Cô gái chia sẻ bí quyết tiết kiệm 3-4 triệu/tháng để thoát cảnh "âm lương"
"Cứ vào khoảng 10-15 ngày cuối tháng, mình lại bàng hoàng không hiểu tiền đã chạy đâu mất" - Mai chia sẻ.
- 24-10-202360 tuổi, cụ bà có lương hưu 6,7 triệu đồng nhất quyết không sống cùng con cái vẫn có cuộc sống viên mãn
- 24-10-2023Nhân sự IT từng được thị trường săn đón, nay chấp nhận giảm lương, làm đa nhiệm để sớm có việc
- 24-10-2023CEO 30 tuổi kể về 2 lần vấp ngã để đời: Nợ nần chồng chất, phải lấy thẻ tín dụng để trả lương và cú đổi đời sau 10 năm
"Kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy" là tình trạng chung của không ít người trẻ độc thân. Khi không phải đau đầu cân đối tiền bỉm sữa hay tiền biếu ông bà nội - ngoại, cũng không có gánh nặng là những khoản nợ lớn như mua nhà, mua xe trả góp,... người trẻ ảo tưởng rằng mình dư giả tài chính, có quyền chi tiêu thoải mái mà không cần đắn đo nhiều.
Chỉ là cứ đến cuối tháng, tiền lại trôi vào ký ức ký ức chứ tài khoản ngân hàng thì rỗng tuếch. Đây là câu nói miêu tả chính xác nhất tình trạng tài chính của Mai. - Một bạn trẻ còn độc thân, hiện đang chung sống cùng 2 chú cún.
Với mức thu nhập trung bình 14-15 triệu/tháng, Mai cho biết suốt hơn 1 năm trời, cứ sau ngày 12 hoặc 15 hàng tháng là bản thân lại rơi vào cảnh âm lương.
"Chốt đơn lúc nửa đêm, lướt Shopee thay vì lướt MXH"
Mai cho biết ngoài thu nhập từ lương, thi thoảng cô còn được bố mẹ "dúi tiền vào tay bắt cầm vì thương con gái" nhưng dù trong túi có bao nhiêu tiền, cứ đến cuối tháng là Mai lại rỗng ví.
"Tổng tiền thuê nhà và phí dịch vụ của mình mỗi tháng hết 5.5 triệu, tiền đồ ăn cho 2 bạn cún rơi vào khoảng 800.000đ - 1.000.000đ/tháng" - Mai chia sẻ về những khoản cố định phải chi mỗi tháng cho việc ở và chăm sóc thú cưng.
Với những đầu mục đó, số tiền mà Mai còn dư mỗi tháng dao động trong khoảng 8,5 triệu đồng - Một con số khá "dễ thở" để lo chi phí ăn uống, đi lại. Việc đến giữa tháng đã "âm tiền" chắc hẳn không phải là tự nhiên, nhất là khi cô gái này hoàn toàn không có khoản nợ nào phải trả.
"Mình từng có thói quen lướt các trang bán hàng online những lúc khó ngủ thay vì lướt MXH. Với mình, các trang mua sắm online mới là MXH ấy, mà lướt rồi chẳng lẽ không mua. Hết tiền vì thế đó chứ không có gì khó hiểu" - Mai tự thú.
Một vài đơn hàng 100-200k hay thậm chí 400-500k, tưởng là chẳng thấm vào đâu nhưng nhiều lần "chốt đơn lúc nửa đêm" như vậy, khiến tiền bay nhanh như chớp. Mai cũng đã nhận ra điều đó và hiểu rằng mình cần phải "cai cơn nghiện mua sắm" này.
"Thêm vào giỏ hàng đã chứ đừng vội chốt đơn" - Bí quyết đơn giản giúp Mai tiết kiệm 3-4 triệu/tháng
Bước đầu tiên mà Mai làm để "dứt cơn nghiện shopping online" chính là ưng món nào thì bấm "thêm vào giỏ hàng" chứ không vội chốt đơn luôn. Ngày hôm sau, cô nàng này sẽ điền chi tiết những món đồ ấy vào 1 file excel với số lượng cùng mức giá và cả link đặt mua.
"Việc này giúp mình có được cái nhìn tổng quan về tổng số tiền mà mình sẽ chi nếu mua hết tất cả những món đồ trong danh sách muốn mua. 1-2 triệu thì có thể tặc lưỡi cho phép bản thân chốt đơn nhưng khi con số ấy đã gần tới đầu 8, tự nhiên mình cũng thấy tiếc tiền" - Mai giải thích.
Bước thứ 2 mà Mai làm sau khi kẻ bảng "Shopping List" chính là nghĩ thật kỹ xem đâu là món đồ nếu không mua thì không thể sống được.
"Mình nhận ra có sự khác biệt rất lớn giữa những món đồ mình muốn mua và những món đồ thực sự cần thiết. Ví dụ như đồ cho 2 bé cún chẳng hạn, hạt và bỉm là những thứ không thể thiếu, còn quần áo cho các bé thực ra chỉ phục vụ cho sự đồng bóng của mình. Đồ cho bản thân mình cũng vậy, cứ mỗi mùa là mình lại mua 1 đống đồ vì cảm giác không có đồ mới là không tự tin ra đường. Nhưng có rồi, mình cũng chỉ mặc 1-2 lần, cùng lắm là 4-5 lần rồi để đó, lại mua đồ mới" - Mai kể.
Sau khi hình thành được thói quen "thêm vào giỏ hàng chứ không vội chốt đơn luôn" và kẻ bảng "Shopping List", Mai cho biết nửa năm qua, cô đã tiết chế được việc chi tiêu, không còn bị "âm lương" cuối tháng.
"Hiện tại, con số trung bình mà mình dành cho việc mua sắm online chỉ rơi vào khoảng 1-2,5 triệu đồng/tháng. Mua sắm thả phanh không cần nghĩ giúp mình vui được 1-2 ngày nhưng cuối tháng lại lo ngay ngáy vì hết tiền. Tiết chế được thói quen chốt đơn vô tội vạ giúp mình cảm thấy tự tin, dễ thở hơn nhiều" - Mai chia sẻ.
Mai đã tự tiết chế, tự kiểm soát được chi tiêu và thậm chí có một khoản dư mỗi tháng chỉ nhờ vào 2 hành động vô cùng đơn giản. Hy vọng rằng những chia sẻ của Mai có thể giúp ích cho những người vẫn "say đắm chốt đơn lúc 2h sáng" nói chung và những người trẻ nói riêng.
Cảm ơn Mai vì những chia sẻ chân thật và hữu ích!
Ảnh: NVCC
Trí thức trẻ