MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có 2 dấu hiệu, người phụ nữ đi khám và phát hiện ung thư, nhưng làm điều này để rồi phải hối hận

27-03-2024 - 10:03 AM | Sống

Cách đây 10 năm, cô Hoàng Bích Liên (65 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Tuy nhiên lúc đó, cô đã làm một điều khiến sau này phải hối hận.

Phát hiện ung thư nhưng không nghe theo chỉ định của bác sĩ

Vào tháng 4/2014, trước khi chuẩn bị về nghỉ hưu theo chế độ, cô Liên đi khám vì ho, viêm họng. Kết quả cho thấy cô có nốt phổi trái, kích thước 12mm.

"Tôi được bác sĩ giới thiệu tới Bệnh viện Phổi Trung ương để khám chuyên sâu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc ung thư phổi và có chỉ định mổ. Nhưng thời điểm đó do chưa có kiến thức về ung thư nên tôi sợ "đụng dao kéo". Tôi xin khất bác sĩ sẽ quay lại khám và quyết định mổ sau", cô Liên nói.

Cô Liên trì hoãn một năm không mổ. Khi sút 3kg, cô mới vào bệnh viện K khám. Kết quả cho thấy khối ung thư phổi của cô đã tiến triển, di căn sang các bộ phận khác - hạch trung thất, xương chậu và xương đòn trái... U phổi trái có kích thước 20mm. Cô hối hận vì không điều trị trước đó.

Sau khi hội chẩn, bác sĩ điều trị cho cô Liên chỉ định truyền hoá chất đích liều cao, dùng thuốc chống huỷ xương…

"Ngày đầu tiên, tôi truyền hóa chất đích từ 8h30 sáng đến 2h sáng hôm sau mới xong. Sau 2 ngày xong các loại truyền, tôi về nhà với tay chân rời rã, nôn mửa và không thể ăn được gì", cô Liên tâm sự.

Có 2 dấu hiệu, người phụ nữ đi khám và phát hiện ung thư, nhưng làm điều này để rồi phải hối hận- Ảnh 1.

Cô Liên chụp ảnh trong chuyến du lịch Phú Quốc vào tháng 3/2024 (ảnh NVCC).

5 ngày sau truyền hóa chất, cô Liên mới có thể ăn được lại. Khi có sức khỏe trở lại, cô bắt đầu tập luyện thể thao và ăn uống khoa học.

Sau 6 lần truyền trong 5 tháng điều trị, cô Liên chụp chiếu lại thì thấy các di căn ở xương, hạch trung thất cùng nang thận đã hết. Tuy nhiên, u phổi trái không giảm và cũng không tăng.

Kết thúc 6 đợt truyền hóa chất, cô Liên bước vào quá trình điều trị thuốc đích. "Uống thuốc được 5 ngày, tôi chịu tác dụng phụ nặng nề, lở hết cả mặt mũi, miệng, đau dạ dày, tiểu buốt... Uống được 15 viên, tôi không chịu nổi, xin gặp bác sĩ điều trị. Rất may mắn, đổi thuốc đích mới, tôi hợp, tác dụng phụ ít đi", cô Liên nói.

Bài học đắt giá 

Trải qua hành trình 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, cô Liên nghiệm ra chỉ có tin tưởng tuyệt đối vào phác đồ điều trị của bác sĩ thì mới có sức khỏe tốt. Trong suốt thời gian điều trị, dù được mọi người khuyên "dùng cái này, cái kia tốt cho phổi" nhưng cô đều cảm ơn rồi từ chối khéo.

"Tôi tuyệt đối không nghe những tin đồn uống thuốc linh tinh chữa được bệnh ungTôi chỉ uống thuốc bổ gan do bác sĩ điều trị kê cho", cô Liên nói.

Có 2 dấu hiệu, người phụ nữ đi khám và phát hiện ung thư, nhưng làm điều này để rồi phải hối hận- Ảnh 2.

Cô Liên tại phòng chờ sân bay (ảnh NVCC).

Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ nên sức khỏe của cô Liên tới nay đã ổn định, không kháng thuốc đích. Hiện nay, cô vẫn uống thuốc hàng ngày và lắng nghe cơ thể xem có gì bất thường không.

Trong quá trình điều trị, cô Liên cũng rất chú trọng tới dinh dưỡng và thể chất. Cô không kiêng loại thực phẩm gì, ăn uống có mức độ.

"Đạm động vật tôi không loại trừ, đặc biệt thiên về ăn đồ hải sản. Nước uống thì ninh đỗ đen và uống nước dừa, ăn hoa quả đủ loại trong mùa. Tôi thường xuyên luyện tập thể dục bằng cách đi bộ, chăm chỉ hát karaoke cho nở phổi. Thỉnh thoảng tôi cũng đi xa nhà để thay đổi không khí", cô Liên nói.

Theo cô Liên, để chiến thắng được căn bệnh ung thư, bệnh nhân rất cần có sự tận tâm của bác sĩ; duy trì uống thuốc đều đặn; nghị lực lạc quan trong cuộc sống.

Qua câu chuyện của bản thân, cô Liên muốn nhắn gửi tới mọi người rằng khi phát hiện ung thư, có chỉ định phẫu thuật thì nên làm ngay. Hãy tin tưởng vào y học hiện đại, tin tưởng trong công tác khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư rất cần có gia đình, người thân, bạn bè đồng hành để tiếp thêm sức mạnh.

Còn đối với các bạn trẻ, cô Liên cũng nhắn nhủ nên trân quý sức khỏe của mình hơn. Người trẻ nên đi khám và tầm soát sức khỏe định kỳ. Trong cuộc sống, nên tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống khoa học và có hiểu biết thông thái về ung thư nếu không may mắc bệnh.

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên