MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển nợ thành vốn góp: Chỉ nên là giải pháp tình thế

07-10-2016 - 18:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn thì việc hoán đổi nợ thành vốn góp sẽ là một trong những giải pháp tháo gỡ cho các NH.


Thêm kênh xử lý nợ xấu?

Một trong những nội dung đang được quan tâm tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của TCTD mà NHNN vừa đưa lấy ý kiến đó là quy định về việc hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần của các TCTD. Theo dự thảo, một trong những quy định đáng chú ý là: Các TCTD chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Đại diện vụ chức năng NHNN cho biết nội dung này đã được đưa vào Luật Các TCTD 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, do vẫn chưa có văn bản hướng dẫn các quy định mới của Luật Các TCTD nên hoạt động góp vốn, mua cổ phần của TCTD vẫn được thực hiện theo các văn bản trước đây. Nhưng các văn bản này, theo NHNN còn thiếu tính thống nhất, chưa điều chỉnh hết các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của TCTD theo quy định tại Luật Các TCTD mà chủ yếu chỉ hướng dẫn việc thành lập, hoạt động một số loại hình công ty trực thuộc của TCTD.

Do vậy, để hướng dẫn các quy định của Luật Các TCTD, đồng thời từng bước khắc phục các nhược điểm của hệ thống quy định cũ, tạo một khung pháp lý thống nhất hướng dẫn về việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD, NHNN xây dựng Dự thảo này.

Theo nhận định của một số chuyên gia, trong bối cảnh xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn thì việc hoán đổi nợ thành vốn góp sẽ là một trong những giải pháp tháo gỡ cho các NH. Tổng giám đốc một NHTMCP quy mô nhỏ nhìn nhận: đây sẽ là giải pháp tốt để NH xử lý nợ xấu.

Ông này tiết lộ giải pháp đã được đưa vào đề án tái cơ cấu của NH, nhất là trong việc xử lý những khoản nợ nhóm 5, NH trích lập đủ dự phòng 100% nhưng do “trục trặc” vẫn chưa thể thu hồi được. Nếu khoản nợ đó được chuyển thành vốn góp, NH dành thêm thời gian công sức cấu trúc nó tốt lên, DN kinh doanh hiệu quả hơn sẽ giúp NH có thể thu hồi nợ thay vì cứ ngồi chờ.

Nhưng chỉ là giải pháp tình thế

Đồng tình đây là một trong những giải pháp gỡ khó cho nợ xấu, nhưng theo nhận định của một chuyên gia làm việc lâu năm tại NH thì giải pháp này khá rủi ro và có một số NH từng xử lý theo cách này nhưng không thành công. “Bởi vì nghề của NH là đi buôn tiền chứ không phải đi bán gạo, cà phê hay máy tính...” - ông nói.

Những khía cạnh rủi ro được vị này phân tích: các NH chỉ có thể thực hiện đối với những khoản nợ thuộc nhóm 5 và nợ đã được xử lý bằng dự phòng đều là ở trong tình trạng khó khăn, thậm chí trước ngưỡng cửa phá sản. NH nhảy vào chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lại không đúng chuyên môn, sở trường. Thứ hai, khi trở thành chủ đầu tư mới, thường NH sẽ phải bơm thêm vốn vào và nếu khoản “đầu tư” này thua lỗ thì tiền mới không những không cứu được vốn đầu tư cũ mà lại mất cả chì lẫn chài.

Tất nhiên ở bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng có rủi ro, nhưng theo TS. Trương Thanh Đức, phương án trên không thể giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu. Chưa nói đến việc NH đang phải lo kinh doanh giờ thêm việc quản trị theo dõi đầu tư trái ngành, nghề cũng rắc rối phức tạp. Nên đây chỉ là cách chữa cháy tình thế.

Về phía mình, CEO một NHTM cho biết những rủi ro trên đều đã được họ tính toán, cân nhắc. Thậm chí, NH phải tính cặn kẽ các phương án xử lý nợ xấu thì mới thực hiện chuyển nợ thành vốn góp chứ không phải muốn là làm. Các NH vẫn đang trầy trật xử lý nợ xấu, giờ lợi nhuận đâu có nhiều để cứ trích mãi được, bán nợ cho VAMC thì NH cũng là người thực hiện chính.

Trong khi đó, đây cũng là giải pháp xử lý nợ dù không hẳn là tốt nhưng cũng không phải là quá tồi. Vì thế, nếu có cơ sở pháp lý rõ ràng đối với hoạt động này, NH sẽ chấp nhận lại “căng mình” dành thêm thời gian công sức như tham gia thuê tư vấn, quản lý, giám sát dòng tiền… hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn. Còn hơn là chẳng làm được gì. “Giả sử bây giờ DN đó không trả được nợ nhưng họ nói là vẫn có cơ sở sản xuất kinh doanh.

Có hai phương án một là tham gia để vực dậy họ, hai là để nợ chồng chất. Nếu được chọn thì bạn chọn cái nào. Đương nhiên NH sẽ phải vực họ dậy khi nhận thấy dấu hiệu “sống sót” chứ” - vị này phân tích thêm lý do NH thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp.

Tất nhiên, theo TS. Đức vẫn có những trường hợp NH thực hiện khá tốt giải pháp này như VietinBank chuyển nợ thành vốn góp tại Cảng Sài Gòn, Hải Phòng… Đúng là không phải tất cả các cuộc tham gia của NH vào DN đều thất bại mà cũng có tỷ lệ thành công nhất định.

Chung quan điểm này TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể hạn chế được rủi ro khi NH thực hiện các điều kiện sau: NH phải xem khả năng tài chính của công ty. Và quan trọng nhất là phải “soi” tỷ lệ đòn bẩy của công ty như thế nào, tổng nợ chi cho vốn chủ sở hữu, vốn tự có bao nhiêu. Thứ hai là phải xem lãnh đạo công ty đó có thật sự tâm huyết với vấn đề tái cơ cấu của họ với sự hỗ trợ NH không. Thứ ba, NH xem xét tiềm năng thị trường công ty đó thế nào.

Nếu hàng hóa công ty đó không bán được, mất thị phần… thì dù cho NH có nhảy vào, giúp bao nhiêu chăng nữa cũng không thể cứu được. Do đó, thay vì cứ xử lý các biện pháp tình thế với khá nhiều rủi ro, chúng ta khẩn trương xây dựng thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Đây là phương án khả quan nhất, đảm bảo các bên đều có lợi.

Qua thị trường này, các NH bán nợ cho các chủ đầu tư. Chủ đầu tư mới đó có thể sẽ vay tiền NH để mở rộng kinh doanh tại những DN họ vừa mua. Nhà đầu tư khi đó vừa am hiểu kinh doanh ngành nghề, vừa có thêm tiền mới, họ sẽ tái cơ cấu DN hiệu quả giúp trả nợ NH nhanh hơn, mà NH phải không lo đầu tư trái ngành nghề với nợ xấu phát sinh.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên