MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ở Agribank: Tài sản đảm bảo có bản án đến 4 năm, đấu giá 12 lần vẫn chưa được thi hành án

25-05-2017 - 20:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Câu chuyện này được ông Hà Sỹ Vịnh, Phó Giám đốc trung tâm phòng ngừa và xử lý rủi ro của Agribank chia sẻ tại hội thảo về xử lý nợ xấu do NHNN tổ chức mới đây.

Theo ông Hà Sỹ Vịnh, để xử lý tài sản bảo đảm, khâu đầu tiên, tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) phải thu giữ hoặc được bàn giao tài sản bảo đảm. Tuy nhiên theo quy định của Bộ Luật dân sự hiện hành, các tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản khi bên đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản. Đồng nghĩa với việc tổ chức tín dụng không được xử lý được tài sản theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm - một nguyên tắc cơ bản quy định tại Bộ luật dân sự. Tổ chức tín dụng buộc phải khởi kiện - thực hiện theo con đường tố tụng, thi hành án.

Trong khi đó, luật tố tụng dân sự và thi hành án dân sự áp dụng chung cho các giao dịch dân sự, không có quy định riêng cho việc xử lý tài sản bảo đảm để vay vốn của các tổ chức tín dụng. Quá trình tố tụng, thi hành án kéo dài gây tổn phí nhiều thời gian, công sức, chi phí của các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân do quy định pháp luật có liên quan chưa phù hợp, còn chồng chéo, chưa cụ thể có nhiều cách hiểu khác nhau; việc thực thi của cơ quan có liên quan còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đại diện Agribank đưa ra ví dụ trường hợp bị đơn, người có quyền lợi có liên quan, người phải thi hành án không có mặt theo triệu tập của tòa án, không có mặt tại địa phương. Đây là tình trạng xảy ra phổ biến, khi bị đơn, người có quyền lợi có liên quan, người phải thi hành án không hợp tác. Với tình trạng này làm cho việc tố tụng, thi hành án kéo dài, cơ quan nhà nước có chức năng chưa có được giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Ông Vịnh cho biết, thực tế ở Agribank đã xảy ra nhiều trường hợp, đã có bản án, đang xử lý tài sản bảo đảm thi hành án 3, 4 năm, đã đưa tài sản bảo đảm ra đấu giá 12 lần, có người khởi kiện dân sự tranh chấp tài sản bảo đảm. Mặc dù giao dịch bảo đảm với Ngân hàng hợp pháp hợp lệ, tòa án vẫn thụ lý hồ sơ, mặc dù không có bất kỳ ý kiến của Tòa án nhưng Cơ quan thi hành án vẫn quyết định tạm hoãn thi hành án.

Một khó khăn nữa khi xử lý nợ xấu của ngân hàng là việc xác định giá khởi điểm đấu giá thi hành án. Mong muốn của các tổ chức tín dụng là xử lý tài sản bảo đảm nhanh nhất với số tiền thu nợ từ xử lý tài sản cao nhất. Trong thực hiện xử lý tài sản có 2 trường hợp xảy ra trái ngược nhau không như mong muốn của tổ chức tín dụng: Xác định giá khởi điểm để đấu giá quá cao để kéo dài việc bán tài sản; ngược lại xác định giá khởi điểm quá thấp gây thiệt hại cho ngân hàng.

Đại diện Agribank cho biết, tại Agribank có trường hợp đấu giá thi hành án lần đầu từ tháng 2/2011 với giá khởi điểm 73.395.600 nghìn đồng, sau 16 phiên đấu giá, tháng 10/2016 đấu giá thành công ngân hàng thu nợ được 12 tỷ đồng. Giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài. Trong khi bên bảo đảm vẫn khai thác và hưởng lợi từ tài sản hàng tỷ đồng hàng tháng (ngân hàng không thể quản lý/quản lý hết được), trong khi đó giá trị tài sản bảo đảm suy giảm, chi phí vốn, chi phí xử lý tài sản tăng.

Theo quy định về luật thi hành án, trường hợp bên được thi hành án và bên có tài sản thi hành án không thỏa thuận được giá khởi điểm đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành án được quyền chỉ định tổ chức có chức năng thẩm định giá. Trong khi đó thực tế độ tin cậy của giá được thẩm định không cao, từ ví dụ cụ thể sau hơn 4 năm đấu giá thành công với giá bán chỉ bằng 15 - 20% định giá lần đầu đã minh chứng điều đó.

Đại diện Agribank đề xuất với cơ quan quản lý một là cần sớm ban hành Luật và các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, trong đó cho các tổ chức tín dụng được quyền xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, trong đó có quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu người đang giữ tài sản bảo đảm không bàn giao tài sản để xử lý.

Hai là nâng cao chất lượng giao kết hợp đồng bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Theo vị này, thực tế thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo đảm còn chung chung, không cụ thể, không nêu cụ thể các chế tài khi vi phạm nhất là các thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm. Hợp đồng thế chấp càng chi tiết, càng cụ thể sẽ hạn chế tranh chấp, nếu có tranh chấp tổ chức tín dụng sẽ có lợi trong phán quyết của Toà án, nâng cao quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên