MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà "một xu cũng không giảm"

16-07-2021 - 08:50 AM | Thị trường

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà "một xu cũng không giảm"

Nhiều hộ kinh doanh, cá nhân đi thuê mặt bằng được chủ nhà chủ động giảm tiền nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có một số chủ nhà không đồng ý hỗ trợ tiền thuê mặt bằng khiến các hộ kinh doanh lao đao giữa đại dịch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân rơi vào khó khăn, doanh thu tụt giảm. Tuy nhiên, họ vẫn phải duy trì rất nhiều chi phí, trong đó, nặng gánh nhất là phí thuê mặt bằng. Trong bối cảnh đó, không ít chủ nhà chia sẻ bằng cách miễn, giảm phí thuê. Nhưng cũng không ít chủ nhà vì lý do khách quan cũng không thể giảm giá, khiến các hộ kinh doanh đã khó khăn lại càng lao đao giữa mùa dịch.

"Tiền nhà giảm được đồng nào hay đồng ấy..."

Chị K.T (30 tuổi) hiện đang thuê 2 căn ở quận 10, TP.HCM, trong đó có 1 chung cư để ở và 1 nhà mặt đất để kinh doanh quần áo. Do tình hình dịch bệnh khó khăn, khi chị đề xuất với chủ nhà về việc giảm tiền nhà, chị chủ nhà đã đồng ý giảm 50%. Còn căn chung cư để ở, chị chủ nhà chỉ bớt được 10%.

"Mình chủ yếu kinh doanh online nên tiền mặt bằng và duy trì không tốn nhiều. Tuy nhiên dịch làm ảnh hưởng sức mua doanh số giảm mạnh, nguyên phụ liệu sản xuất khan hiếm, ngoài ra còn chi phí duy trì đội ngũ nhân viên nên rất cần sự cảm thông và hỗ trợ của chủ nhà.

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 1.

Chị K.T được chủ nhà đồng ý giảm giá 50% tiền thuê nhà

Tuy nhiên giờ mùa dịch ai cũng khó khăn, nên quan điểm của chị là nếu chủ nhà hỗ trợ giảm thì mình biết ơn, còn nếu người ta cũng gặp khó khăn như mình thì 2 bên cùng san sẻ. Vì một số chủ nhà cũng vay ngân hàng để mua bất động sản", chị K.T chia sẻ.

Cũng là 1 trong những người may mắn khi nhận được sự chia sẻ của chủ nhà, anh Nguyễn Hà Duy (28 tuổi), Giám đốc công ty hoạt động về giáo dục, chuyên đào tạo giọng nói và kỹ năng giao tiếp chia sẻ, hiện tại công ty anh đang thuê mặt bằng ở Đội Cấn, Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh nên phải chuyển qua dạy online. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng nên số lượng học viên chỉ bằng 1/2 lớp trực tiếp khiến doanh thu giảm mạnh.

Tiền thuê mặt bằng hiện tại của công ty anh Duy đóng 6 tháng một lần, mỗi tháng 26 triệu đồng. Mới đây, khi gần đến ngày đóng tiền nhà, chủ nhà đã chủ động nhắn tin để hỗ trợ giảm giá tiền nhà.

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 2.

Anh Duy được chủ nhà giảm giá 16 triệu tiền thuê mặt bằng trong 6 tháng

"Đây là chủ nhà tự đề xuất, mình chưa xin gì luôn. Thực ra nếu chủ nhà không nói thì mình cũng định xin hỗ trợ. Vì dịch doanh thu giảm mạnh mà vẫn phải hoạt động để trả lương cho nhân viên. Hè này tiền điện còn tăng mạnh, bởi vậy, tiền nhà giảm được đồng nào hay đồng ấy....", anh Duy cho biết.

Cũng được hỗ trợ trong dịch Covid-19, anh Kiên Trần (30 tuổi, ở Hà Nội) cho biết mình có 2 cửa hàng kinh doanh thời trang ở khu vực ngõ Bà Triệu và khu vực Chân Cầm (gần khu Nhà thờ Lớn). Tình hình dịch bệnh khiến doanh thu của cửa hàng sụt giảm nghiêm trọng.

"Trước đây, khách hàng mua sắm trực tiếp tại shop được 10 phần giờ chỉ còn khoảng 2-3 phần, thậm chí trong những ngày Hà Nội giãn cách và các hàng quán không được mở lượng khách chỉ còn được 10% so với trước đây", anh Kiên chia sẻ.

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 3.
Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 4.
Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 5.

Cửa hàng ở anh Kiên ở khu vực Bà Triệu (Hà Nội)

Vì khó khăn ập đến, anh đã đề xuất với chủ nhà xin giảm tiền thuê mặt bằng để có thể xoay xở các chi phí khác và đã được chủ nhà đồng ý.

"Chủ nhà của mình rất tử tế. Năm đầu tiên có dịch Covid-19 thì anh được giảm cho 50% trong 1 tháng, sang năm thứ 2 dịch Covid-19 nhẽ ra phải tăng giá nhưng chủ nhà họ hoãn cho, nên tương đương giảm 15%. Nhiều nơi có khi chủ nhà họ không giảm đâu, không làm được thì ra cho người khác vào", anh Kiên cho biết.

"Họ đồng ý giảm thì tốt chứ họ không đồng ý mình cũng không làm được gì"

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, cũng có những chủ nhà không đồng ý giảm giá nhà cho khách thuê. Chị Hà Uyên, kinh doanh lĩnh vực trang trí nhà cửa ở khu Tân Định, quận 1, TP.HCM cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 6.

Cửa hàng của chị Hà Uyên ở khu Tân Định, quận 1, TP.HCM

Khi toàn thành phố thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16, chị phải đóng cửa hàng và chỉ có thể kinh doanh online nhưng doanh thu rất ít, không đủ để cầm cự tiền nhà. Dù đã liên lạc với chủ nhà xin hỗ trợ nhưng phía chủ nhà từ chối.

"Tình hình là từ khi bắt đầu có dịch tới nay chủ nhà vẫn chưa 1 lần bớt tiền nhà. Sau Tết, tiền nhà tiếp tục tăng lên 15% nữa. Lần này dịch nặng mình có xin phép bớt chút tiền nhà chứ thực sự khó khăn quá nhưng chủ nhà từ chối", chị Uyên chia sẻ.

Anh Thành Đạt (30 tuổi) thuê một cửa hàng, bán đồ ăn trong ngõ Lê Đại Hành, Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cửa hàng phải đóng cửa, chỉ cho bán mang về, khiến doanh thu giảm mạnh.

Khi anh Đạt có đề cập về chuyện giảm giá cho thuê thì chủ nhà không đồng ý. Nhưng vì quen khách, quen mặt bằng ở đây nên anh vẫn phải cố cầm cự.

"Mặc dù mình cũng đã đề cập với chủ nhà nhưng họ nói đó là khó khăn chung, họ cũng phải chịu khó khăn đó nên họ không giảm. Mình nghe cũng thấy chẳng hợp lý tí gì nhưng vì quen khách, quen mặt bằng ở đấy, chẳng nhẽ lại bỏ đi?

Mình cũng bức xúc nhưng nghĩ phải đi thuê mặt bằng, người ta là chủ nhà. Họ đồng ý giảm thì tốt chứ họ không đồng ý mình cũng không làm được gì", anh Đạt cho biết.

Chuyện thuê nhà giữa đại dịch Covid-19: Người may mắn được hỗ trợ, người lao đao vì chủ nhà một xu cũng không giảm - Ảnh 7.

Rất nhiều số điện thoại cho thuê nhà được dán chi chít phía trước mặt bằng ở trung tâm TP.HCM

Cũng chung tình trạng với anh Đạt, chị D. (28 tuổi) kinh doanh quần áo ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng không được chủ nhà hỗ trợ gì trong thời gian dịch bệnh kéo dài.

"Bây giờ thuê quán làm ăn thì mình phải chịu thôi. Chủ nhà không hỗ trợ gì thì mình phải cố đóng. Nhiều cửa hàng gần đây còn phải đóng cửa vì không kinh doanh được, không đủ tiền để trả tiền thuê nhà", chị D. tâm sự.

"Mỗi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau một chút để cùng vượt qua dịch bệnh"

Cô Yến (62 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là người có dãy nhà trọ cho thuê ở khu vực Quan Hoa, Cầu Giấy. Trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, cô chủ động giảm tiền nhà cho mỗi phòng trọ.

"Năm ngoái, tôi cũng giảm mấy tháng tiền nhà cho người thuê do dịch Covid-19. Năm nay, tôi cũng tiếp tục hỗ trợ giảm một chút. Ở đây đa phần là sinh viên và người lao động cũng khó khăn do dịch bệnh. Mình không giảm được nhiều thì cũng giảm một chút. Dịch bệnh thế này, mỗi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau một chút để cùng vượt qua dịch bệnh", cô Yến chia sẻ.

Chị Lan Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một cửa hàng cho thuê bán quần áo. Vì tình hình dịch khó khăn nên chị đã quyết định giảm 30% tiền nhà cho khách thuê.

"Dịch bệnh ai cũng gặp khó khăn, công việc của mình cũng bị ảnh hưởng. Nhưng mà bạn thuê nhà để buôn bán còn càng khó hơn. Khi bạn ý muốn xin giảm tiền nhà, mình cũng đồng ý luôn", chị Lan Anh cho biết.

Tuy nhiên, cũng có một số chủ nhà không thể cho giảm tiền nhà cho khách thuê vì những lý do cá nhân. Anh Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) vì thuê lại nhà, xong cho khách thuê lại, bản thân cũng đang phải trả lãi ngân hàng nên không thể giảm được tiền nhà. Thế nhưng anh vẫn cố gắng hỗ trợ khách thuê bằng cách giãn thời gian trả tiền thuê để họ có đủ thời gian xoay sở.

Dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nguy hiểm. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không tránh khỏi cảnh lao đao nhưng vẫn phải cố gắng cầm cự. Trong bối cảnh như vậy, dù ít, dù nhiều, mỗi người hãy cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau một chút để san sẻ bớt khó khăn, vượt qua đại dịch.

Theo Thanh Thanh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên