“Có gia đình mới hiểu giá trị của vàng”: Những cây vàng giúp mua nhà, ổn định cuộc sống sau biến cố lớn
“Ngày xưa mà không tích từng phân vàng thì cũng chẳng có ngày hôm nay”.
- 11-04-2024Giá vàng cao vọt, chuyên gia vẫn chỉ ra 1 thứ đầu tư “lãi hơn hẳn”, ngồi yên là đủ kiếm lời nhưng không phải ai cũng mua được
- 04-04-2024Giá vàng và thị trường chứng khoán biến động, nên đầu tư gì?
- 31-03-2024Giá vàng càng tăng, chị em càng chốt lời đậm từ thói quen mua 1 chỉ vàng lâu năm: Lúc cần bán ngay lấy tiền mua đất, mua nhà
Mua vàng từ thời sinh viên, tới khi kết hôn, lại cùng chồng kiếm tiền mua vàng, cả Ngọc Hương (sinh năm 1994) và Thu Hoài (sinh năm 1993) đều khẳng định nếu ngày xưa không tích vàng, cuộc sống của gia đình sẽ chẳng được như ngày hôm nay.
Ngày "lên xe hoa về nhà chồng" đã có 8 cây vàng làm của riêng
Thu Hoài kết hôn năm 2018. Ở thời điểm đó, cô đã duy trì thói quen mua vàng hàng tháng được 6 năm và có 8 cây vàng là của riêng.
"Mình còn nhớ năm 2012, mình mua được nửa chỉ vàng đầu tiên với giá khoảng 1,6 triệu đồng - gần nửa tháng lương miệt mài đi dạy gia sư kín tuần của mình. Tháng nào mình cũng mua nửa chỉ, đến khi đi làm, lương cao hơn thì mua 1 chỉ. Tới lúc lấy chồng là có 8 cây vàng làm của riêng rồi" - Thu Hoài kể.
Ngọc Hương bắt đầu mua vàng muộn hơn Thu Hoài, khoảng năm 2015, cô mới mua được 1 chỉ vàng đầu tiên.
"Năm ấy mình có công việc part-time đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên được nhận thưởng Tết. Cả lương cả thưởng được hơn 6,5 triệu đồng. Mua 1 chỉ vàng xong, mình chỉ còn dư đâu đó khoảng 700-800k thôi nhưng cảm giác lần đầu tiên cầm trên tay tài sản mình làm ra, là của riêng mình, nó vui lắm. Trước đó mình cũng có đi dạy gia sư nhưng tiền lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Sau lần mua vàng đầu tiên ấy, mình mới tích tiền mua vàng, phải 2 tháng mình mới mua được 1 chỉ" - Ngọc Hương kể lại và cho biết tới năm 2020 - khi lấy chồng, cô có 2,6 cây vàng làm của riêng.
Mỗi người "dùng" vàng theo một cách riêng để ổn định cuộc sống
Sau khi lấy chồng, trở thành tay hòm chìa khóa trong gia đình, Ngọc Hương và Thu Hoài vẫn tiếp tục mua vàng hàng tháng. Thu nhập đã nhân đôi, đồng nghĩa với số vàng họ mua được cũng gấp đôi thời còn son rỗi.
Trung bình mỗi tháng, gia đình Ngọc Hương mua 3 chỉ vàng, còn gia đình Thu Hoài mua được 4 chỉ.
"Ban đầu, vợ chồng mình định cùng nhau mua vàng khoảng 5 năm rồi bán đi, lấy tiền mua nhà ở Hà Nội. Nhưng chưa kịp hiện thực hóa giấc mơ có nhà riêng, biến cố đã ập đến. Chồng mình phát hiện bị ung thư máu vào giữa năm 2020.
Mình và ông bà 2 bên cũng dồn tiền chữa bệnh cho anh. Lấy hết tiền tiết kiệm rồi tới bán vàng để lo viện phí, nhưng không may là anh không qua khỏi" - Thu Hoài chia sẻ.
Sau biến cố lớn ấy, Thu Hoài vẫn còn 18 cây vàng để hai mẹ con ổn định cuộc sống. Thu Hoài bán 1 cây vàng, chuyển về Bắc Ninh sống với bố mẹ một thời gian, đồng thời góp vốn kinh doanh quán cà phê ở Bắc Ninh. Năm 2023, đúng đợt giá vàng đạt đỉnh, Thu Hoài quyết định bán hết vàng, cộng thêm tiền tiết kiệm và hỗ trợ của bố mẹ, cô đủ tiền mua 1 căn chung cư 2 phòng ngủ để cùng con quay lại Hà Nội học tập, làm việc.
Còn với gia đình Ngọc Hương, cách dùng số vàng đã tích lũy được của vợ chồng cô hoàn toàn đúng với dự định: Bán vàng để mua nhà.
"Tháng 3/2022, chúng mình quyết định mua nhà vì tới tháng 11/2022 là mình sinh bé đầu lòng rồi. Lúc đó hai đứa có khoảng 10 cây vàng. Đương nhiên là chúng mình mang đi bán hết, cộng thêm tiền tiết kiệm nữa là có khoảng 1,5 tỷ đồng. Vẫn phải vay ngân hàng thêm một ít mới đủ tiền mua 1 căn chung cư 2 phòng ngủ, nhưng số tiền phải vay cũng trong khả năng chi trả nên chúng mình không quá áp lực" - Ngọc Hương chia sẻ.
Băn khoăn lớn nhất của Ngọc Hương khi bán vàng để lấy tiền mua nhà chính là có nên bán cả vàng cưới mà bố mẹ tặng không. Dù có bán, ông bà cũng không phàn nàn gì, nhưng sau khi suy đi tính lại, vợ chồng Ngọc Hương vẫn quyết định chỉ bán 10 cây vàng mà hai vợ chồng tích lũy được, còn 2,5 cây vàng của bố mẹ tặng vào ngày cưới, cô vẫn giữ.
"Dù có bán hết cả 12,5 cây vàng, chúng mình vẫn phải vay ngân hàng mới đủ tiền. Bản thân mình luôn quan niệm vàng bố mẹ tặng, mình sẽ chỉ dùng khi bản thân không còn lựa chọn nào khác. Chồng mình cũng tôn trọng suy nghĩ này của mình, nên hai đứa thống nhất không bán 2,5 cây vàng ấy; cố vay thêm ngân hàng cũng vẫn trả được mà" - Ngọc Hương bộc bạch.
Tiếp tục mua vàng tích sản bất chấp giá cao
Hiện tại, sau khi đã hoàn thành mục tiêu mua nhà, cả Ngọc Hương và Thu Hoài cho biết bản thân vẫn tiếp tục mua vàng tích sản, bất chấp việc giá vàng đang cao.
"Với mức giá 80-82 triệu đồng/lượng như hiện tại, mỗi tháng, vợ chồng mình vẫn mua nửa chỉ vàng coi như là tích dần của hồi môn cho gái sau này. Không mua trước cũng phải mua sau, nên tích dần hàng tháng cho đỡ áp lực" - Ngọc Hương kể.
Còn với Thu Hoài, mỗi tháng cô vẫn mua 1 chỉ vàng. Dù không có con gái, không phải lo chuyện của hồi môn cho con sau này nhưng mục đích mua vàng hàng tháng của Thu Hoài cũng giống Ngọc Hương: Để dành cho con.
"Mình may mắn không phải vay tiền ngân hàng để mua nhà, công việc chính và việc kinh doanh quán cà phê cũng ổn định nên hàng tháng đều mua 1 chỉ vàng bên cạnh việc gửi tiết kiệm. Ngày mình mua nhà, bố mẹ mình cũng mang vàng đi bán để hỗ trợ mình một phần tiền. Lúc đó mình mới hiểu nếu không quá dư dả để mua ngay cho con được cái nhà hay mảnh đất, mua vàng vẫn là lựa chọn tốt nhất. Cứ tích dần dần, đến khi con lớn là cũng thành tấm thành món rồi" - Thu Hoài khẳng định.
Phụ nữ số