MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô dâu Phú Thọ được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ thổn thức: ‘Con trai vui sướng khi giờ có bố, còn tôi hạnh phúc vì có tới tận 2 nhà ruột thịt’

14-04-2023 - 20:23 PM | Sống

Cô dâu Phú Thọ được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ thổn thức: ‘Con trai vui sướng khi giờ có bố, còn tôi hạnh phúc vì có tới tận 2 nhà ruột thịt’

Câu chuyện của chị An khiến ai nghe cũng phải thốt lên: "Cổ tích giữa đời thường là có thật".

Mới đây, câu chuyện của chị Hoàng Bảo An (SN 1994), quê tại Cẩm Khê – Phú Thọ đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Chị An có hoàn cảnh trớ trêu vì chồng mất do tai nạn giao thông sau ít tháng kết hôn. Thời điểm đó vào năm 2018, con trai đầu lòng mới 5 tháng tuổi.

Nén lại nỗi mất mát khôn nguôi, chị An dốc sức dốc lòng tần tảo nuôi con. Với chị, con là tài sản quý giá nhất trên cuộc đời, là món quà thiêng liêng mà người chồng quá cố đã để lại cho chị.

Người thân, bạn bè đều xót thương cho hoàn cảnh của chị và những ngày qua, mọi người đều gửi lời chúc phúc khi chị lên xe hoa lần nữa. Đám cưới có 1-0-2 ở vùng quê nghèo diễn ra bởi chị An được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ. Hơn cả quan hệ giữa gia đình chồng và nàng dâu, đó là tình thân, tình thương vô bờ.

Trong hôn lễ, chị An đã khóc không ngừng. Chị cảm thấy bản thân may mắn khi có tới tận 2 nhà đẻ.

Cô dâu Phú Thọ được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ thổn thức: Con trai vui sướng khi giờ có bố, còn tôi hạnh phúc vì có tới tận 2 nhà đẻ - Ảnh 2.

Chồng mất sớm để lại cả khoảng trời đau thương…

Chồng mất gần 6 năm nhưng giờ mỗi lần nhắc về anh, chị An lại nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Đôi khi câu chuyện phải dừng lại bởi trong chị có quá nhiều cảm xúc kìm nén. Chị An nhớ như in ngày anh mất vì tai nạn, chị cảm thấy bầu trời như sụp xuống. Có những lúc, chị nghĩ mình không thể đứng dậy vượt qua.

Trong 3 tháng đầu sau ngày anh mất, mẹ chồng và mẹ đẻ phải luân phiên sang ngủ cùng 2 mẹ con chị. Lúc đó, con trai mới được 5 tháng tuổi, chăm sóc con rất vất vả cùng nỗi nhớ anh khiến chị buồn tủi, mệt mỏi vô cùng.

Hơn thế, chị An mới mở cửa hàng dược phẩm được 2 tháng thì chồng ra đi, khi đó công việc chưa ổn định nên chị phải đóng cửa hàng. Chị để tang anh trong vài tháng rồi mới mở lại nhưng không phải ở địa điểm cũ.

Chị An nghẹn ngào: "Chị chuyển sang cửa hàng mới không phải do vấn đề về kinh phí mà do chị nhớ anh. Cái cảm giác 2 mẹ con lủi thủi một mình cả ngày, nhất là khi đêm xuống, nhìn đâu chị cũng thấy bóng hình anh".

Những lúc ốm đau, chị An cảm thấy bất lực nhưng may mắn khi luôn có mẹ chồng, mẹ đẻ ở bên hỗ trợ. Chị chia sẻ, hằng ngày tư vấn sức khoẻ cho hằng trăm người. Tin nhắn tới tập của khách gửi tới mà đọc không kịp, toàn những câu hỏi như: "Thuốc về chưa?", "Ốm thế này thì nên dùng thuốc gì?",… Nhưng đến khi chị ốm, chẳng ai biết để hỏi thăm. Điều này khiến chị An đôi khi chạnh lòng.

Hay khi con ngã bầm dập hết người, chị không khỏi xót xa. Càng xót con, chị càng nhớ chồng da diết. Chị An từng chia sẻ lên trang cá nhân Facebook: "Cuộc sống của con đã quá đủ thiệt thòi rồi. Mong những ngày tháng sau này, ông trời sẽ chiếu cố cho con, mang tất cả buồn đau và hờn tủi của con sang vai mẹ gánh vác được không?".

Hay: "Đau lòng cho anh một phần thì em đau lòng cho con của chúng ta gấp ngàn vạn lần như thế. Đứa trẻ 5 tháng ngày nào giờ đã trưởng thành rồi ba nó ạ!".

Cô dâu Phú Thọ được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ thổn thức: Con trai vui sướng khi giờ có bố, còn tôi hạnh phúc vì có tới tận 2 nhà đẻ - Ảnh 3.

Con cũng thường xuyên hỏi chị An về bố. Mỗi lần con thắc bố đi đâu, sao bố lâu về thế là trong chị như có cả vạn mũi dao xuyên thấu. Con còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát này, con không biết bố đã ra đi mãi mãi, chỉ nghĩ bố đang ở thiên đường và sẽ có ngày trở lại.

"Chồng quá cố của chị làm nhà nước. Vì thế mỗi tháng chị và con vẫn nhận được một khoản tiền nhỏ gửi về, trên đó ghi rõ tên anh. Con chị thấy vậy nên nghĩ là bố gửi thư. Con luôn cảm nhận được bố đang đồng hành, ở bên 2 mẹ con", chị An chia sẻ.

Thế nhưng, thời điểm mà chị An cảm thấy khó khăn, thách thức nhất là sau 3 năm ngày anh mất, chị quyết định xây nhà. Khi đó, con mới gần 4 tuổi. chị An phải lo toan, quán xuyến mọi thứ, công to việc nhỏ đều đến tay. Điều này khiến chị tủi thân vô cùng.

Tuy hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng chị An luôn nỗ lực vượt qua, cố gắng sống vui vẻ. Tính chị không thể hiện cảm xúc tiêu cực ra ngoài, không để tâm trạng tồi tệ lấn án công việc, con cái. Hơn nữa, công việc mỗi ngày cũng yêu cầu chị phải vui vẻ, đon đả với khách.

Đám cưới lần 2 với nhiều cảm xúc không thể gọi tên

Sau khi anh ra đi, chị An tập trung nuôi con. Nhiều người xung quanh khuyên chị nên tìm một bến đỗ mới, để có bờ vai dựa vào những lúc khó khăn. Nhưng trong chị còn nhiều suy tư, chị muốn ở bên con, bù đắp tình cảm nhiều hơn cho cả phần của người chồng quá cố.

Nhưng sau đó, chị An nhận ra con đang trong độ tuổi khôn lớn, con cần một người bố đồng hành. Đó sẽ là người hỗ trợ chị hướng dẫn, giáo dục con. Vì thế, chị quyết định đi bước nữa. Người thân, bạn bè và mọi người xung quanh đều ủng hộ quyết định của chị.

Về người chồng hiện tại, chị An chia sẻ anh hơn chị 1 tuổi, là người làng, nhà cách nhau hơn 1km. Chị quen anh từ khi còn bé nhưng chính thức đặt mối quan hệ tìm hiểu là vào năm ngoái.

Chị nhận xét anh là người hiền lành, sống tình cảm, có đức và có ý chí. "Cả người chồng trước và chồng hiện tại, chị chưa bao giờ đặt tiêu chí vật chất hay vẻ ngoài mà luôn chú trọng đến tính cách. Anh hiện tại không phải người có kinh tế nhất trong số những người theo đuổi chị, cũng không phải người đẹp nhất. Nhưng chị cảm nhận được anh rất thương chị và con. Đó mới là điều trân quý", chị An cho biết.

Cô dâu Phú Thọ được bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ thổn thức: Con trai vui sướng khi giờ có bố, còn tôi hạnh phúc vì có tới tận 2 nhà đẻ - Ảnh 4.

Thời gian đầu, con trai chị do còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện, phản đối việc mẹ đi lấy chồng. Thậm chí còn còn khóc nấc lên, lăn ra ăn vạ giữa nhà. Nhìn cảnh đấy, chị "dở khóc, dở cười". Nhưng chị để con tiếp xúc với anh rồi bé quý anh lúc nào không hay. Giờ bé còn bện hơi anh, đi đâu về luôn chào anh trước rồi mới chào mẹ.

Chị An dí dỏm cho biết: "Giờ với con, anh là số 1, chị chỉ là người xếp sau".

Ngày cưới, cũng là lần thứ hai chị An kết hôn. Đây là một sự kiện suốt đời chị không bao giờ quên. Rạp cưới được dựng ngay tại nhà người chồng quá cố. Chị An xúc động trước tình cảm mà bố mẹ chồng và gia đình chồng đã dành cho 2 mẹ con. Chị cảm thấy mình như có tới 2 nhà đẻ vậy.

Và chị An cũng thầm cảm ơn bố mẹ chồng hiện tại đã thông cảm cho hoàn cảnh, luôn vun vén, yêu thương bao dung với 2 mẹ con chị.

Giây phút xúc động và hạnh phúc nhất là khi bố mẹ chồng quá cố lên trao quà cưới. Cả 2 ông bà khóc như mưa, không nói lên lời. Bố mẹ đã ôm chị và ôm cả chồng hiện tại của chị, căn dặn nhiều điều.

Đặc biệt, mẹ chồng cầm tay chị An và nói: "Con gái mẹ phải thật hạnh phúc nhé!". Nghe mẹ nói xong, chị khóc nức nở. Chị biết lúc đó, mẹ thương chị, mong chị hạnh phúc và chắc hẳn mẹ đang nhớ tới người con trai xấu số của mẹ.

Đi qua nhiều bão giông, cuối cùng chị An cũng tìm được bờ vai vững chắc cho mình. Quãng đời sau này, mong chị sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc, an yên như chính cái tên của chị vậy.

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên