Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc: Dạy học là khoa học, nghệ thuật và nghiên cứu
Hành trình trở thành giảng viên dạy tiếng Anh tại nước ngoài của cô Mai bắt đầu từ những bài học bố dạy.
- 31-12-20231 loại nước thay thế cà phê, giúp hạ đường huyết, “thần dược” của người giảm cân: Rất sẵn ở chợ Việt
- 28-12-2023Có 2 con trai, cụ ông 65 vẫn chấp nhận bỏ 3 tỷ đồng xây nhà sống một mình năm cuối đời
- 27-12-2023Ở cùng con trai nhưng luôn xảy ra cãi vã, cụ ông 65 nhận ra điểm tựa cuối đời để sống ‘dễ thở’ hơn
Bận rộn với công việc giảng dạy, chỉnh sửa và nhận xét luận văn tiến sĩ cho nhiều nghiên cứu sinh, hiếm lắm tôi mới tìm được một lịch trống để ngồi lại trò chuyện với Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (Hà Nội, SN 1973) - giảng viên cao cấp của Trường Đại học Flinders (Nam Úc). Là một người Việt Nam - làm giảng viên đào tạo giáo viên tiếng Anh ở quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mẹ đẻ… một chuỗi mệnh đề đối nghịch khiến Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai trở nên vô cùng đặc biệt.
Trò chuyện với cô Mai thông qua màn hình máy tính vì khoảng cách địa lý quá lớn: một người ở Việt Nam và một người ở Úc, nhưng vẫn không thể nào ngăn cản được những lời chia sẻ đầy hào hứng của Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai về “chuyện học”, “sự học” ngoại ngữ.
Đam mê với tiếng Anh từ những bài học của cha
Dạy tiếng Anh, thậm chí là dạy tiếng Anh ở nước ngoài, song trên thực tế cô Mai không được tiếp xúc với tiếng Anh từ quá sớm, cũng chưa từng đi du học trước đó. Cô Mai không xuất phát điểm là một người học tiếng Anh, ở thời điểm đi học và bắt đầu được tiếp xúc với ngoại ngữ thứ 2, nữ tiến sĩ theo học tiếng Nga. Tuy nhiên, thấy được tiềm năng phát triển của ngôn ngữ này, nên từ khi 8 tuổi cô Mai đã được bố dạy những bài đơn giản nhất về tiếng Anh.
“Bố tôi là một người rất có tầm nhìn. Ông luôn cho rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ của toàn cầu và điều đó thật đúng khi đối chiếu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thời buổi đó chưa có điều kiện học ngoại ngữ tốt như bây giờ, nên bố đã tự dạy con gái học tiếng Anh. Nhưng khả năng tiếng Anh của bố tôi không quá tốt vì xuất phát điểm ông là giáo viên dạy Toán. Nhưng bố vẫn đầu tư, mua sách vở, băng đĩa về tiếng Anh để cho tôi xem”.
Đến thời điểm hiện tại, cô Mai vẫn nhớ như in chương trình Follow Me! - một series về tiếng Anh do Bayerischer Rundfunk và BBC sản xuất vào cuối những năm 70 mà cô Mai thường được bố đưa đi xem từ thời còn tấm bé . Đều tăm tắp, cứ đến tối thứ 2 và tối thứ 4 là cô Mai lại được bố lóc cóc chở bằng xe đạp đến một trung tâm tiếng Anh ở ngay trung tâm Hà Nội, rồi mua vé để con gái được xem từng tập Follow Me! . Trong chương trình, người ta dạy về những bài học “vỡ lòng” ngoại ngữ ABC rất đơn giản, rồi thỉnh thoảng lại chiếu về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Anh như thành phố London, tháp đồng hồ Big Ben… Tình yêu với tiếng Anh nảy nở trong cô Mai từ những chuyến xe bố chở lên phố như thế.
Và sau khi thi đỗ vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô Mai mới bắt đầu hành trình học tiếng Anh một cách bài bản nhất. Sau đó, cô trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (hiện là trường Đại học Hà Nội) khoa Ngôn ngữ Anh. Sau 5 năm học cử nhân tại đây, cô được trường giữ lại làm giảng viên tại đây ngót nghét gần 20 năm.
Từng bị nhầm là sinh viên khi giảng dạy ở nước ngoài
Có một công việc khá tốt, nhưng cô Mai mong mỏi bản thân cần có gì đột phá hơn. Vậy nên, cô đã quyết đăng ký xin học bổng Chính phủ Úc để theo học Thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh (TESOL) tại trường Đại học Sydney, rồi sau đó làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ giáo dục và sau Tiến sỹ (Postdoc) tại Đại học New South Wales (Úc). Trong quá trình học tập tại đây, cô Mai đã xác định mục tiêu của mình là tìm kiếm cơ hội để trở thành giảng viên tại Úc và trường Đại học Flinders là nơi cô muốn hướng đến.
Cũng giống như việc học ngoại ngữ, mong muốn trở thành giảng viên đại học tại Úc của cô Mai lại bắt đầu bằng những ước mơ bởi cô tin “nơi nào có mong muốn thì nơi đó có được con đường”. Từ những mong muốn từ sâu bên trong, cô Mai đã nỗ lực không ngừng nghỉ để trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, những trải nghiệm cần thiết và sự không ngừng học hỏi từ những giảng viên, giáo sư giỏi tại các trường Đại học của Úc.
“Không phải mỗi Việt Nam là đất nước chuộng bằng cấp đâu mà các nước phát triển họ cũng cần những tấm bằng ít nhất để chứng minh bạn đã học về ngành đó. Không ai tuyển một giảng viên đại học vào chỉ vì thấy giảng viên đó… hay lắm. Mà điều đầu tiên bạn phải có bằng cấp mà nhà tuyển dụng muốn.
Tôi nhớ trong bản mô tả công việc vị trí giảng viên đại học tại trường Đại học Flinders có đến 20 - 30 đầu mục mà mình phải đáp ứng với vị trí công việc đấy. Nếu mình để lỡ bất kỳ yêu cầu nào sẽ thiếu đi tính cạnh tranh so với những ứng viên khác ngay từ vòng hồ sơ”, cô Mai tâm sự.
Sự chuẩn bị kỹ càng về mặt chuyên môn lẫn hiểu biết về vị trí ứng tuyển và sự tự tin đã giúp cô Mai vượt trội trong buổi phỏng vấn lựa chọn giảng viên chính thức tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, ngành Sư phạm tiếng Anh của trường Đại học Flinders.
“Khi biết tin mình đã chính thức trở thành giảng viên tại trường Đại học Flinders, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì công việc ước mơ và mong muốn của bản thân bao lâu nay đã thành hiện thực. Hơn nữa, tôi nghĩ mình cũng khá may mắn.”.
Tham gia giảng dạy những lớp học đầu tiên, mọi người không biết cô Mai là ai cả, thậm chí có sinh viên gặp ở hành lang còn nói: “Bạn là sinh viên của lớp này à?”, “Bạn đến từ đâu vậy?”. Khi thấy cô Mai bước vào lớp với vai trò là giảng viên, cả lớp đều ồ lên khi thấy một cô giáo da vàng đến Úc giảng dạy ngành Sư phạm tiếng Anh.
Vui vẻ không lâu, sự lo lắng lại hiện diện bên trong cô. Những tháng đầu tiên với vị trí giảng dạy, cô Mai vất vả sáng tối để chuẩn bị giáo án, bài vở cho thật trau chuốt. Chưa hết, trong một khoảng thời gian dài cô Mai vừa đi giảng dạy, vừa đi dự giờ các giáo sư, đồng nghiệp khác để xem học hỏi kinh nghiệm cách họ dạy.
“Tôi luôn cố gắng học hỏi, liên tục đổi mới bài giảng, đồng thời không chờ tới hết môn mới xin phản hồi từ phía sinh viên. Tôi làm điều đó rất thường xuyên trong một học kỳ, thậm chí thành thói quen sau mỗi tiết học để có những điều chỉnh kịp thời. Nếu có chỗ nào các bạn chưa hiểu rõ, thì đó là trách nhiệm của cô. Các bạn hãy cho cô biết ngay trên lớp để cô tìm cách giảng lại một cách tường minh hơn”.
Từ “khác biệt” ở bản thân, cô coi đó là điều “đặc biệt” để gần gũi, hiểu và truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình.
Học ngoại ngữ không phải chỉ cần năng khiếu
Chia sẻ về “bí quyết” học ngoại ngữ, cô Mai tâm sự khi học ngôn ngữ thì năng khiếu không chưa đủ, mà bạn cần có sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ. Học ngoại ngữ để phát triển năng lực ngoại ngữ thực thụ là một quá trình rất phức tạp và bao gồm rất nhiều thứ trong đó bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, nghe, nói, đọc, viết, văn hóa, và tư duy bằng ngoại ngữ đó… Và việc học ngoại ngữ bài bản và hiệu quả cần có yếu tố thời gian, chứ không phải ngày một ngày hai có thể thuần thục được.
“Văn hóa” - một yếu tố quan trọng khi học ngoại ngữ mà nhiều người hay bỏ qua. Chẳng hạn khi gặp nhau, người Việt chúng ta thường nói: “Bạn đi đâu đấy?”, “Bạn dạo này thế nào?” . Nhưng người Úc khi gặp nhau họ lại nói: “Good day” (nghĩa: Xin chào, hay chúc bạn một ngày tốt lành), chứ không phải cứ “How are you?” - “I’m fine, thank you, and you”.
“Khi bước chân sang thành phố Sydney để học Thạc sĩ, khi mọi người nói chuyện xung quanh, tôi nghe câu được câu không. Tôi nhớ nhất kỷ niệm khi mới sang Úc, họ cứ nói ‘Good day’. Lúc đầu tôi không hiểu, thậm chí thấy hơi xa lạ vì hôm đấy rõ ràng trời mưa rất to mà ai gặp nhau cũng nói ‘good day’. Nhưng sau nhiều lần va vấp, tôi hiểu rằng ‘good day’ chính là ‘hello’. Đây chính là yếu tố văn hóa, mà chúng ta thường bỏ qua trong các giờ học ngoại ngữ”.
Từ ví dụ đó của bản thân, cô Mai nhấn mạnh việc học ngoại ngữ không hề dễ dàng. Nếu chúng ta học ngoại ngữ chỉ để biết thì ở một khía cạnh nào đấy không quá khó, nhưng để hiểu một ngoại ngữ rõ tường tận như chân tơ kẽ tóc, hiểu để sử dụng nó một cách thuần thục trong giao tiếp hàng ngày và trong môi trường học thuật thì lại cần rất nhiều thời gian để ngấm, để thấm. Để làm được điều đó, theo cô Mai, người học cần có sự nỗ lực cùng với một “cách tiếp cận ngôn ngữ có nguyên tắc”.
“Đừng nghĩ việc học ngoại ngữ do có năng khiếu, mà thay vào đó hãy nghĩ đến việc bạn có được dạy và học ngôn ngữ theo các nguyên tắc khoa học hay không, nếu bạn không được dạy theo các nguyên tắc khoa học thì việc học của bạn sẽ khó có hiệu quả và mất nhiều thời gian”, cô Mai kết luận.
“Nguyên tắc” ở đây có rất nhiều, cách đây vài thập kỷ người ta đã nghiên cứu và phát hiện ra một chuỗi hàng trăm nguyên tắc học và dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, vì số lượng quá lớn như vậy rất khó để giáo viên có thể ghi nhớ và thuần thục được. Vậy nên mới đây, giáo sư Brown ở Mỹ đã thu hẹp lại thành bộ 12 nguyên tắc giảng dạy ngoại ngữ gồm 3 nhóm. Nhóm 1: Nguyên tắc về tư duy; Nhóm 2: Nguyên tắc về cảm xúc; Nhóm 3: Nguyên tắc về ngôn ngữ.
Trong đó, một nhóm nguyên tắc mà người Việt thường phạm phải nhất là nguyên tắc về ngôn ngữ. Tức là, nhiều gia đình Việt cho con đi học ngoại ngữ từ khi con chưa thạo tiếng mẹ đẻ, trong tiếng Anh hiện tượng này gọi là “native language effect” (sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ với việc học ngoại ngữ). Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng tích cực hoặc chưa tích cực tới việc học ngoại ngữ của con trẻ.
Chẳng hạn, khi bạn là người Pháp mà chuyển qua học tiếng Anh thì sẽ rất dễ dàng vì chúng có nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn nhau. Hay khi bạn học tốt tiếng Trung, thì “quay xe” sang học sang tiếng Nhật, tiếng Hàn lại đơn giản hơn so với những người có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ bắt đầu theo học về các ngôn ngữ tượng hình. Đây được gọi là những tác động tích cực vì ngôn ngữ mẹ đẻ với ngôn ngữ bạn học có nhiều điểm giống.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp ngôn ngữ mẹ đẻ khác biệt so với ngôn ngữ mà bạn học. Ví dụ cùng câu “Tôi ăn cơm”, trong tiếng Việt động từ “ăn” được đặt giữa chủ ngữ và vị ngữ. Trong khi đó trong tiếng Nhật lại đặt động từ “ăn” ở cuối câu. Tóm lại, nếu cho đi học ngoại ngữ quá sớm, từ khi con chưa kịp vững tiếng mẹ đẻ đã phải nhồi nhét thêm một đống kiến thức của thứ tiếng mới, đứng từ góc độ của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, đây là “vi phạm rất nghiêm trọng và nó có thể để lại hệ lụy rất lớn cho con”.
“Cá nhân tôi khi sống ở môi trường tiếng Anh thật nhưng luôn nhắc các bố mẹ Việt rằng đừng lo lắng tiếng Anh của con mà tập trung vào tiếng Việt. Đặc biệt là khi bạn ở Việt Nam thì việc học tiếng Việt càng tốt. Khi tiếng Việt của con mà tốt, khi chuyển sang ngôn ngữ thứ 2 cũng sẽ thuận lợi hơn. Nhiều nhà ngôn ngữ gợi ý vững tiếng mẹ đẻ, lớp 2 lớp 3 mới nên quan tâm cho con học ngoại ngữ”.
Đặc biệt, về mặt sư phạm mà nói thì việc dạy các bạn càng nhỏ thì giáo viên càng phải có phương pháp sư phạm, bằng cấp cao: “Mình luôn nói với giáo viên việc dạy là khoa học, dạy là nghệ thuật, dạy là nghiên cứu. Để trở thành giáo viên chuyên nghiệp, thì cần phải có cả ‘khoa học’, ‘nghệ thuật’ và ‘nghiên cứu’”.
Nhìn nhận một cách khách quan, cô Mai nhận thấy nhiều giáo viên Việt Nam khi tham gia giảng dạy ngoại ngữ, thường vi phạm một số nguyên tắc. Chính điều đó khiến cho hành trình học tập và trải nghiệm học tập của học viên khó khăn, gian nan hơn rất nhiều, thậm chí còn mất động lực học tập.
Bạn có ấn tượng với hành trình truyền cảm hứng của cô Mai không? Nếu có, hãy đề cử cho cô và những câu chuyện tương tự tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 nhé!
Ảnh: NVCC
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.
Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 18/12/2023. Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2023 , qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2023 .
Thời gian gửi đề cử: ngày 18/12/2023 - 23:59 ngày 07/01/2024.
Phụ nữ mới