MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái từ Pháp về Việt Nam tìm nguồn cội, tưởng đã thấy mẹ nhưng lại ngậm ngùi biết một sự thật khác

30-01-2024 - 10:58 AM | Sống

Nhiều năm nay, Thảo từ Pháp về Việt Nam tìm gốc gác. Cô được làm xét nghiệm ADN với người mẹ trên giấy tờ của mình nhưng cho ra kết quả bất ngờ.

Lần theo giấy tờ để tìm mẹ, nhưng kết quả không ngờ

Từ năm 15 tuổi, cô gái quốc tịch Pháp có tên tiếng Việt là Tào Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1994) đã cùng bố nuôi từ Pháp về Việt Nam nhiều lần để tìm gốc gác. Thảo sinh ra ở Việt Nam, được bố mẹ người Pháp nhận nuôi từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh.

Trên giấy tờ của Thảo năm xưa có ghi tên mẹ là Tào Thị Lâm. Ngày sinh của Thảo là 5/1/1994, nơi sinh ở bệnh viện Hùng Vương, quận 5, TP.HCM.

Cô gái từ Pháp về Việt Nam tìm nguồn cội, tưởng đã thấy mẹ nhưng lại ngậm ngùi biết một sự thật khác - Ảnh 1.

Từ năm 15 tuổi, Thảo đã nhiều lần từ Pháp về Việt Nam tìm nguồn cội nhưng đến hiện tại vẫn chưa có kết quả.

Mang theo thông tin ít ỏi này đi tìm, Thảo đã tìm thấy người mẹ trên giấy tờ. Tuy nhiên khi xét nghiệm ADN lại cho kết quả Thảo không phải là con của bà Tào Thị Lâm. Bà Lâm cho Thảo biết, năm xưa bà sinh một người con gái vào năm 1994, cùng thời điểm với Thảo nhưng đứa trẻ đã qua đời. Sau đó, giấy khai sinh của đứa trẻ đã mất được người ta lấy làm giấy tờ cho Thảo để đưa cô bé sang Pháp làm con nuôi.

Thảo cũng đã tìm đến bệnh viện và địa chỉ trên giấy khai sinh nhiều lần nhưng không có được thêm manh mối.

Dù không có một chút thông tin nào về người mẹ đã sinh ra mình, nhưng Thảo vẫn hy vọng khi chia sẻ câu chuyện của bản thân, những ai sinh con gái vào năm 1994 tại bệnh viện Hùng Vương có thể lên tiếng, biết đâu lại có sự trùng hợp và hai bên có cơ hội tìm được nhau. Bản thân Thảo được nhiều bạn bè nhận xét là có gương mặt rất giống người Hoa.

Cô gái từ Pháp về Việt Nam tìm nguồn cội, tưởng đã thấy mẹ nhưng lại ngậm ngùi biết một sự thật khác - Ảnh 2.

Bức ảnh Thảo hồi bé cùng bố mẹ nuôi người Pháp được cô đem theo về Việt Nam.

Một người mẹ câm và nữ ý tá lên tiếng

Khi biết được thông tin tìm mẹ của Thảo, bà Nguyễn Thị Nương (tên thường gọi là Thu, ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cùng một người ý tá trực tiếp đỡ đẻ cho bà Nương tên Phượng đã lên tiếng. Họ nhận ra câu chuyện của Thảo có nhiều điểm trùng hợp với bà Nương.

Bà Nương bị câm, sinh người con gái đầu tiên vào năm 1988. Khoảng năm 1994 - 1995, bà sinh người con gái thứ 2 (khác cha với người con gái đầu). Vì hoàn cảnh khó khăn, bà Nương không có điều kiện nuôi con. Bố mẹ khuyên bà nên cho đứa trẻ ra nước ngoài làm con nuôi để bé có tương lai tươi sáng hơn.

Qua giới thiệu, một đôi vợ chồng người Pháp đã về Đồng Nai để nhận nuôi đứa bé. Bà Phượng chính là người thay bà Nương đưa đứa trẻ lên TP.HCM cùng đôi vợ chồng người Pháp. 

Bà Phượng cho biết, gia đình người Pháp khi ấy có nói với bà rằng, sau này họ không muốn cho đứa trẻ trở về Việt Nam tìm cha mẹ ruột.

Cô gái từ Pháp về Việt Nam tìm nguồn cội, tưởng đã thấy mẹ nhưng lại ngậm ngùi biết một sự thật khác - Ảnh 3.

Bà Phượng cùng đứa trẻ sơ sinh con của bà Nương và đôi vợ chồng người Pháp chụp hình lưu niệm tại một khách sạn ở TP.HCM.

Giấy tờ ở bên chị Nương này là đôi vợ chồng người Pháp họ muốn bỏ hết. Người ta về TP.HCM, đến bệnh viện làm lại giấy tờ khác. Họ chỉ cho tôi đưa đứa trẻ đến khách sạn và chụp hình lưu niệm lại thôi. Tuy nhiên có thể qua thời gian thì họ đã thay đổi suy nghĩ, muốn cho con trở về tìm nguồn cội chăng?”, bà Phượng nói.

Bà Phượng thông tin thêm, bản thân bà, bà Nương và người con gái lớn cùng nhiều người hàng xóm xung quanh khi xem hình ảnh của Thảo đều nhận xét nhìn cô rất giống người con gái lớn của bà Nương, đặc biệt là đôi mắt một mí. 

Chính vì những điểm trùng hợp như vậy nên bà Nương cho rằng, Thảo có thể là đứa con mà năm xưa vì hoàn cảnh khó khăn, bà đã phải đem cho. Người phụ nữ này rất hy vọng có thể tìm lại được người con thất lạc của mình. 

Những người hỗ trợ hiện đang kết nối bà Nương và Thảo để hai bên có thể gặp gỡ, chia sẻ thêm thông tin và làm xét nghiệm ADN nếu muốn.

Nguồn: Youtube Tuấn Vũ kết nối yêu thương

Theo Lam Giang

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên