MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về Khổng Tử và bài học nghìn năm không đổi về chữ "lễ" trong đối nhân xử thế

05-08-2020 - 20:00 PM | Sống

Khổng Tử đưa ra một quan điểm, rằng mối quan hệ tốt lên nhờ những khoảnh khắc nho nhỏ, lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Khổng Tử, sống từ năm 551 đến năm 479 trước Công Nguyên, là triết gia lớn đầu tiên trong truyền thống Trung Quốc. Những quan niệm về đối nhân xử thế của Khổng Tử, dù hàng nghìn năm trước, vẫn liên quan mật thiết tới cuộc sống hiện đại.

Chuyện xưa kể rằng, khi một người mù tới nhà thăm Khổng Tử, lúc người đó bước đến bậc thềm, Khổng Tử bảo: "Đây là thềm", người đó bước tới chiếu, ông bảo: "Đây là chiếu". Khi người đó ngồi, ông bảo: "ông mỗ ngồi đây", "ông mỗ ngồi kia"… Khi thấy người mặc đồ tang, dù người đó nhỏ tuổi hơn mình, Khổng Tử cũng kính cẩn đứng dậy. Còn mỗi lúc bước qua cửa lớn của triều đình, ông luôn lom khom như thể cửa thấp quá.

Chữ "lễ" quyền năng trong đối nhân xử thế

"Luận ngữ" là tác phẩm tập hợp những đối thoại và chuyện kể do các đồ đệ của Khổng Tử biên soạn sau khi ông qua đời. Trong đó, có rất nhiều chi tiết cụ thể, vụn vặt về những gì Khổng Tử đã làm và nói. Chúng ta có thể biết khi bước vào một căn phòng, ông nói chuyện với những người khác nhau như thế nào. Chúng ta có thể tường tận Khổng Tử hành xử ra sao trong bữa tối. Vì sao những khoảnh khắc đời thường quan trọng đến vậy? 

Theo nghĩa của Khổng giáo, lễ nghi có khả năng biến đổi vì "trong một vài khoảnh khắc chúng cho phép chúng ta trở thành người khác". "Lễ nghi, nếu được thực hiện tốt, sẽ đưa chúng ta ra khỏi thế giới rắc rối của các mối quan hệ con người và tạo ra một không gian mới, không gian lễ nghi, trong đó các mối quan hệ lý tưởng có thể được tôi luyện", PMichael Puett - giảng viên lịch sử Trung Hoa tại Harvard - giải thích. 

Cũng trong cuốn sách "Minh đạo nhân sinh", Michael Puett dẫn ví dụ về một lễ nghi truyền thống nhất: Thờ cúng tổ tiên. Trong mỗi lần thờ cúng, khi anh em trong gia đình và họ hàng sum họp, cùng tưởng nhớ người quá cố, họ đang ở trong một thế giới "như thể" của tình yêu thương và sự hoà thuận. Trong thế giới "như thể" rất trật tự và hoàn hảo này, người sống cư xử như thể họ là những hậu duệ chân chính của các bậc tổ tiên. Mỗi thành viên trong gia đình cư xử như thể không có gì bất hoà xảy ra.

"Sự hoà thuận mong manh có thể sụp đổ tan thành một khi họ rời nơi thờ cúng. Nhưng dần dần, khi thực hiện các lễ nghi hết lần này đến lần khác và tái tạo những kết nối lành mạnh, thì sự cải thiện trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ dần được thể hiện trong cuộc sống thường ngày", Puett giải thích.  

Chuyện về Khổng Tử và bài học nghìn năm không đổi về chữ lễ trong đối nhân xử thế - Ảnh 1.

"Minh đạo nhân sinh" hệ thống hoá những triết lý các nhà tư tưởng phương Đông cổ đại trong mối liên hệ với cuộc sống con người ở thế kỷ 21. Ra mắt vào năm 2016, cuốn sách lọt vào danh sách bán chạy nhất của The New York Times và Sunday Times.

Tương tự, chúng ta thường cho rằng một tin nhắn hỏi thăm, một lời động viên, buổi hẹn cà phê, hay bữa ăn tối cùng nhau… là rườm rà, hình thức, thậm chí giả tạo. Nhưng sự thật, những sự kiện "như thể" này "có thể dẫn đến sự dịch chuyển rất lớn". 

Ngay khi chúng ta không nhận thức được ý nghĩa, những hành vi nhỏ nhỏ này vẫn tạo nên một ảnh hưởng tích cực nào đó.

Mối quan hệ không tốt lên nhờ những sự kiện hoành tráng và kịch tính

Về Khổng Tử, Puett cho rằng quan niệm của vị hiền giả này có thể "đảo ngược mọi hiểu biết của chúng ta về việc hiểu chính mình và hoà thuận với người khác".

Trong một thời đại nơi sự bận rộn trở nên hiển nhiên, những "lễ nghi" thường ít nhiều bị bỏ quên, ta tin rằng mình cần phải cư xử thực tế hơn. Nhưng khi hiểu vai trò của lễ nghi bên cạnh cái mác "hình thức", "giả tạo" của chúng, ta sẽ phải suy nghĩ lại.

"Thực tế là con người trong các mối quan hệ mật thiết lại luôn dựng nên những thực tại mới bằng những lời nói dối trắng trợn: Em là tuyệt nhất, Không có gì đáng lo đâu", Puett nói. 

Một trong những lời nói dối phổ biến nhất trong số này là: "Anh yêu em" hay "em yêu anh". Các cặp đôi có thói quen nói câu này chắc hẳn không cảm thấy yêu người kia trọn vẹn từng giây mỗi ngày. Họ gần như chắc chắn có nhiều cảm giác phức tạp với chồng/vợ/người yêu của mình lúc này lúc khác. 

Nhưng khi nuôi dưỡng mối quan hệ thông qua những lễ nghi như vậy, người ta thoát khỏi thực tại và bước vào một không gian nơi mà họ như thể thật sự yêu nhau trọn vẹn. Tại thời điểm họ thể hiện tình yêu của mình theo một cách thức đóng vai "như thể", họ thực sự trở nên yêu nhau hơn.

Hãy lấy một ví dụ khác: Những đứa trẻ đang chơi trò làm cảnh sát. Một đứa nhỏ giả vờ làm viên cảnh sát bảo vệ một cửa hàng trước băng cướp. Bọn trẻ hoàn toàn nhận thức được đây là giả vờ, nhưng trò chơi cho phép chúng bước ra khỏi cuộc sống thực và mài giũa những phẩm chất của chúng: Học được cách kiềm chế nỗi sợ hãi và lo lắng, đóng vai một người cứu nguy và giúp đỡ người khác.

Hoặc như Khổng Tử, ông không khăng khăng trải chiếc chiếu của mình ngay ngắn chỉ vì ông thích mọi thứ trông gọn gàng. Bởi ông hiểu rằng những hành động trông tưởng chừng nhỏ nhặt như sắp xếp chỗ cho mọi người ngồi cùng mình sẽ tạo ra một môi trường khác biệt có tác động chuyển biến mối quan hệ.

Tương tự, trong bữa ăn tối hiện đại của gia đình bạn, khi bàn ăn và chén dĩa được bày biện, thức ăn nóng hổi được đặt trên bàn, ngay cả nếu ngày hôm đó thật căng thẳng, nhiều xung đột đã xảy ra, nghi lễ bàn ăn tối đánh dấu một quãng xã hơi cho phép mọi người chuyển sang một chế độ khác.

Cho nên, lần tiếp theo bạn muốn tặc lưỡi bỏ qua bữa ăn tối cùng bố mẹ, buổi hẹn cà phê với người bạn lâu ngày không gặp hay chào hỏi người mới trong công ty, hãy suy nghĩ lại. 

Hãy nhớ rằng mối quan hệ không tốt lên nhờ những sự kiện hoành tráng và kịch tính, mà vào những khoảnh khắc nho nhỏ đó. Khi chối từ những hoạt động tưởng chừng bình thường, nhỏ nhặt và "giả tạo" đó, có thể bạn đã bỏ qua cơ hội trở thành một người con có hiếu hơn, một người bạn tốt hơn, một người đồng nghiệp gắn bó hơn.

Nguyên Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên