MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho dự án “đắp chiếu”?

Số phận của 12 dự án thua lỗ thuộc Bộ Công Thương đang được bộ này cùng các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, định đoạt theo 2 phương án: tiếp tục đầu tư hoặc thu hồi, bán tài sản trả nợ.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương lập phương án xử lý 12 dự án thua lỗ thuộc bộ này. Một trong số đó là dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư.

Làm dự án khi cung đã vượt cầu

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã dừng hoạt động từ ngày 17-9-2015 do hết vốn lưu động. Đến thời điểm này, PVTex không còn kinh phí để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hệ thống máy móc thiết bị. Tính đến ngày 30-9-2016, PVTex lỗ lũy kế hơn 3.209 tỉ đồng và dự án tiếp tục âm vốn chủ sở hữu do phải tính khấu hao tài sản cố định.

Một cán bộ quản lý thuộc Bộ Công Thương nhìn nhận thất bại của dự án xơ sợi Đình Vũ do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Ngành xơ sợi gắn với thị trường dầu mỏ nên khó tránh khỏi rơi vào tình trạng chết yểu do biến động quá lớn của giá dầu. “Khi làm dự án, giá dầu đang ở đỉnh, sau đó xuống chỉ còn 50 USD/thùng. Nguyên tắc của thị trường là tốc độ xuống giá sản phẩm còn nhanh hơn tốc độ xuống của giá nguyên liệu nên khi dự trữ vật tư ở mức giá cao thì lúc giá xuống chắc chắn lỗ” - vị này phân tích.

Cũng theo vị này, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ “chết yểu” còn do hạn chế về tư duy, nhận thức, sai lầm trong dự báo thị trường bởi ra đời khi cung trên thị trường xơ sợi thế giới đã vượt cầu.


Nhà máy Bột giấy Phương Nam, một trong 12 dự án thua lỗ làm tiêu hao ngân sách nhà nướcẢnh: Hoàng Minh

Nhà máy Bột giấy Phương Nam, một trong 12 dự án thua lỗ làm tiêu hao ngân sách nhà nướcẢnh: Hoàng Minh

Theo tìm hiểu, PVTex đã “ngốn” số vốn 1.602 tỉ đồng do Tập đoàn Dầu khí (PVN) góp vào và không thể thu hồi được. Giới chuyên gia cho rằng nếu chọn phương án cho dự án này phá sản theo luật thì PVN cũng sẽ phải thanh toán hết dư nợ khoản vay dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy đã bảo lãnh là hơn 4.925 tỉ đồng. Còn với phương án tự duy trì sản xuất rồi sau đó thoái vốn thì theo tính toán, đến năm 2019, có thể bù được chi phí và có lãi. Tuy nhiên, điều kiện để PVTex làm được điều này không hề đơn giản. Cụ thể, các cổ đông phải cùng PVTex xử lý triệt để vấn đề tài chính, khắc phục tình trạng “giật gấu vá vai” như hiện tại thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án hoặc tăng vốn điều lệ. Đồng thời, Chính phủ cho phép áp thuế suất thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY từ 3%-5% trong giai đoạn đầu; Bộ Tài chính cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu sớm cho PVTex trong vòng 60 ngày và cho PVTex được khoanh khấu hao đến hết năm 2017 để bảo toàn vốn sở hữu...

Từ các phân tích trên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng phương án phù hợp với tình hình hiện nay là hợp tác với đối tác nước ngoài. Với sự lựa chọn này, trước mắt, PVTex có thể hợp tác kinh doanh cùng đối tác nước ngoài sản xuất sản phẩm xơ PSF với công suất theo tính toán là 400 tấn/ngày. Sau giai đoạn này, dự án sẽ đi đến bước duy trì vận hành an toàn, doanh thu đủ bù chi phí.

Qua quá trình làm việc, PVTex đã thống nhất sơ bộ được với đối tác đến từ Singapore về phương án hợp tác sản xuất kinh doanh và dự kiến kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn tới.

“Chàng đẹp trai vô tích sự”

Một dự án khác làm tiêu tốn ngân sách nhà nước là Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi).

Dự án khởi công vào đầu năm 2004, tổng mức đầu tư là 2.286 tỉ đồng. Gọi dự án này là “chàng đẹp trai vô tích sự”, một cán bộ trong ngành công thương cho rằng dự án thất bại do thiếu hiểu biết. Ông kể “duyên cớ” hình thành ý tưởng về nhà máy này là bởi nhà máy chế biến bao bì từ đay của Ấn Độ tại TP HCM đóng cửa, bỏ lại cả vùng nguyên liệu đay tại tỉnh Long An với 14.000 ha.

“Giấy từ đay rất tốt, làm được nhiều thứ nhưng quy mô công nghiệp thì chưa ai làm, chỉ có nhà máy nhỏ với vài ngàn tấn ở Trung Quốc. Thế là ta đặt hàng đối tác làm công nghệ sản xuất bột giấy từ đay. Thế nhưng, nhà chế tạo làm cho chúng ta công nghệ để sản xuất cây đay Mỹ to bằng cổ tay, cứng như gỗ. Kết quả là khi lắp đặt xong, nhà máy rất đẹp, có thể coi là đẹp nhất Việt Nam, nhưng đưa cây đay vào chạy có tải thì không được” - vị này chua chát.

Đó là chưa kể đến sản phẩm của nhà máy là một loại bột hóa nhiệt cơ tẩy trắng với độ trắng khoảng 80%, được sử dụng chủ yếu cho sản xuất giấy in báo, một phần cho giấy in hoặc giấy bao bì. Thị trường trong nước chỉ có thể sử dụng sản phẩm này với tỉ lệ thấp do nhiều vấn đề về yêu cầu kỹ thuật. Quan trọng hơn, sản phẩm bột giấy này có giá nhập trong quý II/2013 trung bình khoảng 11,9 triệu đồng/tấn, còn giá thành kế hoạch sản xuất dự kiến năm 2013 của nhà máy là 16,4 triệu đồng/tấn. Giá thành sản xuất không cạnh tranh được thì lỗ là khó tránh khỏi.

Bởi vậy, dừng đầu tư dự án, tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án có thể được coi là một trong những phương án khả thi hiện nay. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã được giao khẩn trương tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn định giá và xác định giá khởi điểm làm căn cứ để đấu giá bán tài sản của dự án; đồng thời, thu hồi toàn bộ các khoản nợ và xử lý các khoản nợ phải trả . Tổng công ty đang tiến hành việc chấm thầu đối với các hồ sơ của các đơn vị tư vấn định giá và xác định giá khởi điểm.

Tìm cách cứu các dự án ethanol

Ba dự án ethanol “đắp chiếu” trong tổng số 12 dự án bị bêu tên của Bộ Công Thương là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước và Ethanol Phú Thọ. Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho biết liên quan đến các dự án này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN và PVN cũng đã chỉ đạo PVOil tìm mọi cách để cứu. Theo ông Dương, các dự án này phục vụ phát triển nhiên liệu sinh học. Một trong những khó khăn hiện nay là đầu ra cho sản phẩm ethanol. Do đó tới đây, khi thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng E5 thì nhu cầu ethanol sẽ tăng nên các nhà máy có thể chạy 100% công suất. “Đây là điều kiện rất tốt để hồi sinh các nhà máy này” - ông Dương nhìn nhận.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Trở lên trên