MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội “đổi đời” nông dân Việt?

10-03-2018 - 09:18 AM | Thị trường

Với những lợi thế về thuế, Hiệp định Đối tác và toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết sẽ giúp nông, lâm, thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Khả năng xuất khẩu nông sản cán mốc trên 40 tỷ USD năm 2018 và tăng trong những năm tiếp theo là rất lớn. Các doanh nghiệp (DN) cho rằng, CPTPP cũng là cơ hội để cải cách về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Phó viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
2 bài viết

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, so với hiệp định TPP trước đó, hiệp định mới vẫn có gì đó thiệt thòi vì Mỹ chưa sẵn sàng. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được lợi khi một số hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn áp đặt không quá cao với hàng hoá như thời còn có Mỹ tham gia. Đây là cơ hội cho Việt Nam có thời gian để chuẩn bị.

Theo ông Tuấn, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, thủy sản, cà phê, tiêu điều, gạo…sẽ có cơ hội vào các nước CPTPP như Úc, Canada, Mexico, Nhật Bản… Trong khi, ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu như thịt bò, lợn, gà, sữa… do hàng rào thuế quan dỡ bỏ.

Ông Tuấn cũng cho biết, dù có nhiều mặt hàng thuế về 0%, tuy nhiên một số nước cũng dùng thuế để bảo vệ sản xuất trong nước. Ví như Nhật Bản giữ thị trường gạo bằng được, hoặc các nước Mỹ La Tinh cũng muốn “câu giờ” về mặt hàng gạo và một số sản phẩm trái cây...

“Chúng ta đã sẵn sàng cho một cuộc chơi mà có nhiều ông lớn tham gia, và chơi theo kiểu của họ. Khi thuế không còn là vấn đề, thì quan trọng nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), nếu không, dù thuế có hạ, nông sản của chúng ta sẽ khó tiếp cận được thị trường trong CPTPP”- ông Tuấn nói.

Nói về hiệp định CPTPP, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội về thương mại, giao dịch, thuế khóa, đầu tư khi tham gia các hiệp định thương mại, nhưng với CPTPP ở đẳng cấp cao hơn. Hiện nông sản của Việt Nam đã xuất đi trên 180 nước, vùng lãnh thổ. Với thị trường CPTPP mới, khoảng 500 triệu dân, 14% GDP toàn cầu, với các lợi thuế về thuế quan, sẽ là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Chưa kể, tới đây, khi hiệp định thương mại với các nước EU được ký kết, cơ hội cho nông sản Việt Nam sẽ rộng mở hơn.

“Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam không chỉ được 36 tỷ USD như năm qua, năm nay sẽ tiến tới 40 tỷ USD, dù người dân đặt kỳ vọng nhiều hơn. Muốn vậy, nguyên lý sản phẩm là sạch nhất, giá cạnh tranh nhất”- ông Cường nói. Bộ trưởng Cường cho rằng: “Mặc dù số hộ sản xuất chúng ta còn đông, miếng ruộng chúng ta còn nhỏ, nhưng sự vào cuộc quyết liệt, các chủ thể kinh tế, nông dân, chính sách đồng bộ, chúng ta có khát vọng và tin tưởng, chúng ta sẽ làm được”.

Cải cách thể chế, đầu tư chế biến sâu

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex - một trong những DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam cho rằng, về nông sản, Việt Nam có lợi thế và gần như không có đối thủ so với các nước trong CPTPP.

Theo ông Nam, lâu nay, phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu thô. Tuy nhiên, với các sản phẩm chế biến sâu hơn như cà phê hòa tan, tiêu, điều đóng túi vào siêu thị, các nước đánh thuế cao 20-40% tùy từng mặt hàng. “Do vậy, khi thuế về 0%, DN sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu- một trong những khâu yếu nhất lâu nay, nhằm thâm nhập vào thị trường bán lẻ của họ”- ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, với những nước phát triển như Nhật, Úc, Canada… vẫn còn rào cản nữa là ATTP. Tuy nhiên, khi đầu tư vào sản xuất chế biến công nghệ cao, các sản phẩm đương nhiên sẽ đảm bảo tiêu chuẩn. Trong khi đó, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, khi hiệp định CPTPP được ký kết, đương nhiên các DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi về thuế suất, nhưng “cũng chẳng được bao nhiêu”. “Việc hưởng lợi từ thuế chỉ được trong một thời gian nhất định. Mặt khác, khi thuế về 0%, các thương nhân của họ chắc chắn ép giá sản phẩm của Việt Nam xuống thấp hơn, chứ họ sẽ không để cho mình “ăn” hết”- ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cho rằng, chẳng doanh nhân nào thích thú với việc giảm, hay miễn thuế hết. Ông phân tích: “Như  trong thủy sản, Việt Nam có thể nhập khẩu tôm của Ấn Độ để bán vào Canada được. Tuy nhiên, Canada họ bỏ hàng rào thuế xuống, chắc chắn họ không chấp nhận loại tôm đó được, mà phải là tôm nuôi từ Việt Nam. Trong khi đó, với tôm nuôi từ Việt Nam, nếu giá thành cao hơn tôm Ấn Độ 2-3 USD/kg, thì phần đó có bù nổi việc miễn thuế không?”

“Giới DN lý thú với các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP là đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải cải cách thể chế, phù hợp với các quốc gia trong khối.  Khi thể chế phù hợp, càng ngày càng minh bạch sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN Việt Nam trong cạnh tranh. Khi đó, sẽ có cơ hội làm ăn chân chính,  phát huy và nâng tầm cho Việt Nam lên”- ông Lĩnh nói.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, với CPTPP, điều quan trọng là biết luật chơi, tự điều chỉnh để cạnh tranh sòng phẳng bằng cách tạo sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ... lúc đó chúng ta sẽ là một phần quan trọng với họ.

 

 


Theo Phạm Anh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên