Cơ chế giá điện 2 thành phần: Có những lợi ích gì?
Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện.
- 20-01-2024Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023
- 20-01-2024Hà Nội cam kết tiến độ Vành đai 4 trước Quốc hội và Chính phủ
- 20-01-2024Hà Nội, TP.HCM đã nhận được nhiều bài học để làm đường sắt đô thị
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi EVN, đề nghị Tập đoàn nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần. Đồng thời, xây dựng lộ trình áp dụng và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần.
Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện hai thành phần, EVN thực hiện tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện theo hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành quy định tại Quyết định số 2491/QĐ-BCT ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giá bán điện.
Bộ Công Thương cũng đề nghị EVN nghiên cứu, đánh giá tác động đối việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân cũng như tác động tới các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần;
Báo cáo tổng kết và đề xuất áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán đối chứng gửi về Bộ Công Thương để nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hệ thống giá điện hai thành phần là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.
Theo các chuyên gia, thực hiện giá điện 2 thành phần sẽ có nhiều lợi ích. Đối với ngành điện, việc quy định giá điện 2 thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện khi các hộ sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không tăng cao công suất vào giờ cao điểm.
Đối với khách hàng sử dụng điện, giá điện 2 thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện theo công suất khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. Giá điện theo điện năng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan.
PGS, TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế từng đưa ra bình luận, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho doanh nghiệp. Giá điện chưa hợp lý, một mặt khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện, mặt khác không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của ElNino nên đóng góp của thủy điện vào sản xuất ngành điện nói chung thấp đi. Hiện nay ngành điện buộc phải huy động thêm các nguồn điện khác chạy từ dầu, than, khí.
Theo TS Lê Đăng Doanh, lâu dài chúng ta phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta có tiềm năng gió, mặt trời… Đây là vấn đề mà ngành năng lượng của Việt Nam cần phát triển trong thời gian tới.
Đại đoàn kết