MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho lao động Việt Nam xuất ngoại khi biên giới giữa các quốc gia bị xóa nhòa?

Thoả thuận tự do di chuyển lao động trong khối ASEAN hay các chính sách cởi mở hơn trong việc chấp nhận lao động đến từ các quốc gia khác nhau đã mở ra cánh cửa mới cho người lao động Việt Nam.

Việt Nam với dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào đang được xem là có lợi thế khi lao động được tự do di chuyển giữa các nước. Tuy nhiên, lao động Việt Nam dù đông nhưng chất lượng thấp, chủ yếu tập trung ở nông thôn, năng suất lao động Việt Nam còn thấp đã tạo nhiều lo ngại người Việt có thể thất thế ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, còn là vấn đề chảy máu chất xám ở những lao động tri thức cao, vốn ít ỏi trong nước.

Báo Trí Thức Trẻ đã có trao đổi với ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group Việt Nam về vấn đề này.

Biên giới giữa các quốc gia đang dần được xoá đi, liệu lao động trong nước có đối mặt với việc cạnh tranh với các nhân sự đến từ nước ngoài không? Nếu có thì thường ở lĩnh vực nào?

Mặc dù biên giới giữa các nước đang xóa dần, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự dịch chuyển, tuy nhiên không phải ngành nghề nào cũng ưu tiên tuyển dụng ứng viên nước ngoài. Đơn cử như lĩnh vực Ngành hàng tiêu dùng nhanh và Bán lẻ, do đặc thù của hai lĩnh vực này yêu cầu ứng viên phải am hiểu thị trường và văn hóa bản địa mới có thể hoạch định chiến lược phù hợp và khả thi, đây cũng là một trong những điểm bất lợi của người nước ngoài.

Trong 2 lĩnh vực này chỉ có nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài ở vị trí Trưởng bộ phận, do họ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy toàn cầu, những vị trí này thường được điều chuyển từ vùng về. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, có những vị trí cấp cao trong 2 lĩnh vực này còn yêu cầu ứng viên nước ngoài phải nói được thành thạo tiếng Việt.

Ngành nghề ưu tiên người nước ngoài hơn cả đáng kể đến là Giáo dục, đặc biệt là các trường học Quốc tế và trung tâm ngoại ngữ. Do người nước ngoài có chuyên môn về Anh ngữ tốt hơn và đây cũng là một cách để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, cấp quản lý tại các doanh nghiệp này lại ưu tiên người Việt Nam.

Trong ngành sản xuất như dệt may, da giày thì thường ưu tiên tuyển dụng những ứng viên đến từ Ấn Độ, Parkistan, Philipines do họ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong chế xuất. Những nhóm nghề liên quan đến kỹ thuật được ưu tiên cho người bản địa do họ am hiểu văn hóa Việt Nam.

Ngành này chỉ có nhu cầu tuyển người nước ngoài cho các vị trí như Điều hành, Trưởng bộ phận, Giám đốc nhà máy. Đây là một điểm khá tích cực vì những ứng viên cấp cao người nước ngoài sẽ giúp đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động Việt Nam tốt hơn. 

Đối với những doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, do rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, nên họ có nhu cầu tuyển dụng ứng viên cấp cao là người đến từ cùng quốc gia với họ.

Có những nghề mới xuất hiện trong lĩnh vực Dữ liệu công nghệ cao (Data technology) nhưng ứng viên Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên bắt buộc phải tuyển dụng ứngviên nước ngoài.

Đặc biệt như Kỹ sư phân tích và xử lý dữ liệu (Data processing) trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech), những ứng viên này buộc phải am hiểu công nghệ kỹ thuật lẫn kiến thức về tài chính; Kỹ sư công nghệ có kiến thức về máy học và trí tuệ nhân tạo cũng rất khan hiếm tại Việt Nam. Hiện nay, chưa có trường lớp đào tạo nào về các ngành nghề này, tuy nhiên trong 3 năm tới lĩnh vực này sẽ phát triển rất mạnh mẽ nên sẽ tăng cao về nhu cầu tuyển dụng.

Theo phân tích thì có vẻ người Việt dường như đang bị lép vế ở phần tuyển dụng nhân sự cấp cao. Cách nào để nhân sự Việt có thể cạnh tranh ở phân khúc này?

Thực ra xu hướng hiện nay vẫn ưu tiên tuyển dụng người Việt nếu họ đáp ứng được yêu cầu công việc. Nguyên nhân họ có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó tuyển dụng người bản địa sẽ tiết kiệm 2 – 3 lần ngân sách, do không phải áp dụng những chế độ trả thuế cao và hay phúc lợi cho cả gia đình như khi tuyển dụng người nước ngoài.

Một số điểm hạn chế của ứng viên Việt Nam so với ứng viên nước khác là khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và tư duy toàn cầu. Nếu trau đồi tốt những yếu tố này thì tôi nghĩ cơ hội là như nhau cho ứng viên nước ngoài và ứng viên Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, nhân sự Việt cũng có thể di chuyển ra nước ngoài làm việc. Những lĩnh vực nào đang là xu hướng?

Mỗi năm nhu cầu dịch chuyển của người Việt sang các nước khác tăng vào khoảng 20%. Đặc biệt, các nước phát triển như Canada và Úc hiện nay đã mở rộng hơn chính sách định cư tay nghề cao.

Theo đó, nếu ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn trên 3 năm và có tiếng Anh đạt mức IELTS 6.5 trở lên, thì có thể sang nước ngoài làm việc. Một số ngành nghề có xu hướng dịch chuyển cao thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Kỹ sư, Công nghệ thông tin, Kế toán/Kiếm toán, Tài chính, Truyền thông/Marketing.

Như vậy Việt Nam có khả năng đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám?

Tôi nghĩ sẽ không xảy ra kịch bản chảy máu chất xám do hiện nay tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ở cấp trung và cấp cao đang ngày một tăng nên các công ty sẽ đấy mạnh hơn chính sách thu hút nhân tài trong nước. Ngoài ra, ứng viên người Việt còn chưa sẵn sàng dịch chuyển do còn có một số điểm hạn chế về văn hóa, ngôn ngữ, kỹ năng chuyên môn, yếu tố gia đình,... Ứ ng viên người Việt thường mong muốn chắc chắn phải có công việc ở nước khác và đảm bảo được sự ổn định cho gia đình thì họ mới quyết định dịch chuyển.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển ra nước ngoài để làm việc của một bộ phận nhân sự theo tôi nghĩ mang ý nghĩa khá tích cực. Họ có cơ hội học hỏi tư duy toàn cầu từ đồng nghiệp quốc tế, sau đó sẽ mang phong cách làm việc này về Việt Nam và áp dụng vào các tổ chức trong nước.

Người Việt rất coi trọng các yếu tố về gia đình và quê hương nên họ thường sẽ có xu hướng quay về nước sau một thời gian tu nghiệp.

Theo đánh giá của riêng tôi, Việt Nam đang kết hợp được nhiều yếu tố hấp dẫn về kinh tế như tăng trưởng GDP năm vừa rồi cao hơn mức mong đợi, nguồn vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ, dân số cấu trúc vàng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng cao và đa dạng,…

Do vậy, Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về kinh tế trong tương lai và sẽ là nơi thu hút nhân tài từ các nước trong khu vực đến đây làm việc. 

Việc dịch chuyển của các lao động nước ngoài vào Việt Nam sẽ xây dựng một môi trường làm việc đa văn hóa, theo tôi một tổ chức có cấu trúc phong phú như vậy sẽ giúp người lao động làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. 

Như vậy, tự do di chuyển lao động trong khối AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và đồng thời nhiều thách thức cho lao động các nước trong khu vực ... trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biết là tiếng Anh, được di chuyển tự do.

Cảm ơn ông!

Đức Minh (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên