Chuyển từ phân phối sang sản xuất: Doanh nghiệp ô tô trong nước "chạy ngược dòng" mong xuất khẩu vào ASEAN
Không chỉ lắp ráp nhằm thay thế các sản phẩm từ Ấn Độ, doanh nghiệp trong nước còn mong muốn xuất khẩu xe hơi sang các nước trong khối ASEAN. Trong khi đó, các hãng ô tô nước ngoài lại chuyển từ sản xuất sang phân phối.
- 25-07-2017Xe Ấn Độ giá trung bình 84 triệu đồng: Chưa phát hiện dấu hiệu khai gian giá
- 12-06-2017Ô tô nhập khẩu Ấn Độ sắp "hết thời" tại Việt Nam?
Có tới 50.000 xe Hyundai i10 được bán ra trong khoảng thời gian 2014-2016 và không khó để nhìn thấy một chiếc loại này trên phố. Số lượng ô tô i10 bán ra mới được Hyundai Thành Công đưa ra đã khiến thị trường xe hơi trong nước bất ngờ. Không phải Toyota Vios, mà Hyundai i10 mới đứng đầu Việt Nam về doanh số bán ra.
Lượng bán kỷ lục ấy cũng đi kèm với số ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cả nước đã nhập hơn 18.000 chiếc i10 trong năm 2016. Mẫu xe i10 cũng chiếm số lượng áp đảo trong gần 4.798 ô tô Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam quý I/2017.
Anh Nhật, nhân viên kinh doanh showroom Hyundai Lê Văn Lương cho biết doanh số tiêu thụ hàng tháng của mẫu xe Grand i10 rất tốt. Nhiều năm liền, phiên bản “i10 basic” nhập khẩu từ Ấn Độ được khách ưa chuộng. Thậm chí, tại nhiều thời điểm, rất hiếm đại lý còn xe để bán. “Lượng tiêu thụ i10 basic chiếm 40% doanh số cửa hàng. Đối tượng mua xe chủ yếu là các anh em chạy taxi, Uber và Grab” - anh Nhật, nhân viên kinh doanh showroom Hyundai Lê Văn Lương (Hà Nội) nói.
Tuy nhiên, trong tháng 6/2017 lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ Ấn Độ đã giảm mạnh so với đầu năm. Cụ thể, trong tháng 6 chỉ có 100 chiếc xe được nhập về, giảm 30 lần so với cách đây 3 tháng (3.074 xe). Xét về giá trị, mỗi chiếc xe nhập khẩu từ Ấn Độ có giá trung bình là 7.780 USD (~179 triệu đồng), đắt hơn 2 lần so với hồi đầu năm (84 triệu đồng/ chiếc).
Ở Ấn Độ, mẫu xe chủ lực được nhập khẩu vào Việt Nam hiện đã bị ngừng sản xuất. Thời báo Ấn Độ (Times of India) cho hay, Hyundai Motor Ấn Độ đã loại bỏ Grand i10 khỏi danh mục sản xuất. Thay vào đó, công ty này đang chuyển trọng tâm sang các sản phẩm khác và sẽ giới thiệu 8 mẫu ô tô trong giai đoạn 2017-2020.
Thay thế cho những xe bị ngưng sản xuất tại Ấn Độ, nhà phân phối Hyundai Thành Công đã chuyển sang bán các sản phẩm được lắp ráp trong nước. Theo đó, việc lắp ráp mẫu xe Grand i10 sẽ là bước đi đầu tiên trong chiến lược chuyển từ phân phối sang lắp ráp và xuất khẩu sang các nước trong ASEAN. Đây là một câu chuyện ngược hoàn toàn với các hãng ô tô nước ngoài như Toyota (chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối).
Thực tế, cơ hội xuất khẩu ôtô từ Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN là có thật. Con đường sẽ thêm rộng mở khi thuế suất nhập khẩu sẽ về 0% vào năm 2018. Điều kiện tiên quyết để xe hơi Việt có thể lăn bánh tại các nước nội khối ASEAN là tỷ lệ nội địa hóa phải đạt từ 40% trở lên.
Với khoản đầu tư lớn cho dây chuyền dập chi tiết thân vỏ xe từ thép tấm, sản xuất một số linh kiện khác, dưới sự chuyển giao công nghệ của Hyundai Hàn Quốc, Hyundai Thành Công kỳ vọng nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% đối với mẫu i10 mới được lắp ráp vào năm 2020. Trong tương lai, hãng này đặt kỳ vọng lắp ráp được 90% số sẽ Hyundai được phân phối tại Việt Nam.