MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tiết kiệm của gia đình trẻ: Mua món đồ trên 1 triệu đồng cần vợ chồng cùng thống nhất

19-07-2023 - 14:10 PM | Lifestyle

Sau khi cưới, vợ chồng trẻ đã thay đổi nhiều nguyên tắc chi tiêu để đảm bảo sự ổn định lâu dài về tài chính.

Bí quyết tiết kiệm của vợ chồng

Khi mới kết hôn, vợ chồng Linh Vũ (30 tuổi, Hà Nội) đã thống nhất thắt chặt chi tiêu để đầu tư cho tương lai. Được biết, tổng thu nhập hàng tháng của gia đình là khoảng 25 triệu đồng. Trong số đó, cả hai dành khoảng 16-17 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt.

Chuyện tiết kiệm của gia đình trẻ: Mua món đồ trên 1 triệu đồng cần vợ chồng cùng thống nhất - Ảnh 1.

Bảng chi tiêu hàng tháng của gia đình Linh Vũ

Linh Vũ cho hay, dù đã cố gắng bỏ một khoản tiết kiệm song gia đình cô hiện không để dành được quá nhiều tiền. Bởi con còn nhỏ nên rất dễ nảy ra chi phí phát sinh đột xuất cho bé như tiền thuốc thang lúc ốm hay tiêm vaccine.

Trong quản lý tài chính, vợ chồng Linh Vũ cố gắng tiết kiệm bằng cách tự nấu nướng và hạn chế ăn hàng. Bên cạnh đó, cô nàng thường mua trang phục nội địa có chất lượng bền, nhiều màu sắc và giá thành không quá đắt. Còn với đồ gia dụng, vợ chồng Linh Vũ đặt tiêu chí mặt hàng phải có thương hiệu để đảm bảo chất lượng và giá thành.

Linh Vũ cũng nói thêm, để tránh "cạm bẫy" tiêu dùng từ các chính sách giảm giá của nhãn hàng, cô nàng sẽ lên danh sách sản phẩm cần mua mỗi khi có đợt sale về. Đợi đến ngày hội giảm giá, cô nàng sẽ chọn lọc bớt đồ trong giỏ hàng. Điều này vừa giúp cô thuận lợi sắm hàng giá tốt, mà không lo "vung tiền" mua sắm bữa bãi. Ngoài ra, khi mua những đồ cá nhân nếu trên 1 triệu đồng cần sự thống nhất của 2 vợ chồng mới chi tiêu.

Chuyện tiết kiệm của gia đình trẻ: Mua món đồ trên 1 triệu đồng cần vợ chồng cùng thống nhất - Ảnh 2.

Vợ chồng Linh Vũ

Cùng quan điểm gia đình cần tiết kiệm sau kết hôn, vợ chồng Nguyễn Yến (27 tuổi, Hà Nội) cho biết luôn cố gắng tuân thủ quy tắc quản lý tài chính đã thống nhất từ đầu. Bởi nếu vợ chồng không tuân thủ nguyên tắc một tháng, mọi kế hoạch có thể trượt khỏi đường ray.

Được biết, sau khi nhận lượng, vợ chồng Nguyễn Yến sẽ trích ít nhất 50% thu nhập để chuyển khoản thẳng vào tài khoản tiết kiệm. Đây là khoản tiền quan trọng nên luôn được vợ chồng cô lấy ra đầu tiên từ tiền lương.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng tháng, họ cố gắng chi tiêu chắt bóp vì cả hai quan niệm "chưa giàu thì đừng lãng phí".

Nguyễn Yến chia sẻ: "Tụi mình còn khá trẻ nhưng lại hợp nhau ở khoản không thích những nhu cầu vật chất bên ngoài thân. Cả 2 đều không thích ăn cơm tiệm mà thích sự ấm cúng của cơm nhà. Vậy nên mình đều cố gắng duy trì những bữa cơm gia đình nhiều nhất có thể. Phong cách sống của tụi mình đều hướng đến là sự tối giản, kể cả trong suy nghĩ và hành động.

Vậy nên, những bộ quần áo, trang phục, phụ kiện là khoản ít tốn kém nhất. Vợ chồng mình đều nói không với đồ hiệu, mua sắm tiền triệu trở lên là phải cân nhắc.

Thứ vợ chồng mình mua nhiều nhất có lẽ là thiết bị phục vụ công việc. Vì tính chất công việc nên khoản này khá tốn kém. Tuy vậy, đó cũng là 'cần câu cơm' cần được chăm chút kỹ nên vợ chồng mình đầu tư không tiếc".

Chuyện tiết kiệm của gia đình trẻ: Mua món đồ trên 1 triệu đồng cần vợ chồng cùng thống nhất - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tiết kiệm chi tiêu không phải là tất cả

Nói về quan niệm chi tiêu, Linh Vũ nhấn mạnh dẫu biết tiết kiệm là quan trọng nhưng khoản nào cần thì vẫn phải chi. Ngoài ra, không chỉ hạn chế chi tiêu, vợ chồng cô còn cố gắng tạo ra nhiều nguồn thu nhập chủ động để đầu tư lâu dài cho tương lai. Ngoài ra, họ còn dành ít tiền trong tài khoản tích luỹ để đầu tư, tránh tình trạng tiền bị mất giá.

"Mình cố gắng kiếm thêm từ nghề tay trái chẳng hạn như trang điểm. Gia đình mình cũng lập kênh cá nhân riêng, mỗi tháng có chút tiền hoa hồng, không nhiều nhưng cũng đủ ăn sáng", Linh Vũ tâm sự.

Đồng tình với ý kiến của Linh Vũ, Nguyễn Yến cho hay dự định tương lai của vợ chồng luôn cố gắng để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, cặp đôi còn tận dụng quỹ tiết kiệm để đầu tư bất động sản, từ đó có "tiền đẻ ra tiền". Nhờ việc chăm chỉ tích luỹ từ khi mới đi làm, đến hiện tại Nguyễn Yến đã sở hữu 2 mảnh đất làm của để dành và một ít vàng.

Chia sẻ về cách dùng tiền tiết kiệm để mua tài sản, của cải để dành, chồng Nguyễn Yến nói: "Phần lớn số tiền đầu tư được mình quản lý. Vợ mình tin tưởng và giao trách nhiệm hoàn toàn. Mình sẽ đề xuất những khoản đầu tư có khả năng sinh lợi tốt, cùng vợ thảo luận và đi đến kết quả cuối cùng".

Theo Vân Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên