MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên phục vụ giới siêu giàu, một ngành từng tẻ nhạt bỗng bùng nổ, mở ra kho báu 100 nghìn tỷ USD

10-09-2023 - 10:04 AM | Tài chính quốc tế

Chuyên phục vụ giới siêu giàu, một ngành từng tẻ nhạt bỗng bùng nổ, mở ra kho báu 100 nghìn tỷ USD

Quản lý tài sản cho giới siêu giàu là mảng kinh doanh đặc biệt hấp dẫn chính bởi tốc độ phát triển chóng mặt.

Giới siêu giàu thuê rất nhiều người để giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Những người làm vườn chuyên nghiệp chăm sóc nhà cửa vườn tược, quản gia và giúp việc dọn dẹp nhà cửa, bảo mẫu gúp họ nuôi nấng con cái. Nhưng có lẽ quan trọng nhất chính là các chuyên gia quản lý tài sản, những người được thuê để bảo vệ khối tài sản khổng lồ của những người giàu có.

Các cố vấn tài chính như vậy có mặt ở khắp thế giới, từ Geneva đến New York, đóng vai trò là người ủy thác – tức họ sẽ hành động dựa trên lợi ích của khách hàng. Họ được tiết lộ những bí mật sâu thẳm của những người siêu giàu và nổi tiếng để có thể đưa ra lời khuyên hợp lý nhất. Họ cũng giúp các gia tộc phân phối dòng tiền đầu tư, chỉ ra đâu là nơi cất giữ tiền mặt an toàn nhất, giảm tối đa số thuế phải nộp hay lên kế hoạch nghỉ hưu, phân chia tài sản sau khi qua đời và vô số những yêu cầu khác.

Ngành tẻ nhạt bỗng dưng bùng nổ

Trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua, quản lý tài sản vẫn được coi là 1 ngách nhỏ bé và phần nào bị các mảng khác trong ngành tài chính coi thường. Thế nhưng giờ đây hoạt động này lại đang trở thành mảng hấp dẫn nhất của ngành. Các yêu cầu khắt khe về vốn và thanh khoản được đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2008 khiến các mảng cho vay hay tự doanh trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Trong khi đó ở mảng quản lý tài sản, yêu cầu về vốn gần như bằng 0. Còn mức lợi nhuận thặng dư mà các định chế đạt được sau khi đã có quy mô đủ lớn lên tới quanh 25%.

Các khách hàng thường rất trung thành, đồng nghĩa doanh thu không có nhiều biến động. Sự cạnh tranh khốc liệt đã triệt tiêu lợi nhuận trong những mảng từng sinh lời lớn như quỹ tương hỗ. Và mặc dù khối tài sản mà các ông lớn trong mảng quỹ chỉ số và quỹ ETF như BlackRock và Vanguard quản lý là những con số khổng lồ, trung bình mức phí quản lý rất thấp, khoảng 1% mỗi năm.

Quản lý tài sản cho giới siêu giàu là mảng kinh doanh đặc biệt hấp dẫn chính bởi tốc độ phát triển chóng mặt. 2 thập kỷ vừa qua, kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức ấn tượng hơn 3% mỗi năm. Nhưng từ năm 2000 đến 2020, ngành quản lý tài sản cho giới siêu giàu đã tăng trưởng từ mức 160 nghìn tỷ USD (tức gấp 4 lần GDP toàn cầu) lên 510 nghìn tỷ USD.

Mặc dù phần lớn gắn liền với bất động sản, tỷ trọng của các tài sản có tính thanh khoản cao vẫn khá lớn, khoảng 1/4 tổng số. Hãng tư vấn Bain ước tính tổng giá trị các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ tăng hơn gấp đôi, từ mức hơn 130 nghìn tỷ USD hiện nay lên gần 230 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tức tăng thêm 100.000 tỷ USD. Doanh thu của ngành quản lý tài sản trên toàn cầu sẽ tăng từ 225 tỷ lên 510 tỷ USD.

Động lực để đạt được con số này đến từ nhiều mặt: địa lý, dân số và công nghệ. Những cái tên lớn nhất trong ngành đang nỗ lực mở rộng hoạt động ở những thị trường mới, nắm bắt những khối tài sản mới đang được tạo ra ở châu Á và Mỹ Latinh. Ở Mỹ, baby-boomer là thế hệ cuối cùng có thể hoàn toàn dựa vào lương hưu, do đó sẽ ngày càng có nhiều người phải đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về tài sản của chính mình.

Bên cạnh đó, công nghệ phát triển mang đến cho các nhà quản lý tài sản những phần mềm giúp phục vụ được nhiều khách hàng hơn nhưng lại với chi phí thấp hơn. Các ngân hàng lớn thay vì chỉ phục vụ những khách hàng siêu giàu giờ đã mở rộng cả sang những khách hàng ít giàu có hơn, thay vì tỷ phú, triệu phú chuyển xuống cả những người có tài sản 100.000 USD trở lên.

Markus Habbel, chuyên gia của Bain, so sánh sự bùng nổ của ngành quản lý tài sản với sự bùng nổ của ngành xa xỉ. Những chiếc túi xách hàng hiệu từng chỉ dành cho rất ít người giờ đã xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội nhờ tầng lớp nhà giàu mới nổi. “Hãy nghĩ về Louis Vuitton hay Gucci. Họ có tệp khách hàng như vậy và đã tăng từ 40 triệu khách từ 40 năm trước lên 400 triệu ở thời điểm hiện tại”.

Ai sẽ được chia miếng bánh 100 nghìn tỷ USD?

Những ai sẽ giành được “phần thưởng” 100 nghìn tỷ USD? Hiện nay ngành quản lý tài sản khá phân mảnh. Những ngân hàng địa phương đang chiếm lĩnh thị trường nội địa, trong khi những ông lớn khu vực như Bank of Singapore và DBS thống trị châu Á. Tại Mỹ, làm chủ thị trường là những công ty chuyên biệt như Edward Jones.

Chỉ có rất ít công ty đủ khả năng cạnh tranh ở tầm cỡ toàn cầu, trong đó có Goldman Sachs và JPMorgan Chase. Tuy nhiên 2 công ty lớn nhất là Morgan Stanley và UBS. Sau khi đã thâu tóm nhiều công ty quản lý tài sản nhỏ trong suốt thập kỷ vừa qua, hiện Morgan Stanley đang quản lý khoảng 6.000 tỷ USD. Nhờ thâu tóm Credit Suisse, UBS có 5.500 tỷ USD.

Theo ông Habbel, ngành này đang đi theo hướng “người thắng cuộc sẽ có tất cả”. Quy mô, công nghệ và khả năng bao phủ toàn cầu là những điều quan trọng nhất. Jennifer Piepszak, 1 lãnh đạo của JPMorgan, cho biết sau khi việc thâu tóm First Republic giúp ích rất nhiều cho tham vọng mở rộng mảng quản lý tài sản của ngân hàng. Năm 2021 Vanguard thâu tóm “Just Invest”, công ty fintech chuyên về mảng này.

Trong khi đó Morgan Stanley chủ yếu đến thị trường Mỹ, tập trung cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng đại chúng. Năm 2020 ngân hàng đã mua lại nền tảng môi giới e*trade. CEO James Gorman cho biết ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 5% mỗi năm, trong 1 thập kỷ tới sẽ đạt 20.000 tỷ USD.

UBS thì sử dụng cách tiếp cận truyền thống hơn. Sau khi thâu tóm Credit Suisse, UBS đã có được cơ hội ngàn năm có một để củng cố vị thế dẫn đầu ở những thị trường mà Credit Suisse đang phát triển mạnh mẽ như Brazil và Đông Nam Á. Vụ M&A giúp UBS có được vị thế dẫn đầu ở gần như mọi cực của thế giới. Giờ đây ngân hàng sẽ tập trung bao phủ về mặt địa lý nhiều hơn là chỉ tập trung vào giới siêu giàu.

Khả năng cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tiếp cận với các quỹ hoặc tài sản tư nhân sẽ trở nên ngày càng quan trọng. Quy mô lớn đồng nghĩa với quyền lực đàm phán mạnh hơn. Những thế hệ trẻ ngày càng yêu cầu cao hơn về môi trường và trách nhiệm xã hội.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Xu hướng “winner-takes-all” sẽ được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo, bởi các công ty lớn hơn có nguồn ngân sách lớn hơn. Có 3 loại công cụ có thể ứng dụng AI. Thứ nhất, AI mang lại lợi thế về thông tin. Có thể ứng dụng AI trong quá trình biên soạn các báo cáo hay đưa ra các lời khuyên về phân bổ tài sản. Đây là cách dễ triển khai và gần như không có rủi ro về pháp lý.

Thứ hai là những công cụ được đào tạo dựa trên thông tin về khách hàng, thậm chí là từ những cuộc trò chuyện giữa các nhà tư vấn với khách. Công cụ sẽ tổng hợp thông tin và tạo ra 1 số hành động tự động cho nhà tư vấn, nhắc nhở họ gửi báo cáo chi tiết cho khách hàng hoặc phản ứng với một số vấn đề nhất định.

Loại công cụ thứ 3 phức tạp nhất: có thể tự động thực hiện 1 giao dịch khi được nhà tư vấn yêu cầu, giúp tiết kiệm thời gian.

Khi Willie Sutton, kẻ cướp ngân hàng có biệt danh Slick Willie, được hỏi lý do tại sao lại làm như vậy, ông ta đã trả lời rằng đơn giản vì “đó là nơi có tiền”. Đó cũng là câu trả lời chính xác giải thích cho chiến lược mà các công ty ở phố Wall đang theo đuổi để tận dụng cơ hội trị giá 100 nghìn tỷ USD mà ngành quản lý tài sản mang tới. Từng là mảng được cho là buồn ngủ, không ai đoái hoài, hiện tại đây lại chính là tương lai của ngành tài chính.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên