Có hay không hành vi lạm dụng, làm giá trên thị trường thịt lợn
Giá thịt lợn tăng và giữ ở mức cao bất chấp nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm. Có hay không hành vi lạm dụng, làm giá trên thị trường thịt lợn?
- 14-05-2020Khủng hoảng giá thịt lợn: Ai đang hưởng lợi?
- 11-05-2020Giá thịt lợn vẫn ở mức cao khiến giá giò chả tại các chợ cũng "nhảy múa" liên tục, chả mỡ từ 110 nghìn đồng/kg tăng lên đến 160 nghìn đồng/kg
- 10-05-2020Chủ nhật 10/5: Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn cao, người tiêu dùng "đỏ mắt" mong ngày giảm giá
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân quý 1 năm 2020, giá thịt lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019, góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý 1 năm 2020.
Giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn đã được kiểm soát. Tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đã đạt gần 24 triệu con, tăng hơn 2 triệu so với tháng 12/2019. Theo tính toán của Bộ, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019).
Sau dịch tả lợn châu Phi, hầu hết con giống, lợn nái do các doanh nghiệp chăn nuôi nắm giữ. Giá bán lợn giống bị đẩy lên 2,5 - 3 triệu đồng/con, gấp 3 lần mức thông thường.
Có hay không hành vi lạm dụng, làm giá trên thị trường thịt lợn?
Số liệu Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố, chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg. Căn cứ tổng sản lượng bán ra, về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lãi 25.000 đồng/kg.
Tại một số siêu thị trên đường Xuân Diệu (Hà Nội) ngày 15/5, giá thịt ba chỉ lên tới 286.000 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg. Giá thịt tại các chợ dân sinh cũng ở mức 160.000 - 165.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khi người chăn nuôi gặp khó khăn, giá lợn xuống thấp kỷ lục lúc bị thương lái Trung Quốc ép xuống hơn 20.000 đồng/kg (năm 2017) thì người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ. Nhưng khi người tiêu dùng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa nhận lại được sự sẻ chia từ phía doanh nghiệp chăn nuôi lợn.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, các doanh nghiệp lớn đã cam kết giá xuống 60.000 - 65.000 đồng/kg thịt lợn nhưng đến nay chưa bao giờ cam kết này được thực hiện. Khâu sản xuất kinh doanh thịt lợn có nhiều doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân tham gia. Trong đó đáng chú ý là 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn lại nắm thị phần lớn trên thị trường (30%); mỗi khâu đều có nhóm doanh nghiệp, nhóm kinh doanh nắm lợi thế như giết mổ, phân phối, lưu trữ bảo quản.
"Cơ quan cạnh tranh thu thập thông tin đánh giá có hành vi lạm dụng hay không vì thị trường thịt lợn biến động theo dạng sóng, đồng loạt. Nên đặt ra vấn đề có hay không hành vi lạm dụng, làm giá, hiện cơ quan cạnh tranh chưa điều tra nhưng đang thu thập thông tin về vấn đề này" - ông Quảng nói.
Nhiều người tiêu dùng phải chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm hoặc nhu cầu tiêu dùng, lựa chọn sản phẩm kém chất lượng hơn với giá rẻ, cũng như không được đảm bảo minh bạch thông tin khi không thể biết được có bao nhiêu khâu trung gian. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là các khiếu nại của người dân liên quan giá cao hầu như không có, ông Quảng cho biết thêm.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ một bộ phận người chăn nuôi được hưởng lợi. Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang tái đàn ồ ạt, điều này rất rủi ro trong dài hạn.
“Cả các tiểu thương bán lẻ ngoài chợ cũng gặp khó khăn. Họ nhập cao thì giá bán ra cũng sẽ cao, nhưng giá cao thì bán sẽ ế, họ bị ảnh hưởng nhiều. Các khâu trung gian hiện nay đang quyết định nhiều đến giá thịt lợn. Mỗi khâu chỉ hưởng lợi 10% cũng đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới giá thịt” - ông Cường nêu rõ./.
VOV