MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT: Khó "bất biến" giữa giao dịch "vạn biến"

Việt Nam chưa xây dựng được cơ chế thu thuế qua sàn thương mại điện tử (TMĐT). Do đó, cần xây dựng các giải pháp kết nối đồng bộ và điều chỉnh dần, không bất biến, nhằm phù hợp thực tiễn.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ra thông báo, từ ngày 1/1/2022, sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử, thay vì áp dụng từ ngày 1/8/2021. Như vậy, đây là điều chỉnh đầu tiên của Tổng cục Thuế sau khi ra văn bản với yêu cầu hiệu lực áp dụng sớm.

Cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT: Khó bất biến giữa giao dịch vạn biến - Ảnh 1.

Cần giải pháp kết nối toàn diện qua phương thức điện tử để tăng cường giám sát những hoạt động thương mại điện tử


Lộ trình cụ thể

Theo thông báo mới, từ nay đến trước 1/8, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương sẽ khảo sát thực tế một số sàn giao dịch TMĐT để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn. Từ 1/8 đến trước 1/10, Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin. Từ 1/10 đến hết năm nay, Tổng cục Thuế và các sàn sẽ nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử. Với lộ trình dự kiến này, Tổng cục thuế đề nghị Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và các Sàn giao dịch TMĐT có đề xuất cụ thể chậm nhất trước ngày 3/7.

Trước đó, Thông tư 40 quy định trách nhiệm của sàn TMĐT phải cung cấp thông tin người bán bao gồm doanh thu, tài khoản ngân hàng và mặt hàng kinh doanh cho cơ quan thuế từ ngày 1/8. Đồng thời, dần dần theo lộ trình phải kê khai, nộp thuế thay hộ cá nhân kinh doanh trên sàn. Điều này đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, các sàn TMĐT đều lo ngại với thời gian để chuẩn bị quá ngắn, sàn sẽ không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu. Mặt khác, tính hợp lý và nhất quán trong các quy định về thuế còn nhiều mâu thuẫn cần làm rõ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá, Việt Nam chưa xây dựng một cơ chế thu thuế cho TMĐT phù hợp, mà đang áp dụng chung vào chương trình như hoạt động offline, trong khi những hoạt động này mất rất nhiều nhân lực và không có thông tin cụ thể với những người bán hàng trên các trang mạng xã hội, hay những website bán hàng không đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương. Chính vì vậy, cần một giải pháp kết nối toàn diện qua phương thức điện tử để tăng cường giám sát những hoạt động này.

Tăng cường giải pháp

Một chuyên gia tư vấn thuế cho biết, ngành Thuế cũng đang khó khăn trong việc theo dõi, phối hợp và truy thu một cách triệt để với những giao dịch trên nền tảng TMĐT, do mỗi ngày diễn ra rất nhiều hoạt động mua bán, hàng nghìn, thậm chí chục nghìn đơn hàng xuất đi, nhưng có những đơn vị vẫn dùng thanh toán tiền mặt trong việc giao dịch, thì cơ quan thuế rất khó để truy thu. Chính vì vậy, quản lý thuế TMĐT là một bài toán mà cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia đang tích cực tìm lời giải trong thời gian qua.

Cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT: Khó bất biến giữa giao dịch vạn biến - Ảnh 2.

Mỗi ngày diễn ra hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn các giao dịch mua bán trên nền tảng TMĐT, việc xác định rõ các luồng giao dịch không phải là dễ dàng

Ông Nguyễn Minh Cường Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam cho rằng, TMĐT mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước, từ thuế đến gian lận thương mại,...

Về thuế TMĐT, thì đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước trên thế giới. Cái khó phải nhìn từ hai khía cạnh:

Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, việc siết quy định thế nào để họ không vì khó quá mà bỏ qua thị trường Việt Nam. Mặt khác, không để họ lạm dụng sự quan tâm của Chính phủ mà buông lỏng, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, với các doanh nghiệp trong nước hiện có rất nhiều công ty sử dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, những công ty này có nhiều chiêu trò để né tránh doanh thu, chuyển giá, gây khó khăn cho cơ quan thuế khi tiếp cận thông tin.


"Để giải quyết bài toán này, phải có những khuôn khổ pháp lý cụ thể, giúp cân nhắc việc đánh thuế với những doanh nghiệp sử dụng của công nghệ số vào trong kinh doanh một cách dễ dàng hơn. Ngay như khái niệm về kinh tế số hiện nay cũng chưa được phản ánh cụ thể vào trong các văn bản pháp luật, khi những khái niệm này chưa được rõ ràng thì còn tạo nhiều kẽ hở cho các thực thể tham gia thị trường".

Ông Nguyễn Minh Cườn

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế sẽ thấy, tại Hàn Quốc, cơ quan thuế nước này có riêng một phòng quản lý thuế với TMĐT, có nhiệm vụ phân tích các xu hướng liên quan đến TMĐT; những nghi vấn về trốn thuế; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau; theo dõi thống kê ở Hiệp hội TMĐT và phát hiện những doanh nghiệp TMĐT kê khai doanh thu sai hoặc thực hiện các đơn đặt hàng giả để xác minh giao dịch tài chính;... Ngoài ra, áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật vào quản lý thuế TMĐT cũng là chìa khóa để quản lý hiệu quả mà nhiều nước đã thực hiện như tại Đức, Pháp, Hà Lan,... bằng cách xây dựng các công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet, để phân biệt các tổ chức hay cá nhân không kê khai hay nộp thuế.

Nói về điều này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh, kinh tế số là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ, cho nên dùng công nghệ để quản lý công nghệ thì phải bắt kịp với sự bùng nổ của nó.

"Chúng ta cần dành một phần lớn cơ cấu bộ máy của cơ quan Thuế, để kiểm tra giám sát trên các trang mạng, cũng như trên thực tế hiện trường. Từ đó, có được cái nhìn tổng quát trong kinh doanh TMĐT và nắm được thực tế luồng hàng hoá trên thị trường đang di chuyển ra sao. Kết hợp những yếu tố này lại, thì mới quản lý một cách tương đối đầy đủ, chặt chẽ", PGS chia sẻ.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên