Có hay không gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam?
Theo Cục Thú y, dù là gà hay các sản phẩm thịt động vật khác, khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện theo quy trình kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
- 22-05-2023Bộ Nông nghiệp lên tiếng việc hàng chục nghìn tấn gà thải ‘tuồn’ vào Việt Nam
- 18-05-2023Hàng chục nghìn tấn gà thải 'tuồn' vào Việt Nam mỗi tháng
- 16-05-2023Không còn gà rán Mc Donald’s, cà phê Starbucks, người Nga chuộng mặt hàng này từ xứ kim chi, các công ty thu về hàng chục triệu USD nhờ bám trụ thị trường “béo bở” này
Có hay không việc nhập khẩu "gà thải loại" và các sản phẩm thịt động vật rẻ, kém chất lượng về Việt Nam, cung cấp nguồn thực phẩm không đảm bảo cho người tiêu dùng? Đồng thời cạnh tranh với chính gia súc, gia cầm nuôi trong nước? Những câu hỏi này đã được các cơ quan chuyên môn trả lời chính thức trong cuộc họp báo tổ chức mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập 51.000 tấn thịt gà. Còn trong năm 2022, Việt Nam nhập 246.000 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc. So với trên 1,6 triệu tấn thịt gà sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu chiếm 14,8%.
Theo Cục Thú y, dù là gà hay các sản phẩm thịt động vật khác, khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện theo một quy trình kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thịt gà nhập khẩu bán tại một siêu thị. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Sản phẩm động vật nhập khẩu tối thiểu mất 4 - 5 năm mới được xem xét nhập khẩu vào Việt Nam và đảm bảo quy trình chặt chẽ. Trong đó, Cục Thú y phải thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh, đồng thời giám sát cả quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, việc nói thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp", bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Cũng theo Cục Thú y, kiểm tra thực phẩm động vật nhập khẩu như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò… trong 2 năm qua, cơ quan này chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo. Tuy nhiên Cục Thú y cũng đang cho rà soát lại tiêu chuẩn thực phẩm của các nước đang xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó tập trung vào 2 thị trường lớn là Hàn Quốc, Brazil để kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, gà gọi là loại thải thì ngay trên kệ hàng của các nước phát triển cũng có loại gà này. Gà này là gà già, họ cũng ghi rõ trên các kệ hàng. Sau khi khai thác, giá rẻ nên một số doanh nghiệp mua về. Tuy nhiên, sản phẩm cũng đạt chất lượng, chứ không phải chúng ta nghĩ rằng gà thải loại là đủ thứ trên đấy. Tuy vậy về phía cơ quan, chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề sản xuất trong nước, cũng như các hoạt động nhập khẩu một cách công bằng trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Cục Chăn nuôi cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 650.000 tấn thịt các loại gồm: thịt lợn, thịt gia cầm và thịt trâu, bò. Tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước là 7 triệu tấn, tức là lượng nhập khẩu bằng khoảng 9% sản lượng trong nước.
VTV.VN