tư nhân, doanh nghiệp tư nhân đang là đòi hỏi của cuộc sống hiện nay.

Cải cách đã làm, cần làm mạnh hơn

Nhìn thẳng sự thật, để vượt khó, Chính phủ mới được kiện toàn từ 4/2016 và được thành lập mới từ 7/2016 đã đề ra chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo. Những hành động năng động của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ cho thấy sự chuyển biến khá rõ nét này.

Tuy nhiên, dường như sự “chuyển động” của cả bộ máy hành chính nhà nước còn có sức ỳ khá lớn. Từ lời cam kết của Chính phủ đến hành động của bộ máy và kết quả tích cực mang lại cho người dân còn có khoảng cách lớn. Có tình trạng nhiều tuyên bố, nhưng ít hành động, thậm chí “bắn chỉ thiên”, ít tác động.

Trong bối cảnh đó, dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ mới, tình trạng quan liêu, tham nhũng và lãng phí vẫn còn là một gánh nặng đè nặng đến toàn xã hội, gây mất lòng tin cho người dân.

Hiệu quả cao đến đâu

Để đo lường hiệu quả và bước tiến, có thể thăm dò dư luận. Đồng thời sử dụng các so sánh quốc tế cũng có thể làm rõ mức độ nỗ lực và kết quả thu được lớn đến đâu trong tương quan với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.

Điều đáng mừng là các đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều. Thứ hạng trong các nước ASEAN đã được cải thiện, tăng 9 bậc, nhưng sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt, vì hầu hết các nước trong vùng đã có những nỗ lực cải thiện rất nhiều.

Theo báo cáo của “Diễn đàn kinh tế thế giới” WEF năm nay, thứ hạng cạnh tranh dựa trên 12 trụ cột với 113 tiêu chí đã được cải thiện ở nhiều chỉ tiêu, nhưng thứ hạng trên một số tiêu chí rất cơ bản đã bị giảm sút làm cho chỉ số cạnh tranh GCI chung cuộc lại bị giảm sút 4 bậc (từ 56 tăng lên 60).

Thậm chí, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII # hay phát triển bền vững SDG# (trên 17 mục tiêu và 169 tiêu chí) của Việt Nam cũng có những mảng trồi sụt rất đáng lo ngại.

Chào đón năm 2017 với nỗ lực lớn

Năm 2017 đã đến, với cả những hy vọng, thời cơ và thách thức rất đa dạng, đan xen. Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) cuối năm 2016 đã nhận xét rất nghiêm khắc rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chưa được thực hiện tốt như chủ trương đề ra.

Nghi quyết rất thẳng thắn đã vạch rõ “... nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp.

Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn”.

Nhận định như vậy đặt gánh nặng lên kế hoạch 2017. Quốc hội trong phiên họp cuối năm 2016 đã ra Nghị quyết vạch rõ các mục tiêu kế hoạch: (1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.

(2) Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%.

(3) Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.

(4) Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

(5) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

(6) Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

(7) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

(8) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

(9) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%.

(10) Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã).

(11) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

(12) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

(13) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%. Để thực hiện các mục tiêu cụ thể này, cần tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ về đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công tác đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân, trong điều kiện cụ thể của năm 2017 là:

(1) Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước;

(2) Quan tâm bố trí vốn đầu tư công một cách hiệu quả;

(3) Tập trung vào ba trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế;

(4) Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, phát triển xã hội.

Hy vọng rằng năm 2017, với sự nỗ lực của cả nước, của toàn dân sẽ mang đến những xung lực mới, vượt qua các khó khăn, thách thức và rào cản.

* Tác giả bài viết hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam

Theo GS.TSKH.Nguyễn Quang Thái

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên