Cơ hội duy nhất để "cứu sống" doanh nghiệp du lịch
Đề xuất gỡ bỏ yêu cầu hành khách xét nghiệm nhanh tại sân bay đối với những người đủ điều kiện và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2.
Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để "cứu sống" các doanh nghiệp, "cứu sống" 2,5 triệu lao động.
- 28-01-202211 đơn vị kiến nghị mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam ngay trong tháng 2
- 27-01-2022Bài toán nhu cầu thị trường khách quốc tế khi mở cửa du lịch
- 26-01-2022Phương châm du lịch khu vực miền Trung: “Cho dù có một khách du lịch đến, vẫn sẵn lòng phục vụ”
12 tổ chức, doanh nghiệp đồng ký tên trong thư khẩn kiến nghị Thủ tướng công bố mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam từ ngày 1/2/2022.
Doanh nghiệp "kiệt sức"
Theo đó, 6 hãng hàng không, 5 doanh nghiệp du lịch lớn cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho rằng, việc công bố ngay trong đầu tháng 2 "thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam" nhằm tạo "lực đẩy mạnh" và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.
Các doanh nghiệp cho rằng, để "mở cửa thực sự", cả cơ quan nhà nước cấp trung ương, các địa phương và từng doanh nghiệp cần có một khoảng thời gian nhất định nhằm chuẩn bị nguồn lực tài chính, cải tổ quy trình, chuẩn bị nhân lực, tiến hành xúc tiến quảng bá...trước khi đón khách.
Về phía khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm với Việt Nam, họ cũng cần thời gian để nhận biết thông tin, đánh giá, cân nhắc và ra quyết định.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này phải được rút ngắn tối đa, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, địa phương, cùng doanh nghiệp để tận dụng được "thời cơ vàng".
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết.
Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Xem xét gỡ bỏ yêu cầu hành khách xét nghiệm nhanh tại sân bay đối với những người đủ điều kiện nêu trên và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. Tăng thời gian miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn…
Các doanh nghiệp hàng không và du lịch cho rằng, thời gian 2 năm qua đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua từng giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh nhưng ở thời điểm này sau 2 năm gần như "đóng băng" hoạt động, lực của các doanh nghiệp cũng đã hoàn toàn cạn kiệt.
Doanh nghiệp nhấn mạnh, quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để "cứu sống" các doanh nghiệp, "cứu sống" 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác.
12 tổ chức, doanh nghiệp đồng ký tên trong thư khẩn kiến nghị Thủ tướng công bố mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam từ ngày 1/2/2022.
Trước đó, tại hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" mới đây, hầu hết các doanh nghiệp, chuyên gia đều kiến nghị “bãi bỏ các quy định cách ly,” “mở cửa hoàn toàn cho du lịch,” “mở cửa du lịch không cần thí điểm”…
Quy định quá khắt khe
Trên thực tế, sau 2 tháng áp dụng Chương trình thí điểm đón khách quốc tế với khoảng 8.500 lượt khách quốc tế tới Việt Nam dù là tia sáng nhưng cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập.
Nói như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, các quy định dành cho doanh nghiệp du lịch đang quá khắt khe nên cần được bãi bỏ. Ngoài ra, do điều kiện khó khăn trong vấn đề xin thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày... mà năm qua, ngành du lịch chỉ đón được 8.500 du lịch - con số quá khiêm tốn so với trước kia.
“Tôi đề xuất không nên cách ly, các điều kiện phức tạp cũng nên được lược bỏ, không cần bảo hiểm. Giờ là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch, do đó chúng ta nên mở cửa lại càng sớm càng tốt; người dân được thoải mái bay các chuyến bay thương mại mà không cần phải đáp ứng nhiều quy định. Cuối cùng, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành. Điều này mang lại ‘hơi thở sống’ cho ngành du lịch Việt sớm phục hồi” ông Kiên nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân cũng chia sẻ thời gian qua, Ban IV đã dành nhiều cuộc nói chuyện, chia sẻ để tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.
“Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn,” ông Bình nói. Đồng thời cho rằng việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết.
Theo vị chuyên gia này, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế không làm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong nước. Đơn cử như việc thí điểm đón gần 8.500 khách du lịch 2 tháng qua, cũng cho thấy việc mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến tình hình dịch trong nước.
Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết nếu không sớm mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ là mong muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Diễn đàn doanh nghiệp