MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có gì trong tổ chức mà hàng chục quốc gia muốn gia nhập: Có cả Nga và Trung Quốc, quy tụ những nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc muốn thách thức phương Tây và đồng USD

30-05-2023 - 07:00 AM | Tài chính quốc tế

Có gì trong tổ chức mà hàng chục quốc gia muốn gia nhập: Có cả Nga và Trung Quốc, quy tụ những nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc muốn thách thức phương Tây và đồng USD

Ít nhất 19 nước đã bày tỏ sự quan tâm, trong đó 13 nước chính thức xin gia nhập BRICS trong đó có Saudi Arabia và Iran.

BRICS là tên gọi của nhóm gồm các nền kinh tế mới nổi – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gia nhập sau). Từ chỗ là khái niệm được chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đưa ra để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, BRICS thực sự đã trở thành 1 “câu lạc bộ” của thế giới thực, kiểm soát cả 1 ngân hàng phát triển quy mô lớn.

Gần đây, BRICS trở lại thu hút sự chú ý của nhà đầu tư sau khi hơn một chục quốc gia thuộc đủ loại mô hình chính trị, trong đó có cả Iran và Saudi Arabia, bày tỏ sự quan tâm và muốn gia nhập nhóm này.

BRICS ra đời như thế nào?

Trước tiên, thuật ngữ BRIC chính thức xuất hiện từ năm 2001. Chuyên gia kinh tế Jim O’Neill của ngân hàng Goldman Sachs đã dùng tên gọi này cho nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. BRIC được coi là 1 niềm lạc quan mới mẻ đối với các nhà đầu tư trong lúc toàn bộ thị trường tài chính đáng rất u ám sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố.

4 quốc gia kể trên đã tiếp nhận và rất hào hứng với ý tưởng này. Cùng có nền kinh tế đang tăng trưởng rất tốt, họ có nhiều lợi ích chung và cũng phải đối mặt với những thách thức giống nhau. Ngoài ra, tại các diễn đàn như WTO, 4 quốc gia cũng hợp tác chặt chẽ với nhau khi cảm thấy trong 1 trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt thì tầm ảnh hưởng của mình sẽ được tăng lên đáng kể nếu như tiếng nói của 4 nước gộp vào làm một.

Năm 2006, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nga đã tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa các ngoại trưởng BRIC. Sau đó Hội nghị thượng đỉnh BRIC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Cuối năm 2010, Nam Phi được mời tham gia và nhóm trở thành BRICS.

Tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn cầu của BRICS đã vượt qua cả nhóm G7. Trong khi tỷ trọng của G7 giảm xuống 30% thì hiện 5 nước BRICS đóng góp 31,5%.

BRICS đã có những thành tựu gì?

Cho đến nay thành tựu lớn nhất của BRICS là về tài chính. 5 nước đã đồng ý lập nên quỹ ngoại tệ có quy mô lên đến 100 tỷ USD để vay mượn lẫn nhau trong các trường hợp khẩn cấp. Chương trình bơm thanh khoản này chính thức hoạt động từ năm 2016.

Họ cũng thành lập New Development Bank (NDB) – ngân hàng phát triển giống với World Bank. Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2015, NDB đã phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 30 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Năm 2020, Nam Phi vay 1 tỷ USD để chống đỡ với đại dịch Covid-19. Các nước cũng đã thảo luận về 1 đồng tiền chung.

Về kinh tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nông sản của Brazil và Nga phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc. Trong khi đó quan hệ giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc yếu ớt hơn do 2 nước vẫn cạnh tranh về tầm ảnh hưởng chính trị và có một số tranh chấp ở biên giới.

Giống như các tổ chức đa phương khác như nhóm các nước phát triển G7, các hội nghị thượng đỉnh hàng năm và nhiều cuộc họp cấp thấp hơn của BRICS thường đưa ra tuyên bố chung thể hiện sự đồng thuận nhưng thiếu đi những điểm cụ thể. Rào cản lớn nhất nằm ở chỗ mỗi nước đều có lợi ích và hệ tư tưởng, hệ thống chính trị khác nhau. Quan điểm của mỗi nước về các vấn đề lớn, trong đó có cả quan hệ với Mỹ, cũng rất khác nhau.

Quốc gia nào dẫn dắt BRICS?

Về quy mô kinh tế, GDP của Trung Quốc hiện cao gấp đôi so với tổng GDP của 4 thành viên khác cộng lại. Về mặt lý thuyết thì điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ có quyền lực lớn nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế Ấn Độ - nước vừa vượt Trung Quốc về quy mô dân số - là 1 đối trọng đáng gờm. BRICS không chính thức ủng hộ sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc một phần bởi vì Ấn Độ phản đối các dự án ở nước láng giềng Pakistan.

Tại NDB, không có nước nào đóng vai trò cổ đông lớn. Bắc Kinh đồng ý sở hữu số cổ phần bằng với New Delhi. Trụ sở của NDB đặt ở Thượng Hải nhưng đứng đầu cơ quan này hiện là cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Trước đó là 1 người Ấn Độ.

Nga có còn là thành viên?

Năm 2022, khi xung đột nổ ra ở Ukraine, BRICS tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và Tổng thống Putin có tham dự. 4 nước còn lại đã tỏ thái độ trung lập về chiến dịch quân sự mà Nga thực hiện ở Ukraine, coi đó là 1 vấn đề mang tính khu vực hơn là 1 cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, sự kiện này đã làm thay đổi quan hệ giữa Nga và các định chế của BRICS. NDB nhanh chóng đóng băng các dự án của Nga và Moscow vẫn chưa thể tiếp cận những đồng USD trong hệ thống chia sẻ ngoại tệ của BRICS.

Hiện những nước nào muốn gia nhập BRICS và tại sao?

Năm ngoái, Trung Quốc – nước đang nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu và muốn kiềm chế sự ảnh hưởng của phương Tây - đã khởi xướng cuộc thảo luận về việc mở rộng nhóm. Tuy nhiên các thành viên còn lại lo lắng như vậy sẽ làm giảm đi tầm ảnh hưởng của họ.

Mở rộng sẽ là vấn đề trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh năm nay. Ít nhất 19 nước đã bày tỏ sự quan tâm, trong đó 13 nước chính thức xin gia nhập trong đó có Saudi Arabia và Iran. Các nước còn lại có thể kể đến Argentina, UAE, Algeria, Ai Cập, Bahrain và Indonesia. Đối với những nước này, trở thành một phần của BRICS sẽ giúp họ mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như mở ra nhiều cơ hội giao thương và đầu tư.

Hiện sức hấp dẫn của các thị trường mới nổi đã không còn?

Vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, so với 20 năm trước thì BRICS đã không còn là xu hướng đầu tư chủ đạo do bối cảnh địa chính trị đã có nhiều thay đổi. Bản thân các nền kinh tế thành viên cũng đi theo nhiều hướng khác nhau.

Theo thống kê của Bloomberg Intelligence, ngoại trừ Ấn Độ thì trong 5 năm gần đây các nước BRICS đã bị tụt lại phía sau so với các thị trường mới nổi khác. Các lệnh cấm vận khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào Nga, trong khi nhiều ngành của Trung Quốc (đặc biệt là công nghệ) cũng nằm trong danh sách hoặc có nguy cơ bị cấm vận.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng khác biệt so với nhóm còn lại khi đã ở mức độ phát triển cao hơn, đồng thời tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị suy giảm.

Trong khi đó Brazil cũng gặp nhiều khó khăn khi siêu chu kỳ của thị trường hàng hóa kết thúc thời kỳ bùng nổ. Kinh tế Nam Phi đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Chỉ duy nhất Ấn Độ vẫn giữ được câu chuyện tăng trưởng ấn tượng, được các ngân hàng đầu tư so sánh với tốc độ của Trung Quốc 10-15 năm trước.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên