MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội “cẩu pháo” nguồn vốn rẻ

15-06-2020 - 07:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Nguồn vốn rẻ đang và có thể tiếp tục được “cẩu pháo” từ bên kia đại dương về Việt Nam.

Tháng 11/2019, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam, lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước thay vì đọng lại (tại số ít thành viên là ngân hàng thương mại nhà nước).

Khi đó, một chuyên gia tài chính trao đổi với phóng viên BizLIVE rằng: "Chúng ta cùng chờ xem. Khi nguồn vốn lớn này dồn về Ngân hàng Nhà nước, có cách nào để "cẩu pháo" xuống các thị trường để điều hòa lãi suất hay không".

Những năm gần đây, tiền gửi Kho bạc Nhà nước trong hệ thống ngân hàng thương mại khá lớn, có thời điểm lên tới khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Sau thời điểm tháng 11/2019, lượng tiền gửi thanh toán của tổ chức này kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, nhưng một lượng lớn vẫn đọng lại ở tiền gửi có kỳ hạn.

Vậy phần kết chuyển có giúp điều hòa lãi suất trên các thị trường hay không? Về cơ chế truyền dẫn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không thể "cẩu pháo" nguồn vốn này vào các thị trường. Nhà điều hành chủ yếu hỗ trợ nguồn qua thị trường mở (OMO), nhưng ba tháng qua gần như không có phát sinh giao dịch, chỉ lẻ tẻ vài món 1-2 tỷ đồng thi thoảng xuất hiện; hoặc qua kênh tái cấp vốn.

Tuy nhiên, với lượng mua ròng ngoại tệ khoảng 20 tỷ USD năm ngoái, đồng nghĩa với khoảng 500 nghìn tỷ VND cung ứng đang giúp điều hòa thanh khoản hệ thống, cân đối vốn, trong khi như đã thể hiện thì tín dụng gần như vẫn đang hạn chế đầu ra.

Và như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, "tiền rẻ" hiếm thấy đã xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất VND bình quân qua đêm cuối tuần qua chỉ còn 0,16%/năm; các kỳ hạn 1 và 2 tuần cũng nằm sâu dưới 0,5%/năm…

Trong các dòng chảy thông tin, câu hỏi vẫn thường đặt ra: vì sao những mức lãi suất rất thấp như trên ở thị trường liên ngân hàng không ngấm sang được lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và dân cư?

Một là, thị trường liên ngân hàng có vai trò và mục đích khác, chỉ để đáp ứng nhu cầu vốn rất ngắn hạn của các TCTD trong cân đối thanh khoản, chứ không phải là kênh huy động vốn để cho vay.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng theo đó mang tính ngắn hạn và tiềm ẩn nhiều biến động, trong khi lãi suất cho vay doanh nghiệp và dân cư mang tính cố định dài hơn.

Mặt khác, quy mô thị trường liên ngân hàng nhỏ so với hơn 8,2 triệu tỷ đồng dư nợ của nền kinh tế để có thể pha loãng.

Theo đó, tình huống "cẩu pháo" ở đây, hay sự truyền dẫn lãi suất thấp giữa hai thị trường trở nên hạn chế.

Cơ hội bên kia đại dương?

Giữa tuần qua, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ), kết thúc cuộc họp chính sách với quyết định giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25%.

Dự kiến "mùa tiền rẻ" sẽ tiếp tục được kéo dài, như chính sách lãi suất thấp của Fed được định hướng sẽ duy trì ít nhất đến hết năm 2021.

Tại Việt Nam, yếu tố vốn rẻ, không để trong ngoặc kép, cũng đang được nhiều tổ chức tính đến. Cũng đã có kế hoạch vượt đại dương, "cẩu pháo" vốn rẻ về nội địa.

Tại ĐHĐCĐ năm 2020 tổ chức hôm qua (13/6), HDBank thông qua kế hoạch huy động 1 tỷ USD từ phát hành trái phiếu quốc tế. Lãnh đạo HDBank lý giải: "Trên thế giới, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn tiền bơm ra từ các ngân hàng trung ương các nước rất lớn. Đây là cơ hội phát hành trái phiếu quốc tế để huy động nguồn vốn rẻ, dồi dào này".

Trước đó, trung tuần tháng 4/2020, Techcombank cũng đã nhanh chóng cụ thể hóa khoản vay 500 triệu USD vốn quốc tế, tín chấp, thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,50%/năm. Kết quả được đánh giá là "thành công vượt trội" trong một số thông tin về giao dịch này.

Hay ở trường hợp khác, VPBank sau khi huy động 300 triệu USD trong năm 2019, phương án mua lại và tái cấu trúc kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế cũng đã được đề cập tại kỳ ĐHĐCĐ vừa qua, linh hoạt khi có tác động bất thường bởi Covid-19. Lãi suất và cung vốn rẻ hẳn là những yếu tố đang được xét đến ở bối cảnh mới.

Trong năm 2019, nhiều ngân hàng thương mại khác như SeABank, SHB, TPBank… cũng đã đều thông qua chủ trương "cẩu pháo" vốn từ bên kia đại dương về Việt Nam, qua kênh trái phiếu quốc tế quy mô lớn.

Như trên, nguồn vốn rẻ từ lãi suất thấp và nguồn tiền lớn từ các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm ra được đánh giá là cơ hội. Thực tiễn, như trên, cũng đang dần hình thành dòng chảy về Việt Nam.

Ngoài cơ hội vốn rẻ và để phục vụ kinh doanh trong nước, các kế hoạch huy động vốn quốc tế nói trên còn được thúc đẩy bởi yêu cầu thực tế: cơ chế trần lãi suất huy động USD 0% trong nước thời gian qua và hiện nay khiến cơ cấu nguồn huy động ngoại tệ của các ngân hàng thương mại hạn chế, nhất là về tính bền vững của kỳ hạn.

Theo đó, nguồn từ bên kia đại dương được "cẩu pháo" về, với cơ cấu trung dài hạn, là một hướng giải pháp, bổ sung cân đối, bên cạnh cơ hội vốn rẻ đang được nhìn nhận trong bối cảnh Covid-19.

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên