MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện thú vị ở "lễ mừng thọ 90 tuổi" của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng

“Bác Nguyễn Đình Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của đảng, của chuyển động xã hội, nhất là trong những bước ngoặt lớn của đất nước. Bác không chỉ là nhân chứng mà tham gia vào những chuyển động đó”, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 1.

Kể về kỷ niệm với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương nhân lễ ra mắt sách "Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông, đất nước" - do nhà báo Lê Thọ Bình làm chủ biên, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc đến 2 câu chuyện.

"Những chuyện này để nói về giá trị văn hoá của bác Hương, một người làm chính trị có tấm lòng dành cho văn nghệ sĩ", ông nói.

Chuyện thứ nhất là về giải thưởng Quốc gia năm 2006 cho 4 nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm gồm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Lúc này, ông Lê Doãn Hợp là Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giải thưởng.

"Sau khi công bố, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, có ý kiến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chị Vũ Thị Thanh – vợ anh Tố Hữu, nguyên là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương. Ban Bí thư cũng yêu cầu báo cáo", ông Hợp nhớ lại. "Rất nhiều người nói với tôi rằng nếu trao giải cho những văn nghệ sĩ này, tôi sẽ tự đốt lý lịch của mình. Mà người nhóm lửa là bác Nguyễn Đình Hương".

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 2.

Trước những ý kiến phản đối, đề nghị họp lại, ông Hợp quyết định xin ý kiến ông Nguyễn Đình Hương. Tất cả diễn ra ngược với những gì ông được nghe trước đó.

"Đến nhà bác Hương tôi rất cảm động. Đầu tiên là cử chỉ đón tiếp của bác. Thứ nữa là những lời bác nói với tôi", ông Hợp cho biết.

"Hợp làm đi, anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dư luận trong nước mà còn cho dư luận nước ngoài. Những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi".

"Sai thì đã xử rồi, bay giờ với hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn trừng thì nó không công minh cũng không công bằng. Và hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác", ông Hợp nhớ lại.

Những lời này khiến cho ông Hợp như mở cờ trong bụng. Sau đó, ông được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ án Nhân văn giai phẩm. Theo như những ghi chép trong hồ sơ, ông Hợp nhận thấy bị xử nặng nhất (án tù) là ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thuỵ An, những người còn lại bị treo bút 3 năm, được sáng tác nhưng không xuất bản, trong khi lúc trao giải Quốc gia đã qua 50 năm rồi.

Theo ông Hợp, trong số 4 văn nghệ sĩ thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm, chỉ còn mình nhà thơ Hoàng Cầm còn sống và đến nhận giải trên xe lăn. Vợ nhà thơ Trần Dần, sau buổi lễ, đã đặt 60 triệu tiền thưởng, bằng khen lên bàn thờ cố nhà thơ, thắp hương 3 tháng 10 ngày. Giải thưởng cũng tạo được dư luận xã hội rất tốt.

"Bác Hương đã giúp tôi gỡ một thế bí. Tôi nghĩ đó là tư duy của một nhà chính trị với anh em nghệ sĩ rất thông thoáng và nhân văn"

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 3.

Chuyện thứ hai được ông Hợp kể cũng liên quan đến án Nhân văn giai phẩm, nhưng là trường hợp cụ thể về ông Nguyễn Hữu Đang.

"Ông Đang bị giam ở Nam Định, việc thăm nom rất vất vả nên gia đình muốn xin cho ông về nhà tù Hoả Lò cho tiện săn sóc. Đơn gửi hết cho Bộ Nội vụ, Bộ Công an, dày cả tập, cứ kính chuyển vòng vèo mà không ai giải quyết. Cuối cùng họ tìm đến ông Nguyễn Đình Hương", ông Hợp cho biết và nhận xét rằng: "Họ tin vào ông Hương".

Sau khi nghe gia đình ông Đang trình bày, ông Hương ôm cả bộ hồ sơ dày đó lên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng không hỏi thêm câu nào đặt bút viết: "Tôi đồng ý chuyển ông Nguyễn Hữu Đang đang tù Nam Định về giam ở Hoả Lò để tiện cho gia đình chăm sóc". Đấy là điều mà gia đình ông Đang không bao giờ quên.

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 4.

Cách đối xử của ông Nguyễn Đình Hương với ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người bị nặng nhất trong án Nhân văn giai phẩm cũng là một kỷ niệm khó quên với ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

"Khi anh Tố Hữu còn sống, anh Hữu luôn nhắc đến bác Hương với tình cảm trân trọng, quý mến. Trước khi anh mất, anh dặn tôi rằng vấn đề công tác tổ chức liên quan đến hội nhà văn Việt Nam có điều gì cứ đến hỏi bác Hương. Bởi bác là cuốn từ điển sống về công tác tổ chức của Đảng, đồng thời là người rất quan tâm đến các sự kiện trong 60 năm qua của hội", ông Thỉnh kể.

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 5.

Nghe theo lời dặn của nhà thơ Tố Hữu, ông Hữu Thỉnh thường xuyên gặp ông Nguyễn Đình Hương để hỏi về những chuyện không dễ trả lời mà trường hợp của ông Nguyễn Hữu Đang được xem là rất gai góc.

Ông Đang là người đứng đầu vụ Nhân văn giai phẩm. Khi ra tù, trở lại đời sống bình thường, điều khó khăn đối với Hội nhà văn là phải cư xử như thế nào với ông Đang.

"Với tình cảm, sự hiểu biết và khoan dung với văn nghệ sĩ, bác Hương cho tôi rất nhiều chỉ dẫn. Được ý kiến của bác Hương, chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của anh Đang từ khi bị kỷ luật đến lúc bình thường. Đó là một món tiền cực lớn. Anh Đang cũng được phân nhà. Cách hành xử trọn vẹn nên đến lúc mất, anh Đang hoàn toàn không có một lời oán thán nào", ông Thỉnh nhớ lại.

Nói về ông Nguyễn Đình Hương, ông Thỉnh cho biết: "Bác Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của Đảng, trung tâm của chuyển động xã hội, đặc biệt là vào những bước ngoặt lớn của đất nước. Bác Hương không chỉ là nhân chứng mà tham gia cùng những chuyển động ấy.

Qua rất nhiều thời kỳ đại hội Đảng, cả lúc đương chức lẫn lúc về hưu, tiếng nói của bác Hương góp phần cho tư duy, trí tuệ của Đảng, cho nên chúng ta có bộ máy nhân sự rất tốt. Đó là yếu tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước, trong đó có vai trò, tiếng nói của bác Nguyễn Đình Hương.

Người ta tin vào trí tuệ, tiếng nói trung thực, vô tư, khách quan của nhà tổ chức Nguyễn Đình Hương. Cho nên nhắc đến bác là nhắc đến người cộng sản vô cùng mẫu mực. Tiếng nói của bác về vấn đề chống tham nhũng, xây dựng Đảng được dân tin, Đảng tin vì nó trung thực. Và làm được điều đó trong cuộc đời này khó vô cùng".

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 6.
Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 7.

Nhân vật chính của những tâm sự trên, ông Nguyễn Đình Hương, năm nay đã 90 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn thường xuyên trả lời phỏng vấn về các vấn đề gai góc của đất nước. Mỗi khi ông xuất hiện trên báo, thường thì đó là vào những sự kiện hệ trọng như chỉnh đốn Đảng, xử lý một nhân vật nào đó liên quan đến tham nhũng. Nhưng lần hiện diện này, ông xúc động nói cho biết "coi buổi ra mắt sách là lễ mừng thọ của mình". Đây cũng là lễ mừng thọ đầu tiên của ông, bởi ông chưa bao giờ tổ chức.

Ông cũng nói rằng trong 55 năm làm công tác tổ chức, ông được thừa nhận là ngay thẳng, mang tính cách của dân đồ Nghệ. Bởi vậy, ông nhận được sự tin tưởng rất lớn từ những người đứng đầu đất nước.

Nói về câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Đang, người được cả ông Lê Doãn Hợp và Hữu Thỉnh nhiều lần nhắc đến, ông Nguyễn Đình Hương nói thật rằng lúc đó ông đã rất liều.

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 8.

"Tôi thấy không thể vứt bỏ một trí thức như thế nên tôi đã nhận trước ông Đỗ Mười, ông phạm Văn Đồng để đưa Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội. Và các ông ấy đã đồng ý", ông nói.

Trong cuộc đời làm công tác tổ chức của ông, ông nói rằng đã gặp nhiều trường hợp như thế mà mỗi người là mỗi câu chuyện, cách xử lý khác nhau.

Ông Hương cũng nói rằng ông được mệnh danh bởi 3 điều. Ông Võ Văn Kiệt gọi ông là "kiến trúc sư" bởi ông lo về công tác cán bộ nhân sự. Ông Đỗ Mười thì đặt biệt danh cho ông là quyển từ điển, nắm hết mọi vấn đề của Đảng.

Với Tố Hữu, ông cho biết "Ông Tố Hữu bảo cậu là điếu to, điếu cày, cái điếu cậu là thổi ác lắm. Thứ hai, cậu là bồ của tôi. Một tuần mà không đến gặp là nhớ, nên gọi là bồ".

Chuyện thú vị ở lễ mừng thọ 90 tuổi của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Đảng - Ảnh 9.
Nam Dương
Nguyễn Nguyễn
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ20/10/2019

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên