Chuyện ngược đời: Toyota từ vị thế đàn anh, lão làng trong ngành ô tô phải ‘cắp sách’ học Tesla cách sản xuất, thừa nhận ‘đó là một cú sốc’
Vì đâu mà "lão làng" Toyota đang phải “cắp sách” tới Tesla để học hỏi kinh nghiệm sản xuất?
- 03-07-2023Huyền thoại một thời Toyota Crown 2001 rao bán giá 990 triệu đồng, đắt hơn Mazda6 'đập hộp'
- 28-06-2023Toyota C-HR 2024 ra mắt, nhập lẻ về Việt Nam phải ngang giá Mercedes GLC
- 25-06-2023Đại lý hé lộ trang bị Toyota Yaris Cross sắp bán tại Việt Nam: 2 phiên bản, cảnh báo điểm mù, 6 túi khí
Được thành lập 20 năm trước, ít người biết rằng con đường của Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới đã được lát những viên gạch đầu tiên thông qua mối hợp tác từ năm 2010 với Toyota.
Mối hợp tác này đã “tan thành mây khói” vài năm sau đó nhưng Tesla – công ty vừa đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập vào ngày thứ 7 vừa qua đã mua được nhà máy đầu tiên từ Toyota cũng như bí quyết sản xuất hàng loạt từ hãng xe ô tô Nhật. Hiện tại, tức là 13 năm sau, Toyota đang phải “cắp sách” tới Tesla để học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
“Cuối cùng cũng đến lúc Toyota đi học hỏi Tesla. Đó là một cú sốc”, một sếp tầm trung phụ trách sản xuất tại Toyota nói. “Toyota đã đạt tới điểm mà chúng tôi cần phải thay đổi các phương pháp sản xuất”.
Toyota tuyên bố công nghệ đúc cỡ lớn sẽ được áp dụng vào giữa tháng 6 với phôi nhôm được dùng để chế tạo các module lớn. Công nghệ này có thể được sử dụng cho thế hệ xe điện tiếp theo của Toyota vào năm 2026. Mặc dù đây là đột phá với hãng xe Nhật Bản nhưng trên thực tế, Tesla đã sử dụng công nghệ tương tự từ lâu.
Với công nghệ truyền thống, một chiếc khung xe được tạo nên từ hơn 100 tấm kim loại được hàn với nhau. Trong khi đó, sử dụng máy đúc cỡ lớn, khung xe của Tesla có thể chỉ cần hai tấm kim loại.
Công nghệ sản xuất được đưa vào áp dụng cho Model Y của Tesla trong năm 2020 và các phần khác trong dây chuyền sản xuất, giúp giảm chi phí trên mỗi xe khoảng một nửa. Mặc dù các startup Trung Quốc cũng đi theo hướng này nhưng Toyota ban đầu không tỏ ra mấy hào hứng.
Việc giảm các linh kiện trong xe hơi có nghĩa là ít đơn đặt hàng hơn cho các nhà cung ứng. Điều này có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng “kim tự tháp” có mức độ kết dính cao của ngành xe hơi Nhật Bản. Tuy nhiên, Toyota cuối cùng đã nhượng bộ.
“Tesla là đơn vị dẫn đầu thị trường xe điện. Chúng tôi sẽ học hỏi từ họ”, theo một lãnh đạo Toyota. Trước đây, không aic ó thể tưởng tượng rằng Tesla sẽ có thể trở thành gã khổng lồ như bây giờ”.
VẬN MAY BẤT NGỜ
Chủ tịch Akio Toyota tham gia một hội nghị vào tháng 11/2010 cùng với Elon Musk, tại đây, Musk nói rằng ông đang tìm cách học hỏi công nghệ sản xuất của Toyota, gọi đó là “thứ tốt nhất trên thế giới”.
Dưới sự hợp tác này, Tesla nhận khoản đầu tư 50 triệu USD từ Toyota cho gần 3% cổ phần của công ty và họ cũng mua một phần nhà máy của liên doanh MUMMI giữa Toyota và GM - ở California với giá 42 triệu USD.
Vì việc thiếu kinh nghiệm sản xuất, Tesla đã gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt mẫu Model S – dòng xe đầu tiên họ tự tay phát triển. Công ty đã tiếp tục hoạt động thua lỗ, có lúc tiền mặt giảm xuống chỉ còn 100 triệu USD.
Trong khi đó, khi mua nhà máy NUMMI, nhà máy này có đầy đủ thiết bị, không yêu cầu bất kỳ chi phí thêm nào từ Tesla. Một vài công nhân nhà máy cũng vẫn ở lại. Một lãnh đạo Tesla nhìn lại thoả thuận này và gọi đây là may mắn bất ngờ, thừa nhận công ty thiếu kinh nghiệm sản xuất trước khi mua lại nhà máy.
Sự hợp tác này chẳng mang lại nhiều lợi nhuận cho Toyota ngoài việc tìm kiếm được người mua cho nhà máy ở California. Toyota đã bán toàn bộ cổ phần Tesla vào cuối năm 2016.
Theo một nguồn tin, thời điểm đó, chính Toyoda là người dẫn đầu, thúc đẩy hợp tác với Tesla nhằm “cải thiện bộ phận phát triển đang rất chậm chạp”. Tuy nhiên, các kỹ sư của Toyota cảm thấy rằng họ có thể làm xe điện bất cứ lúc nào, nên họ không có hứng thú hợp tác với Tesla.
“Với việc tham gia thị trường của Tesla và các công ty Trung Quốc, các đối thủ và quy định trong ngành công nghiệp đang thay đổi”, Toyoda nói tại đại hội cổ đông của Toyota vào tháng 6/2017.
Thành công của Tesla đã được xây dựng dựa trên việc xác định điểm yếu của ngành công nghiệp ô tô và tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Tesla bán xe ô tô trực tiếp, online mà không có mạng lưới đại lý. Mặc dù đại lý có thể cung cấp cho những người mua tiềm năng với dịch vụ cá nhân nhiều hơn nhưng kết quả này sẽ dẫn tới việc giá cao hơn và chi phí lớn hơn cho nhà sản xuất.
Tesla cũng có cách tiếp cận khác phương pháp kaizen của Toyota về việc cải thiện không ngừng. Khi Tesla xây dựng một nhà máy ô tô mới, họ sẽ đánh giá lại các phương pháp sản xuất từ đầu, liên tục tìm cách giảm 50% chi phí, gây áp lực trong nội bộ và đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, Tesla cũng đối mặt với những thách thức, như cạm bẫy phải triển thành tập đoàn lớn. Việc tuyển dụng 120.000 nhân viên, khả năng sản xuất ra 2 triệu xe 1 năm khiến việc đưa ra các quyết định quản lý phá vỡ tiền lệ có thể thực hiện được khi còn trong giai đoạn khởi nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chưa kể tới việc, cảm giác mới lạ với thương hiệu Tesla cũng có thể đang mờ dần. Giá của Model 3 đã qua sử dụng của Tesla tại Mỹ đã giảm 20% trong nửa năm tính đến mùa xuân này, nhấn mạnh sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng. Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và những người tham gia từ các lĩnh vực khác. Tesla đã học được bài học từ Toyota trong quá trình đi lên và bây giờ các nhà sản xuất ô tô khác đang học hỏi từ Tesla.
Nếu như Tesla theo đuổi lĩnh vực này với tư cách là một công ty khởi nghiệp thì hiện họ đang được các đối thủ theo sát với tư cách là người dẫn đầu. Chính bởi vậy, họ đối mặt với những thách thức và áp lực đi kèm với việc trở thành người dẫn đầu.
Theo: Nikkei
Nhịp sống thị trường