MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đòi được 245 tỉ nếu không bắt được ông Hưng?

24-02-2018 - 21:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo các chuyên gia kể cả khi không bắt được ông Hưng thì bà Bình cũng có quyền khởi kiện Eximbank yêu cầu ngân hàng này bồi thường số tiền bị ông Hưng "ẵm" bỏ trốn.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh bà Chu Thị Bình gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đã bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là Ngân hàng Eximbank) chiếm đoạt số tiền 245 tỉ đồng. Hiện ông Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã.

Vấn đề pháp lý đặt ra là trách nhiệm bồi thường 245 tỉ của Ngân hàng Eximbank đối với bà Bình như thế nào trong trường hợp bắt được ông Hưng và không bắt được?

Ngân hàng phải bồi thường cho bà Bình

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng gửi tiết kiệm là một giao dịch dân sự, người dân tìm đến các tổ chức tín dụng là để được đảm bảo số tiền gửi và kỳ vọng được một khoản lợi ích đó chính là tiền lãi phát sinh từ giao dịch ký thác đó.

Còn ngân hàng là một doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có tổ chức chặt chẽ, có trụ sở thường nhật, ngân hàng thực hiện những nghiệp vụ như chiết khấu, tín dụng, tài chính... theo ý của riêng mình với tiền gửi của công chúng. Ngân hàng thực hiện những nghiệp vụ kể trên là làm cho chính mình chứ không làm cho một ai khác.

 Có đòi được 245 tỉ nếu không bắt được ông Hưng? - Ảnh 1.

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: THÙY LINH

Ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng ký thác (bao gồm tiền gốc và tiền lãi). Đổi lại, ngân hàng tự do sử dụng tiền gửi của khách hàng cho hoạt động của mình và lẽ hiển nhiên trong hoạt động đó thì lời ăn, lỗ chịu, nếu có rủi ro trong khi thực hiện nghiệp vụ thì ngân hàng cũng phải tự chịu lấy trách nhiệm.

Việc bà Bình gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng EXimbank từ năm 2011 và đến khi bà phát hiện bị mất 245 tỉ đồng thì ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng này.

Tiền gửi là tiền thật, bà Bình gửi cho Ngân hàng Eximbank và tiền đã được chuyển vào hệ thống của ngân hàng. Việc ông Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của bà Bình bằng dưới bất kỳ thủ đoạn nào thì phía ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường và phải bồi thường ngay.

Bởi vì ông Hưng là người của pháp nhân (Ngân hàng Eximbank) được giao thực hiện nhiệm vụ, mang lại cho pháp nhân những lợi ích nhất định. Do đó, khi có thiệt hại xảy ra do người của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải thực hiện nguyên tắc bồi thường kịp thời.

Do vậy trước hết, Ngân hàng Eximbank phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Bình. Sau đó, ngân hàng thực hiện việc yêu cầu ông Hưng phải bồi thường lại cho ngân hàng.

Tính sao khi không bắt được ông Hưng?

Sau thời điểm ông Lê Nguyễn Hưng được xác định là bỏ trốn khỏi Việt Nam đầu năm 2017, Ngân hàng Eximbank đã có đơn tố giác ông Hưng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này Cơ quan CSĐT (C44 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Hưng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích trách nhiệm hình sự thì ai làm thì người đó phải chịu đã rõ. Trường hợp ông Hưng bị bắt thì sự việc được giải quyết dễ dàng hơn. Khi đó, cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, ban hành kết luận điều tra (nếu có tội) và chuyển hồ sơ sang VKS ra cáo trạng truy tố bị can và chuyển hồ sơ sang tòa án để xét xử vụ án. Khi tòa xét xử vụ án hình sự thì tòa án sẽ giải quyết luôn trách nhiệm dân sự bồi thường số tiền mà bà Bình bị chiếm đoạt.

Trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra Điều 229 BLTTHS. Khi nào bắt được ông Hưng sẽ xử lý sau. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Lúc này, bà Bình có thể khởi kiện Ngân hàng Eximbank yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại về phần tiền mình đã gửi.

Bà Bình có quyền làm gì để đòi lại tiền?

Căn cứ Điều 13 (Bồi thường thiệt hại) BLDS, khi cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Từ khi bà Bình gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng EXimbank (năm 2011) cho đến ngày bà Bình phát hiện mình bị mất 245 tỷ đồng. Ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng này. Ngân hàng là một pháp nhân, tiền gửi là tiền thật, bà Bình đã gửi cho Ngân hàng Eximbank thông qua "chứng nhận tiền gửi" và tiền đã được chuyển vào hệ thống của ngân hàng.

Như vậy, việc ông Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của bà Bình bằng dưới bất kỳ thủ đoạn nào thì phía ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Điều 597 BLTTDS 2015. Tức là pháp nhân (ngân hàng) phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Sau khi pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chưa xử được vụ án hình sự do bị tạm đình chỉ vì hết thời hạn điều tra mà chưa bắt được ông Hưng thì bà Bình cũng có quyền khởi kiện Ngân hàng Eximbank tại TAND có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng này phải trả số tiền bà đã gửi vào ngân hàng cả gốc lẫn tiền lãi.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM


Theo Kim Phụng

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên