MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển việc, đổi thẻ nhận lương rồi một ngày ngỡ ngàng phát hiện mình bị phạt tanh bành vì thẻ ngân hàng “vứt xó”

19-03-2024 - 21:04 PM | Sống

Chuyển việc, đổi thẻ nhận lương rồi một ngày ngỡ ngàng phát hiện mình bị phạt tanh bành vì thẻ ngân hàng “vứt xó”

Nhiều người cảm thấy hoang mang khi bỗng dưng phát hiện mình mang nợ từ tài khoản ngân hàng hay thẻ ATM đã lâu không còn sử dụng.

Hoang mang khi biết tài khoản ngân hàng không còn sử dụng vẫn bị phạt tiền

Những ngày gần đây, vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng bị ngân hàng đòi 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đã gây xôn xao mạng xã hội. Trước thông tin này, nhiều người cho hay không chỉ kiểm tra lại thẻ tín dụng mà còn là tài khoản ngân hàng và thẻ ATM không còn sử dụng.

Hiện nay, nhiều người dùng thẻ ATM nhưng không phát sinh giao dịch và nghĩ nếu không sử dụng, thẻ sẽ tự hủy. Cho đến khi liên hệ với ngân hàng, họ mới hoang mang vì nhận thông báo phải trả phí duy trì hoạt động của tài khoản ngân hàng.

Nguyễn Trần Duy Phương (một chuyên viên CNTT ở TP.HCM) đã phải trả 2,2 triệu đồng sau khi kiểm tra lại 5 tài khoản ngân hàng đã lâu không còn dùng đến. Khoản nợ này đến từ phí duy trì thẻ thường niên và phí quản lý tài khoản do anh chưa đóng tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, anh cho biết trong số đó, có 3 tài khoản ngân hàng anh không cần đóng phí nợ do ngân hàng chủ động khóa tài khoản hoặc tại thời điểm mở tài khoản, anh được hưởng chính sách miễn phí thường niên. Còn lại, một tài khoản ngân hàng anh phải đóng khoảng 600 ngàn đồng vì phí thường niên từ năm 2012 tới nay. Một tài khoản ngân hàng anh phải đóng lên tới 1,6 triệu đồng vì phí duy trì tài khoản (khoảng 11 ngàn đồng/tháng) từ năm 2015 tới nay.

Chuyển việc, đổi thẻ nhận lương rồi một ngày ngỡ ngàng phát hiện mình bị phạt tanh bành vì thẻ ngân hàng “vứt xó”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tương tự, Thu Hằng (Thanh Hóa) cho hay đã mở một tài khoản ngân hàng do công ty yêu cầu để nhận lương cách đây 12 năm. Thu Hằng chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng dưới 1 năm, sau đó tuy không có nhu cầu sử dụng nhưng cũng quên đóng tài khoản. Mới đây, cô đi kiểm tra lại và phát hiện cần nộp hơn 2 triệu đồng vì các loại chi phí để duy trì hoạt động của thẻ.

Nói về câu chuyện này, nhiều dân văn phòng cảm thấy lo lắng vì khi đi làm, họ đã mở nhiều thẻ ATM và tài khoản ngân hàng để nhận lương ở công ty. Sau mỗi lần nhảy việc, họ lại mở 1 thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng mới.

Đức Duy (29 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Mình có vài cái thẻ ATM và tài khoản ngân hàng không xài đến từ lâu lắm rồi, vì mỗi lần đổi công ty là một lần đổi thẻ. Và giờ mình không còn nhớ đã mở tài khoản hay dùng thẻ ATM của ngân hàng nào.

Nếu ngân hàng không chủ động đóng tài khoản và đang tính phí duy trì như này thì ‘tiêu’ rồi. Bởi mình không thấy ngân hàng chủ động gọi điện kêu trả nợ hoặc đóng thẻ suốt nhiều năm nên nảy sinh tâm lý chủ quan”.

Đồng tình với Đức Duy, Nguyễn Lan (25 tuổi, Hà Nội) cho rằng không phải ai cũng hiểu rõ được nếu không đóng thẻ ATM hay tài khoản ngân hàng thì vẫn phải nộp phí dù không còn phát sinh giao dịch. Trong khi đó, không phải ngân hàng cũng chủ động báo lại thông tin về phí phạt với khách hàng.

Chuyển việc, đổi thẻ nhận lương rồi một ngày ngỡ ngàng phát hiện mình bị phạt tanh bành vì thẻ ngân hàng “vứt xó”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Mình thấy đi làm việc ở đâu cũng bắt mở thẻ ATM và tài khoản ngân hàng để thanh toán. Thậm chí ở trường Đại học cũ của mình, nhiều sinh viên cũng được nhà trường tự phát cho một tài khoản ngân hàng với lý do ‘giúp em đóng học phí’. Thế nhưng, thực tế là nhiều bạn còn không bao giờ đụng đến tài khoản ngân hàng này.

Chi phí quản lý thẻ không nhiều, nhưng tích lũy qua hàng năm lại hình thành con số lớn, đặc biệt hơn với các bạn có nhiều tài khoản ngân hàng thì việc quản lý dư nợ càng khó. Từ giờ mình sẽ hạn chế mở tài khoản ngân hàng và thẻ ATM mới. Vì không phải ngân hàng nào cũng nhắc khách hàng chuyện thu phí và mình hoàn toàn có thể quên”, Nguyễn Lan cho biết.

Một trường hợp khác, Quỳnh Trần (25 tuổi, Hà Nội) cho biết cô đang muốn đóng thẻ ATM, nhưng đã bị mất thẻ từ lâu và không còn nhớ mật khẩu tài khoản ngân hàng. Cô dự tính sẽ phải ra ngân hàng nhờ giúp đỡ càng sớm càng tốt để tránh phát sinh nợ từ tài khoản ngân hàng không còn dùng đến.

Cẩn trọng khi dùng nhiều tài khoản ngân hàng

Một người có thể sở hữu rất nhiều thẻ ATM, tài khoản ngân hàng của các ngân hàng khác nhau bởi việc mở thẻ ngày nay cũng rất đơn giản, thậm chí có thể mở online mà không cần đến phòng giao dịch, có thể nhận thẻ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, người dùng thông thường chỉ thường xuyên dùng 1-2 tài khoản ngân hàng, dẫn đến những tài khoản ngân hàng khác không được sử dụng trong thời gian dài.

Lưu ý là kể cả khi không dùng thẻ ATM hay tài khoản ngân hàng, bạn vẫn sẽ chịu các loại phí đến khi hết số dư trong tài khoản, thậm chí bị âm tiền. Các loại phí gồm: Phí quản lý tài khoản ngân hàng; Phí thường niên thẻ ATM thu theo năm, nếu có đăng ký phát hành thẻ; Phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking nếu có đăng ký.

Chuyển việc, đổi thẻ nhận lương rồi một ngày ngỡ ngàng phát hiện mình bị phạt tanh bành vì thẻ ngân hàng “vứt xó”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Do đó, nếu không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng, bạn cần khóa hoặc đóng tài khoản để tránh chi phí phát sinh, bằng 2 cách sau:

- Cách 1: Đóng tài khoản tại phòng giao dịch ngân hàng

Nếu bạn đã xác định đóng tài khoản vĩnh viễn thì cần phải mang theo giấy tờ tùy thân tới chi nhánh ngân hàng để làm các thủ tục.

- Cách 2: Tạm khóa tài khoản ngân hàng online

Bên cạnh ra quầy giao dịch, bạn có thể khóa tài khoản ngân hàng trực tuyến trên ứng dụng hoặc website của chính ngân hàng đó. Hầu hết các ngân hàng lớn đều đã hỗ trợ chức năng này.

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng Mobile Banking hoặc Internet Banking.

Bước 2: Nhấn chọn vào phần thẻ/tài khoản.

Bước 3: Chọn vào khóa thẻ/tài khoản.

Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về điện thoại và xác nhận.

Để chắc chắn mình thao tác đúng và xác nhận kết quả, bạn hãy liên hệ với tổng đài/hotline của ngân hàng đang sử dụng nhé.

Theo Vân Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên