MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái ở HN tử vong sau 1 tuần chỉ ho và sốt: Những điều cần biết ngay về "kháng kháng sinh"

08-12-2016 - 12:17 PM | Sống

Kháng kháng sinh ảnh hưởng trực tiếp đến bạn. Hãy nhớ lại xem, bạn từng phải dùng đến hai loại kháng sinh trong đơn thuốc hay điều trị bệnh đến hai đợt chưa? Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, ví dụ trong bệnh cảm cúm, sẽ khiến các vi khuẩn trong đường ruột của bạn mang gen kháng thuốc. Khi chúng có điều kiện thuận lợi để phát bệnh, bạn sẽ biết thế nào là hậu quả.

Trường hợp của Nguyễn Hải H. 21 tuổi, một bà mẹ đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi trú tại Trương Định, Hà Nội ra đi để lại niềm thương nhớ cho cả gia đình. H. bị sụt sịt, ho và có dấu hiệu sốt. Đến ngày thứ 3 sốt truyền dịch không khỏi, H đi vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám.

Trong lúc chờ vào khám, đột nhiên H. ngất và các bác sĩ đưa vào cấp cứu sau đó chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Sau 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai H. đã trút hơi thở cuối cùng.

Bác sĩ chẩn đoán H. bị nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng vì loại siêu vi khuẩn. Suốt một tuần điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai chi phí điều trị cho H. lên tới 300 triệu đồng bởi vì các chi phí lọc máu hiện đại tốn kém nhưng cuối cùng H. vẫn không qua khỏi vì vi khuẩn cô mắc phải đã kháng thuốc.

"Kháng kháng sinh" một lần nữa lại trở thành hồi chuông báo động cho cộng đồng nói chung và cá nhân bạn nói riêng. Và đây là những điều bạn cần biết ngay hôm nay:

1. Thuốc kháng sinh

Thuật ngữ kháng sinh (antibiotic) nguyên thủy được dùng để nói về một hợp chất tự nhiên được sản xuất bởi một loại nấm hoặc vi sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh ở người và động vật. Một số thuốc kháng sinh có thể là các hợp chất tổng hợp (không sản xuất bởi các vi sinh vật) cũng có thể giết hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Về mặt kỹ thuật, thuật ngữ “tác nhân kháng sinh” là nói đến cả hợp chất thiên nhiên lẫn tổng hợp, tuy nhiên, nhiều người quen sử dụng từ kháng sinh để chỉ đến hỗn hợp hai chất nói trên.

Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực song chính việc dùng loại thuốc thiếu khoa học, dài kỳ nên đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc.

2. Kháng kháng sinh là gì?

Kháng thuốc kháng sinh là nói đến khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn khác kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất hoặc các tác nhân khác được dùng cho việc chữa bệnh hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm. Một khi kháng thuốc, virút, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại và tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại khác.

Nếu kháng sinh mất tác dụng, đồng nghĩa với việc chúng ta trở lại thời kỳ những năm 1930. Khi đó, ngay cả một nhiễm trùng hết sức bình thường cũng có thể gây tử vong.

3. Tại sao lại phải quan tâm đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh?

Kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nan giải, hiện là mối quan tâm của cộng đồng bởi nó gây ra những dòng khuẩn khỏe hơn, nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khó chữa trị hơn và gây tốn kém, đặc biệt là cho người già, trẻ em và những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu làm tăng rủi ro khuyết tật, tử vong.

Ngoài ra, hiện tượng này chẳng khác gì phòng phẫu thuật sẽ được xây ở “rìa địa ngục”. Phẫu thuật bản chất là một thủ tục y tế giúp cứu sống bệnh nhân. Nhưng những hoạt động phẫu thuật phức tạp kéo theo nguy cơ nhiễm trùng cao, ví dụ phẫu thuật tim hoặc thay thế khớp.

Do vậy, nếu không có kháng sinh, mọi ca phẫu thuật phức tạp gần như đang được thực hiện trên “rìa địa ngục”. Một bệnh nhân phẫu thuật khớp để có được sự thoải mái hơn trong vận động, lại phải đặt lên phía bên kia bàn cân là cả mạng sống của mình.

Chưa kể, chúng ta có thể sẽ không phát triển được loại thuốc mới, các bệnh nhân ung thư cận kề cái chế hơn khi hóa trị cần kháng sinh và các bác sĩ bó tay trước công cụ kì diệu của y học: cấy ghép...

4. Vì sao vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh?

Sử dụng kháng sinh chính là nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Mỗi khi dùng thuốc, vi khuẩn nhạy sẽ bị tiêu diệt, còn những vi trùng không bị tiêu diệt lại kháng thuốc, phát triển và nhân rộng.

Nếu cứ sử dụng thuốc theo kiểu lặp đi lặp lại và không đúng chủng loại, lạm dụng hay thiếu khoa học sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, không hiệu quả dùng cho trường hợp nhiễm virút như cảm lạnh, viêm họng, hay cảm cúm.

Sử dụng thuốc kháng sinh thông minh chính là chìa khóa để kiểm soát, hạn chế tình trạng kháng thuốc.

5. Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam thế nào?

Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 2/12 có bài viết phản ánh tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đứng đầu thế giới.

Theo phản ánh, mặc dù thuốc kháng sinh là thuốc bán theo đơn của bác sĩ, nhưng tại Việt Nam thuốc kháng sinh được bán ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào mà không cần chỉ định đã gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc người sử dụng khi có bệnh bị kháng thuốc, phải chịu chi phí cao để được điều trị bằng những dòng thuốc mới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu. Đáng báo động hơn, trong số các quốc gia có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng thì Việt Nam là một trong số những nước đứng đầu.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế kiểm tra nội dung trên, báo cáo trước ngày 15/12.

6. Làm thế nào để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc là chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và theo đúng chỉ dẫn của chuyên môn. Điều quan trọng nữa là chỉ nên dùng thuốc kháng sinh cho các loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không dùng cho việc nhiễm virút như ho, cảm lạnh hoặc cúm. Nên chú ý đến một số khuyến cáo sau:

- Khi đã kháng thuốc nên cho bác sĩ biết để dùng thuốc cho thích hợp

- Không dùng thuốc kháng sinh cho các loại bệnh nhiễm virút như cảm lạnh hoặc cúm.

- Không tiết kiệm thuốc để dùng cho lần tiếp theo, thuốc thừa nên loại bỏ.

- Dùng thuốc kháng sinh đúng theo đơn bác sĩ, không bỏ liều khi thấy đỡ bệnh, nếu dừng lại sẽ làm cho khuẩn kháng thuốc.

- Không dùng kháng sinh của người khác. Uống thuốc không đúng có thể làm tăng bệnh và làm cho khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở.

- Nếu bác sĩ khuyên không nên dùng thuốc kháng sinh thì không nên ép bác sĩ kê đơn dùng loại thuốc này.

Nguyễn Nguyễn

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên